Khi các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của London tuyên bố sông Thames "đã chết về mặt sinh học", đã có một cú “chuyển mình” ngoạn mục chỉ sau 60 năm. Hiện nay, sông Thames được xem là một trong những con sông sạch nhất thế giới chảy qua một thành phố.
Sông Thames là một trong những con sông lớn sạch nhất thế giới. (Nguồn: Getty) |
Từ một “kho chất thải”...
Sông Thames được tạo bởi 4 nhánh sông là Isis, Churn, Colne và Leach. Các nhánh sông hội tụ tại thành phố Oxford. Phần lớn sông chảy theo hướng Đông nước Anh, chạy qua thủ đô London và đổ ra Biển Bắc.
Từ lâu, con sông đã trở thành một kho chứa chất thải do sự rò rỉ của các bể chứa và rác thải đổ xuống nhiều nhánh sông. Nhiều nhánh sông nhỏ nằm bên dưới các đường phố của London được phủ kín để che giấu mùi hôi của chúng.
Đỉnh điểm cao trào là vào mùa Hè năm 1858, khi lượng chất thải của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổ ra sông cũng đã dần đẩy người dân ra khỏi London. Năm đó, thời tiết nóng bất thường khiến mùi hôi thối bốc lên nặng nề hơn và người Anh gọi sông Thames là “dòng sông thối vĩ đại” (The Great Stink).
Sau đó, Sir Joseph Bazelgette, một kỹ sư đã được giao nhiệm vụ xây dựng một mạng lưới thoát nước thải để giảm bớt ô nhiễm trên sông và hệ thống này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Hơn một thế kỷ, các kỹ sư đã cải tiến mạng lưới này, bao gồm nâng cấp các công trình xử lý nước thải và lắp đặt nhà vệ sinh cho từng hộ gia đình để liên kết với hệ thống này.
Tuy nhiên, trong Thế chiến II, London đã liên tục hứng chịu các vụ đánh bom kéo dài, phá hủy nhiều phần của mạng lưới thoát nước, gây ra hiện tượng nước thải thô lại chảy vào sông.
Hơn thế nữa, khi sông Thames mở rộng và chảy chậm qua trung tâm London, các hạt phù sa mịn từ các nhánh lắng xuống lòng sông. Chúng làm cho sông ô nhiễm nặng nề với một loạt các kim loại nặng từ đường sá và công nghiệp, tạo ra một môi trường nước độc hại hơn bao giờ hết.
Để hầu hết các loài cá phát triển mạnh, môi trường nước lý tưởng phải chứa ít nhất 4-5 miligam oxy hòa tan/lít. Trong những năm 1950, các nhà khoa học đo lường chất lượng nước cho thấy mức oxy hòa tan của dòng sông Thames chỉ ở mức bão hòa 5%: tương đương với 0,5 miligam oxy/lít nước. Điều đó có nghĩa, chỉ có một số loài động vật không xương sống dưới nước như muỗi vằn và ấu trùng ruồi mới có thể sống được trong môi trường này.
Đối với 32km sông Thames chảy qua trung tâm London, mức oxy hòa tan thậm chí không thể đo lường được. Các cuộc khảo sát vào năm 1957 cho thấy con sông không thể duy trì sự sống và cuối cùng được tuyên bố là "đã chết về mặt sinh học".
Rác thải nhựa chất đống bên bờ sông Thames. (Nguồn: Londonist) |
….đến danh hiệu sạch nhất thế giới
Với những nỗ lực lớn của các nhà hoạch định chính sách, “số phận” của dòng sông Thames đã bắt đầu thay đổi.
Từ năm 1976, tất cả nước thải chảy vào sông Thames đều phải qua xử lý. Bên cạnh đó, những điều lệ được ban hành từ năm 1961 đến 1995 đã giúp nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nước.
Trong những năm 1970-1980, nhận thức về môi trường của người dân được tăng cao, các nguồn thải nguy hiểm xuống sông cũng vì thế mà giảm. Ví dụ như thuốc trừ sâu, trừ cỏ được sử dụng ít hơn nên những cơn mưa sẽ không thể cuốn chúng xuống sông.
Năm 1989, Anh thành lập Cơ quan bảo vệ sông ngòi quốc gia, đồng thời áp dụng các biện pháp giám sát sinh vật trên con sông này. Đây là một hệ thống tính điểm thông minh với cách thức đo mức độ ô nhiễm bằng số lượng các động vật không xương sống - chẳng hạn như chuồn chuồn, ốc sên hay bọ nước.
Sau đó cho điểm từng loài tùy theo khả năng chịu đựng của chúng với mức oxy hòa tan thấp. Điểm tổng thể thấp có nghĩa là con sông không có đủ khả năng để duy trì các sinh vật cần oxy, do đó biết được mức độ ô nhiễm của dòng sông.
Một trong những bước ngoặt chính đối với sức khỏe của sông Thames là việc lắp đặt các máy tạo oxy lớn, hay còn gọi là “máy tạo bọt”, để tăng mức oxy hòa tan trong nước.
Năm 2019, các nhà khoa học cho biết có 138 cá thể hải cẩu sinh sống tại sông Thames. (Nguồn: ZSL) |
Đầu những năm 1980, Cơ quan Quản lý nước sông Thames đã phát triển một thiết bị tạo oxy nguyên mẫu. Chúng có trách nhiệm duy trì lượng oxy ở mức đủ để hỗ trợ các quần thể cá đang phát triển.
Năm 1967, cá bơn chính thức là loài cá đầu tiên quay trở lại dòng sông Thames. Tiếp theo là 19 loài cá nước ngọt và 92 loài sinh vật biển như cá vược và cá chình được phát hiện ở cửa sông và hạ lưu sông. Sự trở lại của cá hồi trong những năm 1980 là một dấu ấn đáng kinh ngạc đối với các nhà bảo tồn.
Ngày nay, dòng sông Thames có khoảng 125 loài cá thường xuyên được ghi nhận, với những loài quý hiếm như cá ngựa đôi khi cũng được tìm thấy.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến ô nhiễm trầm tích. Từ cuộc suy thoái những năm 1990, mức độ ô nhiễm nước đã không giảm đáng kể, do chất thải từ nhiều ngành công nghiệp. Các loại chất thải như kim loại nặng, hạt vi nhựa và thuốc hòa tan trong nước khó có thể được lọc hoàn toàn qua quá trình xử lý nước thải thông thường.
Phần lớn động vật không xương sống không thể tồn tại hoặc sinh sản trong môi trường nước độc hại như vậy. Vì thế, đỉa và ấu trùng ruồi lại chiếm đa số trong hệ sinh thái của sông.
Các hệ thống thoát nước thải ban đầu được thiết kế cho khoảng 5 triệu người, nhưng hiện đã quá tải do dân số tại London đã đạt mức gần 10 triệu người.
Hiện tại, một “siêu cống” mới dài 25km đang được xây dựng ở thành phố London để giải quyết lượng chất thải tăng lên nhanh chóng này, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Nhưng các chuyên gia lo ngại rằng như vậy thì sẽ không đủ xử lý vấn đề.
Bên cạnh đó, London cũng cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng thoát nước mới trên toàn thành phố để tránh thiệt hại do các đợt bão, nhằm tránh phá hủy công sức hơn nửa thế kỷ để “hồi sinh” dòng sông mang tính biểu tượng của London.
| Tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng có thể dẫn tới đau tim chỉ trong 1 giờ? Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Circulation của Hiệp hội tim mạch Mỹ, tiếp xúc với các chất gây ô ... |
| Cảnh báo mới toàn cầu về chất lượng không khí Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần như tất cả mọi người trên thế giới đang hít thở không khí không đạt ... |