Dự án sẽ hỗ trợ phát triển đồng đều và bền vững về môi trường tại các thành phố Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế để tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế những nơi này.
Theo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick, ADB sẽ giúp Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế tích hợp những cấu phần xanh đặc trưng trong cơ sở hạ tầng đô thị của các thành phố, ví dụ chiếu sáng đường phố tiết kiệm năng lượng và kè bờ với các đặc điểm tự nhiên. “Dựa trên hỗ trợ của ADB về xây dựng các Kế hoạch Hành động thành phố xanh cho 3 thành phố, dự án này sẽ cho thấy sự kết hợp đúng đắn giữa quy hoạch đô thị tổng hợp và phối hợp tài trợ có thể giúp cải thiện tính đáng sống, tính thích ứng và cơ hội kinh tế ở các thành phố như thế nào”, ông cho biết.
Do đô thị hóa nhanh, hầu hết 31 triệu người dân sống tại các đô thị của Việt Nam đều đang đối mặt với những thách thức mới xuất hiện về kinh tế - xã hội và môi trường. Khác với năm thành phố trực thuộc trung ương, sự phát triển của các đô thị loại hai đang tụt hậu. Rất nhiều cộng đồng ở những thành phố này đang trở nên ngày càng dễ tổn thương trước các rủi ro thảm họa và biến đổi khí hậu.
Sự phát triển chậm chạp của các đô thị loại hai không chỉ cản trở các đô thị này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của cả nước, mà còn làm giảm các cơ hội việc làm và khiến cho môi trường sống bị suy giảm cho người dân địa phương cũng như lao động di cư. Để ứng phó với những hạn chế phức tạp trên cả khía cạnh kinh tế - xã hội và tài chính này, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ mang tính chiến lược trong quy hoạch thành phố và xác định các hoạt động đầu tư hiệu quả từ bên trên.
Thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) là một trong những đô thị được ADB lựa chọn cho Dự án phát triển đô thị xanh. (Nguồn: Vinhphuc.gov.vn) |
Chính phủ và ADB đã cùng lựa chọn Hà Giang, Vĩnh Yên và Huế làm các thành phố thí điểm, do các đô thị này đại diện cho những đặc điểm kinh tế - xã hội, các hạn chế phát triển và vị trí địa lý khác nhau.
Tổng vốn đầu tư dự án bao gồm 3 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và 3 triệu USD viện trợ từ Quỹ Tín thác thích ứng biến đổi khí hậu đô thị (UCCRFT), được hỗ trợ bởi Quỹ Rockefeller và các chính phủ Thụy Sĩ, Vương quốc Anh. Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật đi kèm dự án trị giá 12,8 triệu USD, trong đó 10,8 triệu USD sẽ được tài trợ bởi GEF và 2 triệu USD từ UCCRTF.
“Song song với việc triển khai thí điểm phát triển thành phố xanh, dự án với hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại cũng sẽ giúp hình thành một khung pháp lý cho các đô thị bền vững và thích ứng để áp dụng rộng rãi trong phát triển đô thị xanh trên toàn quốc và thí điểm tài trợ rủi ro thảm họa cho Huế”, ông Sidgwick bổ sung.
Được dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2023, dự án sẽ giúp ba thành phố cải thiện các dịch vụ cơ sở hạ tầng đô thị xanh và thích ứng cũng như tăng quy mô ứng phó biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích cho khoảng 116.000 hộ gia đình, trong đó có 6.100 hộ nghèo và cận nghèo. Đối với tất cả các tiểu dự án, các UBND tỉnh – cơ quan chủ quản – sẽ được tăng cường năng lực thể chế trong quản lý phát triển đô thị.