📞

70 năm Công ước Geneva: Từ 'Ký ức về Solferino' đến khung pháp lý toàn cầu

Beatrice Maser Mallor 16:56 | 12/08/2019
TGVN. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Công ước Geneva, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor đã có bài viết kêu gọi các nước cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa Công ước vì các giá trị của nhân loại. TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết này.
Bản Công ước Geneva đầu tiên. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ tại Việt Nam)

Vào ngày 12/8/1949, cách đây 70 năm, 4 Công ước Geneva đã được thông qua. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, cộng đồng quốc tế đã nhận ra sự cần thiết phải bảo vệ các giá trị của nhân loại trong thời chiến. Ngày nay, việc tất cả các nước thành viên tái cam kết tuân thủ Luật Nhân đạo Quốc tế và những nỗ lực tột cùng nhằm thúc đẩy thực thi luật này càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Vào năm 1859, Henry Dunant, một thương gia tại Geneva, trong một chuyến đi ngang qua miền Bắc Italy đã tình cờ chứng kiến cuộc chiến khốc liệt. Ông thấy cảnh hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn binh sĩ bị thương, bị bỏ mặc và không được chăm sóc y tế kịp thời từ những đơn vị quân đội của họ.

Việc chứng kiến những cảnh tượng này đã thôi thúc Henry Dunant xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Ký ức về Solferino”, trong đó ông đề xuất thành lập các hội cứu trợ, nay là các Hội Chữ thập đỏ, kèm theo đó là việc xây dựng cái mà ông gọi là “nguyên tắc mang tính quốc tế được quy định bởi một Công ước”. Cả hai sáng kiến này đều có mục đích làm dịu đi nỗi đau của những người bị thương trên chiến trường. 5 năm sau, vào năm 1864, Công ước Geneva đầu tiên ra đời với 14 nước ký kết.

Đây là khung pháp lý đầu tiên thiết lập các quy tắc ứng xử chiến tranh, nó đã giúp hạn chế những tổn thất do các cuộc xung đột vũ trang gây ra. Công ước thứ hai bảo vệ những nạn nhân đắm tàu ra đời vào năm 1907, Công ước thứ ba quy định việc đối xử với các tù binh chiến tranh đã được thông qua vào năm 1929. Công ước thứ tư bổ sung thêm một nội dung quan trọng, đó là bảo hộ thường dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh hiện đại, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Ngày nay, tất cả các nước trên thế giới đều là thành viên của 4 Công ước Geneva. Khi tham gia vào các Công ước này, các nước chấp thuận bảo vệ tất cả những cá nhân không tham gia hoặc không còn tham gia vào các cuộc chiến tranh, như thương binh và bệnh binh, tù binh chiến tranh và dân thường. Cùng với ba nghị định thư bổ sung được thông qua năm 1977 và năm 2005, các Công ước Geneva trở thành nền tảng của Luật Nhân đạo Quốc tế. Thụy Sỹ là quốc gia đầu tiên phê chuẩn Công ước Geneva vào năm 1950. Đây cũng là Công ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam lựa chọn phê chuẩn vào năm 1957.

Đài phun nước tại Geneva. (Nguồn: ĐSQ Thụy Sỹ)

Công ước Geneva đang cứu sống nhiều sinh mạng mỗi ngày. Công ước giúp làm giảm bớt khổ đau và bất hạnh của con người và nhờ đó đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải sau chiến tranh và tái thiết hòa bình. Tuy nhiên, việc phát triển các phương thức chiến tranh và gia tăng áp lực mới về chính trị và quân sự đã đặt luật nhân đạo quốc tế trước nhiều thách thức to lớn. Do đó, các nước cần tăng cường nỗ lực để đảm bảo tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và duy trì tính hợp lý của Công ước Geneva trong một thế giới mà các cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp tục gây ra những hậu quả tàn khốc, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta.

Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ tính hợp lý của các Công ước này vì đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh tàn phá đất nước. Trên cương vị sắp tới đây là Chủ tịch của ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có thể có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về tính hợp lý lâu dài của Luật Nhân đạo Quốc tế cũng như cần phải đẩy mạnh việc áp dụng Luật này trong các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới.

Nhân dịp kỉ niệm 70 năm Công ước Geneva, chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại những thành tựu của Công ước và cùng suy nghĩ về những việc cần làm để đảm bảo đạt được sự thành công lâu bền.