Nhỏ Bình thường Lớn

70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hồi ức chiến sĩ Đoàn quân Tiên phong

Đã 70 năm trôi qua nhưng đối với hai chiến sĩ thuộc Đại đoàn 308 - Đoàn quân Tiên phong, ông Nguyễn Viết Quyền (nguyên chuyên viên Bộ Y tế) và Đại tá Phạm Danh Mạch (nguyên Chánh Văn phòng Quân khu 1), những ngày tiếp nhận lại Thủ đô mãi là ký ức không thể nào quên.
Hồi ức chiến sĩ Đoàn quân Tiên phong
Ông Nguyễn Viết Quyền và ông Phạm Danh Mạch trò chuyện về ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Phương Linh)

Những ngày mùa Thu tháng Mười lịch sử, người chiến sĩ của Đại đoàn 308 - Đoàn quân Tiên phong bồi hồi nhớ về những ngày tháng đầy tự hào của 70 năm trước, khi “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” trong Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thuộc bộ phận những người của Đại đoàn 308 đầu tiên trở về Hà Nội trong hành trình ngàn dặm của cuộc trường chinh chống thực dân Pháp khi ấy, hai người lính Nguyễn Viết Quyền và Phạm Danh Mạch dù đã qua tuổi 95, vẫn nhớ rõ ngày 10/10/1954 lịch sử đó.

Điều đặc biệt là ông Nguyễn Viết Quyền, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 88 và ông Phạm Danh Mạch, từng là chiến sĩ Trung đoàn 36, đều thuộc Đại đoàn 308 và là anh em rể. Khi được hỏi về hành trình tiến về tiếp quản Hà Nội, hai người cùng hào hứng, sôi nổi kể về những ký ức của ngày tháng cũ. Không khí vừa như cuộc hàn huyên của những người lính lâu năm, lại vừa là hồi tưởng của những câu chuyện xưa trong nhà, thân tình mà hào hùng, bi tráng.

Ông Quyền chia sẻ: “Tôi không thể ngờ rằng mình sống được đến tuổi này, không chỉ chứng kiến mà còn đi qua hết các chiến dịch lớn của Tổ quốc, được cống hiến cho đất nước, cho quê hương kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Điều gì tôi cũng làm hết sức mình và chưa bao giờ thấy hối hận”.

Trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm

Trong những ngày đầu Thủ đô tạm chiếm, ông Quyền và ông Mạch hoạt động bí mật tại quê hương Dương Xá, Gia Lâm. Ông Quyền kể lại: “Khi đó, buổi sáng chúng tôi đào đường cho Pháp, tối lại theo chỉ đạo của quân ta đi phá chính những đoạn đường mà mình vừa đào”.

Khi đêm xuống, những hồi trống liên hồi nối tiếp từ làng này đến làng khác vang lên để đánh động giặc Pháp. Trước đó, quân của ta đã gài sẵn mìn theo con đường phá để tấn công địch.

Ông Quyền không thể quên vào một đêm, khi tiếng trống nổi lên, biết đường bị phá, một tên quan ba Pháp đã hỏi nhóm của ông: “Có biết ai là kẻ phá đường không?”. Ông Quyền lắc đầu tỏ ý không biết. Sau khi kiểm tra, tên quan ba đó bị mìn nổ làm hỏng mất xe, hắn truy tìm và biết chính nhóm ông Quyền đào đường hôm đó và bắt về hỏi tội. Ông hồi tưởng: “May sao lúc đó tôi không chịu ra, trốn được. Nếu không chắc cũng không xong với chúng!”

Đúng thời điểm đó, Đại đoàn 308 tuyển quân, ông Quyền và em rể không do dự mà quyết định đăng ký nhập ngũ. Chính vào năm 1948, một năm sau khi Hà Nội bị tạm chiếm, là năm hai anh em tham gia kháng chiến ở Điện Biên cùng lời hứa trở về Hà Nội với tâm thế người chiến thắng.

Trở về giành lại quê hương

Tháng 8/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ trao cho Đại đoàn 308 trọng trách vẻ vang là tiến về tiếp quản Thủ đô. Đến tháng Chín, các trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 hành quân về tập kết gần Hà Nội.

Trên đường về, Đại đoàn 308 vinh dự được Bác Hồ trực tiếp căn dặn ở Đền Hùng (Phú Thọ).

Bác giao nhiệm vụ giữ gìn kỷ luật, bảo đảm trật tự an ninh, bảo vệ nhân dân và các cơ sở quan trọng của thành phố, giữ gìn phẩm chất chiến sĩ “không gây phiền hà cho dân”, phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, để người dân từ cụ già đến em nhỏ đều hiểu, tin tưởng và yêu quý bộ đội. Với Đại đoàn 308, Bác dùng chữ “trở về” bởi Bác biết đó là những người lính ra đi từ Hà Nội.

Khoảng 8h45 ngày 10/10, cánh quân phía Nam thuộc Trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ Việt Nam học xá (nay thuộc Đại học Bách Khoa).

Ông Mạch kể về hành trình tiếp nhận: “Từ Việt Nam học xá, Trung đoàn 36 tiến vào nội thành đi dọc qua Bạch Mai, vòng qua Hồ Gươm, qua các phố rồi đóng quân ở Nhà Đấu Xảo (Cung văn hóa Hữu nghị hiện nay)”.

Cũng từ điểm này, ông Quyền và Trung đoàn 88 đi Văn Điển, chợ Mơ, đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài đến Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, bốt Hàng Đậu rồi đóng ở nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108), một thời gian sau thì di chuyển xuống làng Lệ Mật.

Trước khi đi, hai ông và đồng đội được căn dặn rất kỹ, học hành bài bản về quy định canh gác, phong thái và cách tiếp dân.

Nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ, ông Quyền xúc động: “Phải tự túc trong tất cả mọi thứ, từ gạo nước, thuốc men, không được lấy, mượn của dân một cái gì cả. Đến cái tăm cũng phải tự mang theo trong người. Đi đâu thì phải đi ba người. Tiếp xúc với dân, làm bất kỳ cái gì, gặp bất kỳ ai, kể cả người nhà đến thăm cũng phải xin phép. Thái độ với dân phải luôn tôn trọng, kính nể. Cảnh giác và chặt chẽ vô cùng!”

Hồi ức chiến sĩ Đoàn quân Tiên phong
Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào sáng 10/10/1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân. (Nguồn: TTXVN)

Ông Mạch chia sẻ thêm: “Sự chặt chẽ, cảnh giác như vậy rất cần thiết. Giặc Pháp vừa ra khỏi Thủ đô nhưng theo Hiệp định vẫn còn tập kết tại Hải Phòng. Trước đó, địch tung tin những người tiếp quản Thủ đô không phải dân Việt Minh mà là dân Tàu. Vì vậy, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để vừa không khiến Pháp có cơ hội phá hoại, vừa tạo không khí để nhân dân Thủ đô tin tưởng, phấn khởi và yêu quý”.

Ký ức về không khí của ngày lịch sử ấy trong ông Quyền và ông Mạch dường như vẫn còn vẹn nguyên. Dọc bên các tuyến đường Thủ đô, cờ hoa, biểu ngữ bay rợp trời. Cả Hà Nội hân hoan đổ ra đường đón chào đoàn quân tiếp quản, mọi người cầm hoa vẫy chào, gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười.

Ông Quyền kể lại: “Lúc ấy ai cũng vui, nhà nào nhà nấy mở toang cửa, treo cao cờ, nhìn thấy đoàn bộ đội là hân hoan vẫy tay, tặng hoa, tặng quà đủ thứ. Chúng tôi cũng vui mừng, phấn khởi lắm chứ, nhưng nói thật, cảm xúc lớn nhất của tôi lúc ấy là nhớ nhà”.

Sau bảy năm rời quê hương đi chiến đấu ở tiền tuyến, khung cảnh, đường xá của làng Dương Xá, Gia Lâm thay đổi đến mức hai người lính thấy bỡ ngỡ. Nhiều người làng không nhận ra họ. Song, khi hai ông nói tên tuổi rồi gặp lại bố mẹ, họ hàng, ai cũng hân hoan, niềm nở.

Hành trình dài nhiều vinh dự

Sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, ông Quyền thực hiện nhiệm vụ trong quân đội một thời gian rồi giải ngũ, chuyển công tác về Bộ Y tế vào năm 1960. Năm năm sau, cuộc chiến với đế quốc Mỹ leo thang, ông lên đường nhập ngũ, thuộc biên chế của Sư đoàn 314, Quân khu 4.

Năm 1970, ông Quyền xuất ngũ, trở về Bộ Y tế làm công tác tổ chức cán bộ cho đến khi về hưu vào năm 1992, ông giữ vị trí chuyên viên 6/9. Khi về hưu, ông vẫn hỗ trợ địa phương các công tác về y tế.

Ông Phạm Danh Mạch thì được học về quân sự, lý luận chính trị, tham gia hầu hết các chiến dịch lớn của nước ta như chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ rồi đến chiến dịch Cánh đồng Chum - Mường Sủi.

Ông giữ quân hàm Đại tá, chức vụ Chánh Văn phòng Quân khu 1 và làm các công tác giảng dạy cho đến khi về hưu năm 1990. Sau này, ông vẫn tiếp tục làm các công tác tại địa phương như Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch đầu tiên Hội cựu chiến binh xã Dương Xá.

Nhìn lại hành trình dài sau 70 năm, hai người lính già bộc bạch với giọng đầy hào sảng: “Chúng tôi vô cùng vinh dự khi được là một phần trong giai đoạn lịch sử hào hùng. Được đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là điều chúng tôi tự hào nhất trong cuộc đời. Vui hơn nữa là khi được sống để chứng kiến đất nước, chứng kiến Thủ đô thay đổi và phát triển như ngày hôm nay”.

Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Sáng 10/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính ...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hơn 500 cổ vật quý được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hơn 500 cổ vật quý được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội

Nhiều cổ vật quý từ thời kỳ đồ đồng cho đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội đến ...

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10): Đẹp mãi 'thương hiệu' người Hà Nội

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10): Đẹp mãi 'thương hiệu' người Hà Nội

Nhiều năm qua, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô coi là ...

Hà Nội: Địa phương đi đầu và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Hà Nội: Địa phương đi đầu và triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Hà Nội đã phát động nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát ...

Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, nơi kết tinh sức mạnh văn hóa Việt Nam

Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, nơi kết tinh sức mạnh văn hóa Việt Nam

Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và bền vững để giữ gìn, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của Hà ...