Nhỏ Bình thường Lớn

ACMECS 7, CLMV 8, WEF – Mekong: Hiện thực hóa các chủ trương

Từ ngày 24-26/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi sự kiện ngoại giao đa phương lớn nhất năm 2016 bao gồm: Hội nghị cấp cao ACMECS 7, Hội nghị cấp cao CLMV 8 và Hội nghị WEF – Mekong. Dự kiến, Tổng thống Myanmar, Thủ tướng các nước Campuchia, Lào, Việt Nam, và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Thái Lan sẽ tham dự các sự kiện này.
TIN LIÊN QUAN
acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong Củng cố và phát huy quan hệ truyền thống với các nước láng giềng
acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong ACMECS 7, CLMV 8, WEF – Mekong: "Cuộc gặp gỡ của những người anh em"

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng Ban Tổ chức ba hội nghị cho biết, khác với các hội nghị đa phương khác, ba hội nghị cấp cao lần này là cuộc gặp gỡ và thảo luận của những người anh em, bạn bè truyền thống, "hàng xóm sát nhà" về các vấn đề liên quan. Vì vậy, đây chính là cơ chế quan trọng để tăng cường lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực.

Xin Thứ trưởng cho biết mục đích của Việt Nam khi đăng cai các hội nghị lần này?

Mục đích của chúng ta là nhằm tăng cường mối quan hệ và hợp tác với các quốc gia láng giềng rất sát sườn trên các mặt chính trị, an ninh và liên kết kinh tế. Qua sự kiện này, Việt Nam còn thể hiện là một đối tác có trách nhiệm đối với lợi ích của chính mình, của các nước láng giềng thân thiện và với lợi ích của cả ASEAN trong hợp tác Tiểu vùng. Rộng hơn, Việt Nam còn thể hiện là đối tác có trách nhiệm với tất cả các cơ chế mà chúng ta đã tham gia, không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.

acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cấp cao ACMECS 7, CLMV8 và WEF – Mekong (giữa), chủ trì cuộc họp báo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khác với các hội nghị đa phương khác, đây là cuộc gặp giữa những người anh em, bạn bè truyền thống, “hàng xóm sát nhà”, là cơ chế rất quan trọng để tăng cường lòng tin. Các bên hợp tác cùng nhau giải quyết, tháo gỡ các vấn đề cụ thể từ hợp tác phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong, đến tội phạm xuyên quốc gia… Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thách thức như hiện nay, các hội nghị này càng khẳng định ý nghĩa to lớn vì mục tiêu chung.

Việt Nam sẽ đóng góp các sáng kiến gì tại các sự kiện lần này, thưa Thứ trưởng?

Lần này chúng ta đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, trong đó, sáng kiến lớn nhất là mời được Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Diễn đàn WEF-Mekong lần đầu tiên. Sự kiện được kỳ vọng tăng cường kết nối thực chất giữa doanh nghiệp với các nguyên thủ, các nhà hoạch định chính sách, để chúng ta hy vọng rằng khi gần nhau hơn họ sẽ đi đến được các dự án rất cụ thể, biến những thứ còn trên giấy tờ, trong tầm nhìn trở thành hiện thực.

Ngoài việc nhằm cụ thể hóa các chương trình hành động trong các giai đoạn trước, tại hội nghị lần này, chúng ta cũng đưa ra các sáng kiến tăng cường các đối tác phát triển giữa các nước với nhau, giữa các giai tầng trong xã hội, giữa doanh nghiệp với chính phủ… tập trung vào việc khai thác các tiềm năng của khu vực, cũng như hai vấn đề quan trọng là kết nối con người và cơ sở hạ tầng, biến tiềm năng thành hiện thực.

Phương châm của chúng ta tại các hội nghị đa phương gần đây chính là từ tầm nhìn đến hành động. Các hội nghị lần này cũng tuân thủ phương châm ấy.

Vậy, các đối tác sẽ tới hội nghị với các đề xuất và nội dung cụ thể hay phần nhiều theo tinh thần ngoại giao?

Tất cả các bên đều mong muốn Hội nghị không chỉ dừng ở mức những hành vi và gợi ý mang tính ngoại giao. Các hoạt động sẽ ngày càng thiết thực hơn. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải tìm cách thúc đẩy hợp tác kinh tế và kết nối hạ tầng, đi đến hiệu quả ngày càng thiết thực.

Các nội dung đóng góp và sáng kiến cụ thể của các bên sẽ được ban tổ chức cố gắng cung cấp sớm nhất tới giới truyền thông.

Thưa Thứ trưởng, các doanh nghiệp WEF nào được lựa chọn để tham dự các sự kiện lần này?

WEF sẽ lựa chọn các doanh nghiệp tham gia sự kiện. Nhưng các doanh nghiệp tham gia đều phải là các doanh nghiệp có năng lực và quan tâm đến việc làm ăn ở khu vực này. Chúng ta cần thuyết phục được họ rằng những tiềm năng ở khu vực có thể là những cơ hội để họ làm ăn ở đây, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực.

Hiện tại, WEF đã lựa chọn được khoảng 80 doanh nghiệp thành viên là các công ty, các tập đoàn kinh tế lớn có quan tâm đến tiềm năng phát triển của khu vực Mekong, bên cạnh đó, còn có khoảng 60 doanh nghiệp tiêu biểu của các nước thành viên. Họ sẽ mang đến những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút dòng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.

Việt Nam nhìn nhận thế nào về cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS? Việt Nam hiện đóng vai trò gì trong các cơ chế này?

Về tổng thể, chúng ta đánh giá CLMV và ACMECS là hai cơ chế hợp tác rất quan trọng. Trong tổng số 12 cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, đây là hai cơ chế hợp tác quan trọng nhất của những nước nội vùng. Muốn phát triển các các cơ chế liên kết giữa nội vùng với ngoại vùng, trước hết nội vùng phải được phát triển tốt.

Trong hai cơ chế này, 4 nước CLMV và 5 nước ACMECS đã có thể nói chuyện trực tiếp với nhau về các vấn đề cùng quan tâm và cần tháo gỡ. Việc thường xuyên gặp gỡ hiện là một cơ chế tốt.

acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong
Sơ đồ về các cơ chế hợp tác tại tiểu vùng Mekong hiện nay.

Với Việt Nam, điều này có một ý nghĩa nữa do các nước đều là láng giềng thân thiện, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam. Hai cơ chế hợp tác đều nằm ở vị trí rất quan trọng trong ASEAN. Nếu Việt Nam hợp tác tốt tức là chúng ta làm được hai việc một lúc. Thứ nhất, chúng ta phục vụ được các lợi ích phát triển và an ninh trực tiếp với những người bạn thân nhất, láng giềng gần nhất. Thứ hai, chúng ta đóng góp được vào sự phát triển chung của ASEAN.

Có ý kiến cho rằng, hiệu quả hợp tác trong CLMV và ACMECS chưa cao, thưa Thứ trưởng?

Tôi nghĩ rằng, tùy theo cách nhìn. Bởi nếu chỉ nhìn hiệu quả bằng cách đếm bao nhiêu dự án, bao nhiêu đầu tư… thì đúng là có nhiều vấn đề về mặt hiệu quả. Nhưng nếu nhìn ở tầm lớn hơn như việc xây dựng lòng tin, về tạo sự hấp dẫn chung đối với tất cả các đối tác bên ngoài, từ chuyện đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, hay những câu chuyện khác…, đây là một cơ chế rất cần thiết.

Chúng ta không thể nóng vội vì tất cả đều có mức độ phát triển gần giống nhau, đối phó với những thách thức cũng gần giống nhau. Thường một tiểu vùng muốn phát triển nhanh thì cần có đầu tàu, hiện chúng ta đang thiếu đầu tàu đó. Vì thế, chúng ta tập hợp lại, bàn bạc để cùng tạo sức hấp dẫn lớn hơn với các đối tác bên ngoài.

Với Việt Nam, hợp tác tiểu vùng đã kích thích chúng ta tự vận động, tự phát triển để tự tăng cường năng lực. Đó cũng là tăng cường năng lực của cả tiểu vùng.

Thưa Thứ trưởng, dư luận rất quan tâm đến vấn đề môi trường và những thiệt hại ở vùng hạ lưu sông Mekong. Vấn đề Mekong sẽ được trao đổi tại các hội nghị lần này như thế nào?

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao, các nhà lãnh đạo sẽ bàn đến các nguyên tắc lớn, câu chuyện về phát triển bền vững khu vực sông Mekong và một trong những vấn đề lớn là khai thác bền vững nguồn nước cũng sẽ được đề cập đến. Ngoài ra, chúng ta còn bàn tới các vấn đề cụ thể trong nhiều cơ chế thích hợp khác. Cả ba hội nghị đều có chủ đề phát triển bền vững và vấn đề sông Mekong.

Có không ít những khó khăn khách quan tác động đến hợp tác trong CLMV và ACMECS?

Theo tôi, về chủ quan, mức độ quan tâm từ lãnh đạo cấp cao đến doanh nghiệp, công chúng và cả giới truyền thông đối với cơ chế này còn chưa cao. Có thể là do cách tiếp cận, chưa thấy có hiệu quả, hoặc nhìn vấn đề mới chỉ tập trung quá nhiều vào các hiệu quả cụ thể. Vì có những dự án có khi phải rất lâu sau nữa, thậm chí nhiều đời sau, mới có thể thấy được hiệu quả của nó, nên cũng rất khó thuyết phục.

Đầu tiên chúng tôi mong muốn có sự quan tâm đầy đủ và rộng hơn của tất cả các cấp, giới truyền thông, người dân và doanh nghiệp. Còn ở các cấp tác nghiệp thì cần nghiên cứu để có được các sáng kiến dù nhỏ thôi nhưng hữu dụng và cụ thể. Nếu chúng ta chỉ nghĩ tới các sáng kiến quá cao xa thì rất dễ bị mất lòng tin, càng làm giảm sự quan tâm. Đây là hai khó khăn lớn nhất trong khối cần phải vượt qua được.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong

Củng cố và phát huy quan hệ truyền thống với các nước láng giềng

Ngày 20/10, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về các Hội nghị cấp cao ACMECS-7, ...

acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong

ACMECS 7, CLMV 8, WEF – Mekong: "Cuộc gặp gỡ của những người anh em"

Từ ngày 24-26/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra chuỗi sự kiện ngoại giao đa phương bao gồm: Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp ...

acmecs 7 clmv 8 wef mekong hien thuc hoa cac chu truong

Các DN Nhật Bản có thể tận dụng nhiều cơ hội mới ở Việt Nam

Chiều 18/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn doanh nghiệp của Phòng Thương mại Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), do ...

Minh Anh