Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm cũng đang đặt ra bài toán cho các địa phương phát triển mạnh các khu công nghiệp, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần thực thi quyền được sống trong môi trường trong lành theo quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như Hiến pháp và Luật Bảo vệ Bảo vệ môi trường 2020.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Anh, tháng 11/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Từng bước hiện thực hóa cam kết
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu đề ra cần phải vượt qua những thách thức từ ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp.
Ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam đang ở mức báo động, làm gia tăng đáng kể lượng phát thải ra môi trường. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cả nước có 274/297 khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ 92,3%, tăng 1,3 điểm % so với năm 2022.
Nước thải khu công nghiệp chứa các chất ô nhiễm như SS, BOD, COD, Nitơ, Phốt pho và kim loại nặng, vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) từ 2 đến hàng trăm lần.
Theo kết quả quan trắc và phân tích môi trường đất miền Bắc, miền Trung và miền Nam (giai đoạn 2018 - 2022) của Viện Môi trường nông nghiệp, đất nông nghiệp quanh các khu công nghiệp ở hầu hết các khu vực được quan trắc đều chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, ô nhiễm kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, Cd, Hg) vượt giá trị giới hạn của QCVN 03- MT:2015/BTNMT từ 1,1 - 1,8 lần; khí thải từ một số khu công nghiệp chứa bụi, CO₂, SO₂ vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT, thông số bụi PM10 xấp xỉ vượt giá trị giới hạn[1]. Khí thải từ khu công nghiệp, đặc biệt là khí CO2 và khí metan, là những tác nhân chính trong việc gây ra tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Từ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và khắc phục thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động, sáng kiến cụ thể: đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; tiếp tục tham gia và thực hiện các sáng kiến, thỏa thuận quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.
Đồng thời, xây dựng, ban hành quyết định, đề án, Chương trình, Kế hoạch hành động triển khai kết quả Hội nghị COP26 như các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050...
“Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43 Hiến pháp năm 2013). |
Trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam đã triển khai thí điểm sáng kiến khu công nghiệp sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc[2].
Đến nay, một số dự án nhằm giảm phát thải ròng ở các khu công nghiệp được triển khai đạt hiệu quả như: Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu”; Chương trình được triển khai thực hiện tại một số khu công nghiệp phía Nam (Hiệp Phước - Thành phố Hồ Chí Minh, Đình Vũ - Hải Phòng, Trà Nóc - Cần Thơ, Amata - Đồng Nai, Hòa Khánh - Đà Nẵng).
Trong quá trình triển khai thực hiện từ tháng 5/2020-30/4/2024, dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” đã đề xuất được 603 giải pháp hiệu quả về tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) cho 68 doanh nghiệp tại 3 khu công nghiệp Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng).
![]() |
Nhiều tổ chức và đoàn tham quan quốc tế đến Nam Cầu Kiền đều bất ngờ và đánh giá cao. (Nguồn: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) |
Trong đó, 217 giải pháp đã góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải C02 và đem lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp; 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho khu 5 công nghiệp (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn[3].
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), với những mô hình khu công nghiệp sinh thái để giảm thiểu chất giải, giai đoạn 2020 - 2024 có 88 doanh nghiệp đã thực hiện hơn 600 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm, cắt giảm được 8.910 tấn khí CO2 hằng năm.
Từ những kết quả bước đầu trên, cho thấy phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái là hướng đi đúng đắn, thân thiện với môi trường, hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam với quốc tế[4].
Từ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” đã có một số khu công nghiệp đi tiên phong trong giảm phát thải ròng.
Điển hình như khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp; có 81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành khu công nghiệp; 25% lượng nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm mua nước sạch; 65% hệ sinh thái được phục hồi sau khi mô hình sinh thái được áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha5.
Khu công nghiệp Deep C xây dựng hệ thống công trình xanh gồm tòa nhà phức hợp được thiết kế đạt chuẩn LEED nhằm giảm năng lượng tiêu thụ, tối đa hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên. khu công nghiệp này đã chuyển đổi 135.800m đất thành khu “Wetland” với diện tích mặt nước chiếm 43,5% và khu vực xanh chiếm 56,5%, nhằm hạn chế các tác động làm mất cân bằng hệ sinh thái do hoạt động công nghiệp.
Năm 2023, 15 khách hàng trong khu công nghiệp Deep C đã thực hiện các giải pháp trong Chương trình hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), qua đó tiết kiệm được 5,8 triệu kWh điện, 90.000 m3 nước và giảm 10.588 tấn CO2 tương đương6…
![]() |
Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng. |
Xây dựng khu công nghiệp thân thiện với môi trường
Thực tế việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận doanh nghiệp về việc cắt giảm chất thải, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến quy định của Nhà nước về giảm thải; chưa triển khai các biện pháp thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường và phân loại, xử lý chất thải; kinh phí dành cho xử lý rác thải hạn chế, thâm chí có doanh nghiệp vi phạm quy định trong bảo vệ môi trường.
Mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh ở nước ta việc xây dựng mô hình này còn ít, chưa được lan tỏa rộng rãi; việc chuyển đổi năng lượng sanh hướng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phục vụ sản xuất ở các khu công nghiệp còn chưa nhiều; học hỏi, trao đổi kinh nghiệp, hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ứng dụng mô hình công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải còn hạn chế.
Mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu lớn của cả đất nước, để đạt được điều đó, cần có sự vào cuộc của tất cả các ngành, lĩnh vực và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm:
Một là, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về bảo vệ môi trường. Làm cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ và nỗ lực, quyết tâm thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu phát thải ròng; phát triển kinh tế phải gắn với nghĩa vụ bảo vệ môi trường; không vì lợi nhuận mà bỏ qua, xem nhẹ việc xử lý chất thải, có các hành vi không thân thiện với môi trường.
Hai là, hoàn thiện thể chế để phát triển các khu công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường; tập trung xây dựng, ban hành nhiều chính sách pháp lý cho việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh.
Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp bảm đảm tăng thêm trách nhiệm cho các doanh nghiệp bằng cách giảm ô nhiễm, tăng chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, giảm hóa chất độc hại ra môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; tích cực ứng dụng công nghệ số để quản lý môi trường hiệu quả và nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động giám sát.
Phát thải ròng bằng 0 là việc trung hòa carbon, là trạng thái mà lượng khí thải khí nhà kính do con người gây ra được cân bằng bởi lượng khí thải được loại bỏ khỏi khí quyển. Điều này có thể được thực hiện bằng cách giảm phát thải hoặc bằng cách loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển. |
Ba là, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sạch; hướng các khu công nghiệp sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thực hiên tốt việc thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), một công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide gây hiệu ứng nhà kính và đạt được mục tiêu trung hòa carbon, góp phần chống biến đổi khí hậu. Mặt khác, trong các dự án phát triển khu công nghiệp phải giành quĩ đất để trồng thêm cây xanh, bảo vệ môi trường.
Bốn là, đẩy mạnh quan trắc môi trường, cảnh báo ô nhiễm môi trường tại các khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp; hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phải tuân thủ và chấp hành đầy đủ các biện pháp, cam kết về bảo vệ môi trường; không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án thứ cấp khi khu công nghiệp chưa có hạ tầng kĩ thuật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp liên quan đến môi trường. Áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với khu công nghiệp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, bảo vệ mội trường khu công nghiệp; huy động các nguồn vốn đầu tư, vốn viện trợ quốc tế để thực hiện các giải pháp phát triển, nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh.[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2023.
[2] https://kinhtevadubao.vn/mpi-media-tour-lan-thu-nhat-thanh-cong-tot-dep-29600.html
[3] https://thiennhienmoitruong.vn/phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-sinh-thai-huong-toi-muc-tieu-giam-phat-thai.html
[4] https://thiennhienmoitruong.vn/phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-sinh-thai-huong-toi-muc-tieu-giam-phat-thai.html
5 https://daibieunhandan.vn/khu-cong-nghiep-sinh-thai-duong-den-net-zero-post389674.html
6 https://daibieunhandan.vn/khu-cong-nghiep-sinh-thai-duong-den-net-zero-post389674.html
![]()
| Nhân rộng các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch Dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" truyền đi thông điệp mạnh mẽ, kêu gọi sự nỗ lực, chung tay ... |
![]()
| Sẽ có 221 khu công nghiệp quy hoạch phát triển mới đến năm 2030 Theo quy hoạch đã được phê duyệt của 63 địa phương, Việt Nam đến năm 2030 sẽ có 221 khu công nghiệp (KCN) quy hoạch ... |
![]()
| SAIGONTEL: Tiên phong dẫn dắt chuyển đổi năng lượng xanh trong hệ sinh thái khu công nghiệp Việt Nam Nhằm góp phần vào nỗ lực thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam và đón đầu xu hướng chuỗi cung ... |
![]()
| Thắp sáng kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên mới (kỳ I): Tạo 'tổ' tốt nhất đón thêm 'đại bàng', nối dài hợp tác với P4G Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh nhận định, hành trình phát triển bền vững, kinh ... |
![]()
| 'Thắp sáng' kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên mới (kỳ II): Từ hai bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến khu công nghiệp sinh thái tiên phong Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec đánh giá, P4G sẽ là ... |