📞

5.121, cái gì thế này?

10:24 | 26/02/2016
Ngày 15/2, tôi đọc trên báo mạng thấy có dòng tin: Báo cáo nhanh của Bộ Y tế cho biết, từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 Tết Bính Thân, có 5.121 trường hợp nhập viện do đánh nhau, xô xát, trong đó 13 người đã tử vong, tăng gấp 2 lần so với tết Ất Mùi. Tôi tự nhủ: “Cái quái quỷ gì thế này?”
Cảnh tượng kinh hoàng tại Lễ hội Cướp phết ở Phú Thọ.

Tết cổ truyền vốn là ngày vui của dân tộc, là dịp đoàn tụ của các gia đình. Trong những ngày đầu năm mới, ai cũng bảo nhau phải “xí xóa” cho mọi người xung quanh để cả năm được vui vẻ, may mắn. Thêm vào đó, người Việt thường được ca ngợi về đức tính hiền lành, lương thiện. Vậy tại sao có đến hơn 5.000 người phải vào viện vì đánh nhau trong mấy ngày Tết (mà tôi tin chắc con số này thực tế bị thương phải hơn thế rất nhiều vì có những trường hợp nhẹ mà người ta không nhập viện)?

Lý do dễ thấy nhất là do những cuộc ăn uống, nhậu nhẹt liên miên trong mấy ngày Tết. Rượu bia khiến cho nhiều người không kiểm soát nổi hành vi. Khi ấy, chỉ cần lời qua tiếng lại, va chạm rất nhỏ hay thậm chí là một ánh mắt thôi là họ đã có thể lao vào ẩu đả, thậm chí rút “hàng nguội, hàng nóng” để quyết sống mái với nhau.

Nhiều lễ hội ngày Xuân cũng đang mất dần nét đẹp văn hóa mà trở thành những cuộc tranh cướp lộc thánh, lộc thần… Cách đây hai năm, tôi có về nhà anh bạn ở Sóc Sơn để dự Hội đền Gióng. Anh ta khuyến cáo tôi chỉ nên đứng xem từ trên tầng cao chứ không nên ra thực địa. Khi kiệu hoa tre vừa được rước vào sân thì hàng trăm thanh niên lao tới tranh cướp vì người dân ở đây cho rằng, đầu năm mới lấy được hoa tre sẽ gặp nhiều may mắn. Những que tre nhỏ tượng trưng cho roi của Thánh Gióng mà mọi người cầm mở đường xông vào “cướp” hoa tre được các thanh niên này thay thế bằng những cây gậy lớn. Và chỉ vài giây, lễ hội đã biến thành một trận hỗn chiến trong sự bất lực của các cụ già tế lễ và lực lượng chức năng.

Trong video ghi lại Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) vừa qua, trong vòng chưa đầy 15 giây, toàn bộ số hoa cắm trong năm bình trên ban thờ bị người ta lấy sạch. Không chỉ chen lấn, xô đẩy, người ta trèo cả lên bàn thờ, ngồi cả lên đỉnh đồng để có thể lấy bất cứ thứ gì được cho là lộc. Thế đấy, những hoạt động lễ hội mang tính ước lệ, đẹp đẽ nay trở thành nơi để mọi người thể hiện cái tôi đầy hiếu thắng, đua nhau hành động thô bạo để giành lấy phần hơn.

Theo lẽ thường, khi trình độ dân trí nâng lên thì con người sẽ hành xử với nhau văn minh, lịch sự hơn. Thực tế không hẳn như vậy. Một bộ phận người Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên đang thiếu giáo dục và cả  nhân văn trong cách ứng xử. Họ thích sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề nhanh chóng và để thể hiện bản thân với mọi người xung quanh. Thêm vào đó, những vụ tranh cướp lộc, hỗn chiến làm biến tướng lễ hội cũng phản ánh phần nào mặt trái của kinh tế thị trường khi người ta sống và làm ăn chộp giật, mạnh ai nấy được, bất chấp chuẩn mực của xã hội và những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Có lẽ đã đến lúc chính quyền  địa phương cũng như các tổ chức quần chúng cần phải vào cuộc mạnh tay hơn nữa đề ngăn chặn tệ nạn bạo lực khoác áo tín ngưỡng này.