Bà María Jesús Figa López-Palop, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam |
Tây Ban Nha và Việt Nam của năm 2017 đã thay đổi rất nhiều so với 40 năm trước. Năm 1977, Việt Nam vẫn đang từng bước cố gắng khôi phục và xây dựng lại sau nhiều năm chiến tranh, còn Tây Ban Nha mới thức dậy sau khi đắm chìm kéo dài dưới chế độ độc tài và phải đối diện với những hoài nghi về tương lai. Sự năng động, tràn đầy sức sống tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hay tại Valencia và Barcelona ngày nay, là minh chứng rõ ràng cho thấy chuyển biến to lớn và khả năng tái tạo của hai xã hội.
Ngày này, Việt Nam và Tây Ban Nha là những nước mở cửa đối với thế giới. Liên hợp quốc, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) hay Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một vài trong số các tổ chức mà chúng ta cùng tham gia. Hai nước đều có tiếng nói đầy tự tin tại các diễn đàn khu vực và quốc tế chủ đạo. Việc hội nhập vào các cấu trúc kinh tế và chính trị thế giới đã mang lại cho hai nước sự phồn thịnh.
Những bước đi quan trọng
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ song phương cũng đạt được những tiến triển rõ rệt. 15 năm sau khi mở cửa Đại sứ quán tại Hà Nội (năm 1997), Tây Ban Nha ưu tiên quan hệ với Việt Nam và dành khoảng 250 triệu Euro cho các dự án hợp tác song và đa phương. Tây Ban Nha rất tự hào khi có thể đóng góp vào sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam trong giai đoạn này.
Năm 2009, Tây Ban Nha là nước đầu tiên trong EU ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam và đây là trụ cột của mối quan hệ trải dài từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, khoa học, giáo dục, tư pháp, quốc phòng và lao động. Hai nước cũng đã ký các hiệp định và thỏa thuận ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực, cùng với đó là các hoạt động trao đổi hợp tác ngày càng tăng. Mối quan hệ được thắt chặt bằng các cuộc họp cấp cao được tổ chức định kỳ hàng năm để đảm bảo sự đối thoại mở, liên tục và chân thành giữa Bộ Ngoại giao của hai nước.
Tây Ban Nha rất vinh dự được đón tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. Dịp này, Phó Thủ tướng đã yết kiến Nhà vua Felipe VI. Tháp tùng Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là đoàn đại biểu với rất nhiều đại diện doanh nghiệp và văn hóa của Việt Nam, cùng chương trình làm việc dày đặc, sẽ giới thiệu với công chúng Tây Ban Nha về nền văn hóa đặc sắc và đa dạng của Việt Nam. Chắc chắn, đây là cách hay nhất để chúc mừng bốn thập kỷ quan hệ ngoại giao Việt Nam-Tây Ban Nha.
Chuyến thăm là một bước tiến lớn cho mối quan hệ giữa hai nước và cho cả hình ảnh của Việt Nam trong con mắt của người dân Tây Ban Nha. Mặt khác, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và đầu tư, Hiệp định tài chính lần thứ 5 được thông qua nhân chuyến thăm này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ María Jesús Figa López-Palop đến thăm và làm việc tại trường Đại học Hà Nội nhân dịp Nhà trường đang tổ chức Tuần lễ văn hóa các nước nói tiếng Tây Ban Nha, ngày 19/4. |
Mở rộng hợp tác để gần nhau hơn
Việt Nam là đối tác thương mại chính của Tây Ban Nha trong 10 nước ASEAN, đạt 2,689 tỷ Euro năm 2016. Đến nay, đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn hạn chế, nếu so sánh với sự hiện diện của chúng tôi tại Mỹ Latin, châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, lĩnh vực này có triển vọng đầy hứa hẹn. Dù số lượng đầu tư còn hạn chế nhưng chất lượng lại khả quan. Trong đó, phải kể đến đầu tư của REPSOL, một tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng, vào Việt Nam. Việc mở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử áp dụng công nghệ cao của Tập đoàn PREMO tại Đà Nẵng, hay việc tư vấn xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai của GETINSA, đều là những minh chứng cho khẳng định trên.
Mối quan tâm của các nhà đầu tư Tây Ban Nha vào Việt Nam ngày càng tăng. Những kinh nghiệm của họ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, xây dựng và kiến trúc sẽ là những đóng góp quý báu cho Việt Nam. Việc cải cách khung pháp lý và thông qua Hiệp định tự do thương mại với EU chắc chắn sẽ củng cố niềm tin của các công ty Tây Ban Nha đối với thị trường Việt Nam.
Mối quan tâm của Tây Ban Nha với Việt Nam và ngược lại, không còn bó hẹp trong chỉ lĩnh vực kinh tế. Lượng khách du lịch Tây Ban Nha đến Việt Nam tăng hàng năm cho thấy sự hấp dẫn từ Việt Nam của các yếu tố lịch sử, văn hóa, ẩm thực… đối với người dân Tây Ban Nha. Năm 2016, Việt Nam đã đón 58.000 lượt khách du lịch từ Tây Ban Nha, tăng khoảng 30% so với năm trước, và sáu tháng đầu năm 2017, đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, du khách Việt Nam cũng bắt đầu lựa chọn "xứ sở bò tót" là điểm đến yêu thích.
Thanh niên Việt Nam đang có nhiều cơ hội học tập tại Tây Ban Nha khi hệ thống đại học ở đây đào tạo bằng hai ngoại ngữ: tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Hiện có khoảng 500 sinh viên Việt Nam theo học tại Tây Ban Nha với nhu cầu ngày một tăng. Bởi vậy, giáo dục cũng là lĩnh vực mà chúng tôi đặt trọng tâm phát triển để bảo đảm tất cả sinh viên được đào tạo trong môi trường giáo dục chất lượng cao nhất, góp phần nhân rộng cơ hội cho tương lai của các em và của cả hai nước.
Ngày hôm nay, chúng ta cùng hướng tới thời kỳ mới, mở ra những cơ hội to lớn để phát triển quan hệ giữa hai nước. Trong 40 năm tới, Tây Ban Nha và Việt Nam sẽ cùng nhau nỗ lực để có thể đạt được những thành quả tốt nhất. Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam mong muốn đóng góp vào mục tiêu này và xin mở rộng cánh cửa hợp tác để góp phần đưa hai quốc gia xích lại gần nhau hơn.