Nhân viên y tế Guinea giúp người dân đăng ký tiêm vaccine chống Ebola sau khi dịch bệnh bùng phát hồi đầu năm. (Nguồn: AFP) |
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức không chỉ trong việc nghiên cứu phát triển vaccine, mà còn trong công tác bảo đảm tiếp cận vaccine.
Mặc dù hiện nay có tới hơn chục loại vaccine Covid-19 đang được phân phối trên khắp thế giới, nhưng các chiến dịch tiêm chủng vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản. Thiếu nguồn cung vaccine, những lo ngại từ phía người dân, cũng như các yêu cầu về liều lượng và điều kiện bảo quản… đều có thể tác động đến tiến trình tiêm chủng.
Làm sao nâng cao tỷ lệ tiêm chủng?
Các chuyên gia y tế công cộng trên thế giới coi vaccine là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học, giúp giảm tỷ lệ mắc một số bệnh, ví dụ như bại liệt, xuống gần bằng không.
Tuy nhiên, ngay cả đối với các bệnh có vaccine, việc đạt được và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao là không hề dễ dàng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về tỷ lệ tiêm chủng đang trong tình trạng “đình trệ nguy hiểm” trong những năm gần đây. Nguyên nhân là có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ phổ cập của vaccine.
Một là, khan nguồn cung vaccine.
Các quốc gia trên thế giới có thể đối mặt với tình trạng thiếu vaccine vì nhiều lý do. WHO đã ghi nhận sự thiếu hụt vaccine chống virus HPV (human papilloma virus) trên toàn cầu trong những năm gần đây do năng lực sản xuất hạn chế trong bối cảnh nhu cầu tăng cao.
Trong đại dịch Covid-19, năng lực sản xuất vaccine đang được thí nghiệm trên quy mô chưa từng có.
Giữa làn sóng dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Ấn Độ hồi quý II vừa qua, Viện Huyết thanh Ấn Độ, “công xưởng sản xuất vaccine” lớn nhất thế giới, thông báo rằng họ không thể đáp ứng các cam kết cung cấp vaccine trước đó cho các quốc gia.
Công tác phân phối vaccine cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với các vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa.
Một số vaccine, chẳng hạn như vaccine ngừa thủy đậu, phải được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.
Tương tự, vaccine Covid-19 của Pfizer và BioNTech ban đầu yêu cầu bảo quản trong tủ đông với độ lạnh cực sâu. Tuy nhiên, sau khi công bố dữ liệu mới, vaccine này có thể được giữ trong tủ lạnh thông thường trong tối đa một tháng. Điều này giúp vaccine trở nên dễ tiếp cận hơn đáng kể.
Hai là, sự hiểu biết và tin tưởng của người dân về vaccine.
Các cơ quan chức năng có thể xây dựng lòng tin của người dân với vaccine thông qua công tác tuyên truyền rõ ràng và minh bạch. Điều này bao gồm thông tin về hiệu quả của vaccine, tác dụng phụ và khi nào nên tiêm nhắc lại.
Nhiều chuyên gia trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng hoài nghi về vaccine đang ngày càng gia tăng.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dịch sởi bùng phát ở Mỹ năm 2019. Sự thiếu tin tưởng cũng từng làm suy yếu nỗ lực chống dịch Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Bên cạnh đại dịch toàn cầu, thế giới đang dấy lên lo ngại về “infodemic”, hay còn gọi là thông tin sai sự thật. Hiện này, lo ngại về “infodemic” ngày càng có cơ sở khi nhiều đối tượng cố tình lan truyền thông tin sai lệch về tác dụng của vaccine Covid-19.
Ở Mỹ, những nghi ngờ về vaccine Covid-19 vẫn ở mức cao. Theo một cuộc thăm dò vào tháng 7 của The Economist và YouGov, gần 30% người Mỹ được khảo sát cho biết họ sẽ không tiêm chủng hoặc không chắc chắn về việc tiêm chủng.
Ba là, sự phức tạp của vaccine.
Các hãng dược phẩm đôi khi khuyến cáo tiêm đủ hai liều hoặc thậm chí nhiều hơn để có được sự bảo vệ tối đa, với khoảng cách giữa các liều là vài tuần hoặc vài tháng. Tương tự như cả hai loại vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech đều đòi hỏi tiêm đủ hai liều và tiêm cùng một loại vaccine cho cả hai liều.
Tiêm theo nhóm người, nhóm tuổi.
Các cơ quan y tế thường chỉ định một loại vaccine cho một số nhóm tuổi cụ thể hoặc cho những người có chung nguy cơ sức khỏe nhất định.
Tại Mỹ và một số quốc gia khác, việc thăm khám bác sĩ nhi khoa phần lớn được xác định bởi lịch tiêm chủng. Điều này giúp dễ dàng đạt được tỷ lệ bao phủ cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Mặt khác, việc thanh thiếu niên và người lớn thường không đi khám bác sĩ định kỳ cũng làm giảm tỉ lệ bao phủ tiêm chủng ở lứa tuổi này.
Trước khi triển khai vaccine Covid-19, các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia đã ban hành hướng dẫn cho các chiến dịch tiêm chủng theo từng giai đoạn, đặt ưu tiên tiêm chủng hàng đầu cho các nhân viên y tế, người sống ở các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn.
Lấy mẫu xét nghiệm ở trẻ nhỏ. (Nguồn: AP) |
Khác biệt về chính sách có ảnh hưởng đến phổ cập vaccine trên toàn cầu?
Các khuyến nghị về tiêm chủng một loại vaccine có thể khác nhau đáng kể giữa các quốc gia.
Ví dụ như ở Mỹ, vaccine cúm được khuyến cáo tiêm hàng năm đối với người từ 6 tháng tuổi trở lên. Trong khi đó, ở một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Bỉ và Lithuania, vaccine này chỉ được khuyến cáo cho các nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, phụ nữ mang thai, và những người có hệ miễn dịch yếu.
Do đó, tỷ lệ phổ cập vaccine có thể rất khác nhau trên toàn cầu.
Đại dịch ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng như thế nào?
Trong bối cảnh đại dịch, mối quan ngại lớn của các chuyên gia y tế là việc tiêm chủng thường xuyên không được thực hiện đầy đủ, do một số gia đình tránh đến các cơ sở y tế, hay nguồn lực và nhân sự của những cơ sở này đã được chuyển hướng để tập trung chống dịch Covid-19.
Theo WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong năm 2020, có 23 triệu trẻ em trên toàn cầu bỏ lỡ các mũi tiêm chủng cơ bản.
Các cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân nên tiêm phòng cúm để tránh “đại dịch kép” gồm cúm mùa và Covid-19.
Tuy nhiên, ở Mỹ, châu Âu và các nơi khác, số ca bệnh cúm có vẻ thấp bất thường. Các chuyên gia y tế cho rằng điều này chủ yếu nhờ vào giãn cách xã hội và các biện pháp chống dịch khác.
Tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trên thế giới đang ở mức nào?
Ngay cả trong trường hợp thuận lợi nhất, vẫn sẽ tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tiêm chủng.
Mặc dù đã phát triển thành công vaccine Covid-19, tính đến nay chỉ khoảng 14% dân số thế giới được tiêm chủng và chưa đến 30% đã được tiêm ít nhất một liều.
Ở châu Phi, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ thấp hơn đáng kể, dưới 2%.
Việc chậm triển khai tiêm chủng trên toàn cầu đã dấy lên hồi chuông báo động khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm hơn xuất hiện.
Giờ đây, nhiều quốc gia đang thực hiện hoặc xem xét thực hiện tiêm chủng bắt buộc vaccine Covid-19.
Tại Indonesia, chính quyền nước này đã yêu cầu tất cả các công dân đủ điều kiện phải được tiêm chủng, thậm chí phạt tiền hoặc đình chỉ các dịch vụ xã hội đối với những người từ chối tiêm.
Trong khi đó, kể từ tháng 8, công dân Saudi Arabia phải xuất trình chứng chỉ đã tiêm phòng để được vào nhiều khu vực công cộng và riêng tư.
Tại Việt Nam, tính hết ngày 14/8, đã có hơn 12,1 triệu liều vaccine được tiêm và số người đã tiêm đủ hai mũi là gần 1,1 triệu người. (Nguồn: Dân Trí) |
Tiến độ phổ cập vaccine Covid-19 tại Việt Nam đến đâu?
Tại Việt Nam, tính đến ngày 14/8, đã có hơn 12,1 triệu liều vaccine được tiêm và số người đã tiêm đủ hai mũi là gần 1,1 triệu người.
Tính đến tháng 6/2022 - thời điểm kết thúc chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam cần 170 triệu liều vaccine Covid-19, nhằm tiêm chủng cho người dân trên diện rộng, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng.
Trong bối cảnh lượng vaccine Covid-19 tiếp nhận chưa đáp ứng đủ nhu cầu phổ cập vaccine của Việt Nam, Chính phủ chỉ đạo kịp thời phân bổ vaccine Covid-19 cho các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp...
Về việc phân bổ vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ đã phân bổ cho các viện và địa phương khoảng trên 18 triệu liều vaccine cho 18 đợt.
Tốc độ tiêm chủng vaccine của các địa phương có nhanh hơn so với trước đó, tuy nhiên nếu tính tỉ lệ so với số vaccine đã được phân bổ thì vẫn thấp.
Về vấn đề triển khai tiêm vaccine Covid-19 ở Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là không trông chờ, lựa chọn vaccine mà vaccine về đợt nào thì triển khai tiêm đợt đó.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh Việt Nam tiêm vaccine Covid-19 miễn phí. Các đơn vị tổ chức tiêm tuyệt đối không được thu hay tiếp nhận bất kỳ chi phí nào liên quan, kể cả từ các nguồn tự nguyện ủng hộ.