Chất béo không bão hòa đa thể có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. (Nguồn UPI) |
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts trong một nghiên cứu gần đây cho biết, tăng lượng chất béo không bão hòa đa thể sẽ giúp giảm lượng cholesterol xấu, và cung cấp thêm chất béo thiết yếu cho cơ thể. Không những thế, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết, việc tăng cường chất béo không bão hòa đa thể trong chế độ ăn uống của mỗi người có thể giúp ngăn chặn các trường hợp tử vong do bệnh tim.
Chất béo không bão hòa đa thể thường được tìm thấy trong đậu nành, ngô, đậu phụ, dầu hướng dương, các loại hạt ngũ cốc và các loại cá như cá hồi, cá mackeral, cá trích.
Tiến sĩ Dariush Mozaffarian – Trưởng khoa Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman tại Đại học Tufts nói: “Hiện nay, các chính sách đang tập trung vào việc giảm lượng chất béo bão hòa. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu ưu tiên tăng chất béo không bão hòa đa thể thay cho carbohydrates tinh chế và chất béo dạng trans, cũng như giảm chất béo bão hòa”.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của AHA, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích, điều tra chế độ ăn uống của người dân tại 186 quốc gia, kết quả thu được cho thấy, những ảnh hưởng của hai loại chất béo đối với sức khỏe là khác nhau.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 711.800 ca tử vong do bệnh tim được cho là ăn quá ít chất béo không bão hòa đa thể omega-6 để thay thế cho chất béo bão hòa và carbohydrate tinh chế - chiếm 10,3% tổng số ca tử vong toàn cầu do bệnh tim.
Trong khi đó, 250.900 ca tử vong do bệnh tim là do tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa (khoảng 3,6%), và 537.200 ca tử vong (chiếm 7,7%) là do tiêu thụ quá nhiều chất béo dạng trans.
Từ đó, có thể đưa ra kết luận rằng, số ca tử vong do tiêu thụ quá ít chất béo không bão hòa đa thể cao gấp ba lần so với việc tiêu thụ quá nhiều chất béo dạng trans và chất béo bão hòa.
“Những phát hiện mới này sẽ giúp các nước thiết lập chế độ ăn uống hợp lý để ngăn ngừa nguy cơ phát triển các bệnh về tim mạch trên toàn cầu”, Tiến sĩ Mozaffarian nói.
Khoa học chia chất béo thành 2 loại. Thứ nhất là chất béo bão hòa: đông đặc ở nhiệt độ bình thường, có nhiều trong thịt, mỡ, lòng đỏ trứng gà, sữa và các chế phẩm của sữa như phomai, kem, bơ… Thực vật, trái cây, hạt có dầu đều chứa rất ít chất béo bão hòa. Hai là, chất béo không bão hòa: không đông đặc ở nhiệt độ bình thường, chủ yếu ở trong dầu thực vật. Trong chất béo không bão hòa lại được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1, là chất béo không bão hòa đơn thể, có nhiều trong dầu olive, dầu canola … Nhóm 2, là chất béo không bão hòa đa thể, ít ổn định, dễ bị oxy hóa, và dễ hôi hơn chất béo không bão hòa đơn thể, tiêu biểu là linolenic acid (hay omega 6) và alpha-linoleic acid (hay omega 3). Chất béo không bão hòa đa thể được thấy nhiều nhất trong dầu hạt lanh, kế đến là dầu hoa hướng dương, dầu đậu nành, dầu bắp… Bên cạnh chất béo bão hòa và chất béo không bão hòa, còn có hai loại chất béo dạng trans và carbohydrates tinh chế. Chất béo dạng trans là một loại chất béo được hình thành bằng phương pháp hydro hóa dầu ăn, nhằm giúp thực phẩm được bảo quản lâu hơn. Carbohydrates tinh chế là những thực phẩm giàu carbohydrate đã thông qua nhiều mức chế biến làm sạch, đã mất tối đa các chất kèm theo carbohydrate trong thực phẩm. Carbohydrate tinh chế là nguyên nhân chính trong vấn đề gây béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ và cholesterol ở người nhiều tuổi, người già ít lao động chân tay, bao gồm các loại thực phẩm như các loại đồ ngọt và các loại ngũ cốc có tỷ lệ xay xát cao. |