Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cùng các công dân Việt Nam trước chuyến bay trở về Việt Nam. |
Đến khi có mặt ở Sân bay quốc tế Indira Gandhi để đón các bà con đổ về từ 17 tiểu bang được di chuyển trên 66 chuyến ô tô, khi nhìn thấy 3 chuyến bay nội địa của Indigo đưa gần 200 đồng bào cập cảng và máy bay Boeng 787 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tiến vào nhà ga T3, tim tôi lại vỡ òa vì xúc động.
Hơn 300 con người là hơn 300 số phận và hàng trăm câu chuyện khác nhau mà họ đã nếm trải trong hai tháng sống trong cảnh phong tỏa nghiêm ngặt, giờ đây “ngây ngất” trong hai chữ “hạnh phúc”. Hạnh phúc vì sắp được đặt chân lên đất mẹ, hạnh phúc vì những khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, hạnh phúc vì được tiếp thêm niềm tin để đương đầu với những thách thức mới.
Cuộc đua “nước rút”
Tin liên quan |
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ: Không bao giờ bỏ rơi công dân Việt |
Từ ngày 22/3, ngay sau khi chuyến giải cứu thứ nhất các công dân Việt Nam mắc kẹt tại Ấn Độ được tổ chức thì Chính phủ Ấn Độ thực hiện cấm các chuyến bay quốc tế đến và rời khỏi nước này.
Cũng từ đó hòm thư của Đại sứ quán liên tục nhận được thư cầu cứu. Hai máy điện thoại của Đại sứ cũng hoạt động liên hồi khi nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi. Lúc này, trọng tâm hoạt động của Đại sứ quán là dành ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân.
Bên cạnh công tác ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa như trước đây, các nhân sự trong Đại sứ quán đều chuyển sang “ngoại giao vì người dân”.
Ban Bảo hộ công dân được thành lập với sự tham gia tổng lực của tất cả các phòng trong Đại sứ quán, các Văn phòng trực thuộc và Tổng Lãnh sự quán ở Mumbai.
Trong giai đoạn đầu, khi chưa có phép của Chính phủ đưa công dân mắc kẹt từ Ấn Độ về nước thì nhiệm vụ quan tâm, động viên, chia sẻ khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục visa, hộ chiếu, gia hạn thời điểm cư trú, hỗ trợ tìm chỗ ở, cung cấp thức ăn cho các bà con gặp khó khăn chỉ là công việc của Phòng Lãnh sự và vài cán bộ Đại sứ quán. Sau khi Ban Chỉ đạo Quốc gia cho phép sơ tán công dân Việt Nam mắc kẹt về nước, cuộc đua “nước rút” bắt đầu.
Ấn Độ là một tiểu lục địa với gần 1,4 tỷ dân và hệ thống y tế nhiều bất cập. Ấn Độ thực hiện ngay đợt phong tỏa lần thứ nhất kéo dài trong ba tuần từ ngày 25/3 với những quy định nghiêm ngặt.
Trong giai đoạn này, Ấn Độ ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế và nội địa, dừng hoàn toàn các phương tiện công cộng và đóng cửa các trường học, doanh nghiệp. Chỉ một số ít phương tiện cá nhân được chính phủ cấp phép được di chuyển, một số ít cửa hàng nhu yếu phẩm được mở cửa.
Cả đất nước gần như trong tình trạng “ngồi yên” và bản thân người dân Ấn cũng bị “mắc kẹt” trên chính đất nước họ khi chính quyền các bang đóng cửa biên giới giữa các bang khiến chính công dân Ấn không thể di chuyển về quê.
Tin liên quan |
Covid-19: Ấn Độ gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc, Ai Cập áp dụng biện pháp mạnh tay hơn |
Ngày 18/5, Ấn Độ bước vào giai đoạn phong tỏa lần thứ 4 kéo dài đến 31/5 và tiếp tục duy trì sang tháng 6 nếu tình hình dịch bệnh chưa cải thiện. Nhiều khách sạn ngừng, thậm chí đuổi khách nước ngoài đang lưu trú.
Ấn Độ rộng 3,3 triệu mét vuông (lớn gấp 10 lần Việt Nam) và từ cực nam đến cực bắc Ấn Độ hơn 4 tiếng bay. Với địa hình như vậy, có thể hình dung được những khó khăn của bà con đang mắc kẹt ở Ấn Độ và thấy được quy mô của Chiến dịch Hồ Chí Minh phiên bản Ấn Độ diễn ra đúng ngày kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác.
Cuộc đua “nước rút” đã được lên kế hoạch một cách bài bản, chi tiết và thay đổi linh hoạt tùy theo tình hình. Cả ĐSQ được chia thành 15 nhóm phụ trách bà con với các nhiệm vụ cụ thể. Mỗi nhóm phụ trách trung bình khoảng 30 bà con với yêu cầu phải gọi điện xác minh từng trường hợp cụ thể, nắm rõ hoàn cảnh, nguyện vọng, phân loại xem có thuộc một trong 4 nhóm ưu tiên của Chính phủ hay không.
Các Trưởng nhóm tổng hợp gửi danh sách nhóm mình về Bộ phận Lãnh sự để rà soát và qua 6 lần chỉnh sửa, danh sách 343 bà con và 70 trường hợp dự bị được gửi về Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để trình các cơ quan chức năng phê duyệt.
Trong khi đó, một số cán bộ được tách riêng để hỗ trợ công tác xin phép bay, xin giấy phép đi đường; hỗ trợ xin phép 4 trường hợp người nước ngoài có hoàn cảnh đặc biệt xin phép được tham gia chuyến bay; hỗ trợ hậu cần như lo chỗ ở, ăn uống… cho bà con khi bà con di chuyển được về New Delhi.
Đó là một ông chủ doanh nghiệp cần nhập cảnh Việt Nam để kịp điều hành nhà máy, trả lương cho 700 công nhân Việt Nam vốn chưa được thanh toán lương kể từ khi ông chủ bị mắc kẹt ở Ấn Độ; một bà mẹ người Nga không thể rời đứa con 5 tuổi mang hai dòng máu Việt - Nga...
Hóa giải trở ngại
Từ khi bắt đầu thủ tục xin phép tổ chức chuyến bay đến khi chuyến bay được chấp thuận thì muôn vàn khó khăn nảy sinh. Thách thức lớn nhất là làm thế nào để bà con di chuyển được từ 17 bang trên toàn lãnh thổ Ấn Độ đến New Delhi trong khi mọi phương tiện công cộng và đường hàng không đều đóng. Niềm hy vọng lóe lên khi chính quyền Trung ương đồng ý cho phép một số tàu hoạt động trở lại và bắt đầu bán vé từ ngày 4/5.
Thông thường, một ngày ngành đường sắt Ấn Độ phục vụ khoảng 20 triệu khách đi lại. Vì thế chỉ sau mấy phút bán vé tàu online, cổng điện tử đã nhanh chóng sập mạng và Chính phủ Ấn Độ tuyên bố hoãn mở lại các chuyến tàu cho đến tháng 6.
Cánh cửa này vừa khép lại thì cánh cửa khác lại mở. Ngay sau khi biết tin Đại sứ quán Kenya thuê Hãng hàng không Indigo Ấn Độ gom các công dân mắc kẹt của họ từ các bang khác nhau về Mumbai và sau đó Hàng không quốc gia Kenya đưa các công dân này về Nairobi, thủ đô của Kenya, Đại sứ đã điều chỉnh ngay phương án tác chiến. Sau khi làm việc với Indigo, phương án thuê 3 chuyến máy bay nội địa cất cánh từ 3 tiểu bang nhanh chóng được triển khai.
Bà con làm thủ tục check ở sân bay Gaya, bang Bihar. |
Chuyến nội địa thứ nhất đón 100 bà con chủ yếu là tăng ni sinh đang học và tu tập ở Bồ Đề Đạo Tràng và các bang lân cận bang Bihar.
Chuyến thứ hai cất cánh từ Pune (bang Maharastra) đón gần hơn 100 người bao gồm các sĩ quan Việt Nam sang thực tập ở Ấn Độ, các doanh nhân, sinh viên ở quanh khu vực.
Chuyến thứ ba từ sân bay Bangalore (bang Karnataka) đón 23 người rồi bay đến Pune (bang Karnataka) và nhập vào chuyến bay từ Pune để di chuyển về New Delhi.
Trong các nhóm này có một thủy thủ đi tàu viễn dương đã kịp cập cảng, một kỹ sư đang làm cho Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ cũng đã được công ty bố trí trực thăng đưa vào đất liền ngay sát ngày lên đường.
Số còn lại di chuyển ra sân bay từ các bang gần Vùng lãnh thổ Delhi và trong Delhi.
Nhưng khó khăn nối tiếp khó khăn. Khi lên xong phương án di chuyển và hầu hết các bà con đều hoan hỉ với kế hoạch của Đại sứ quán đưa ra thì tại các cuộc họp online hàng ngày để triển khai ĐSQ thấy quân số của các nhóm cứ thay đổi liên tục.
Đại sứ ghi chép kỹ con số và rà soát, đối chiếu thường xuyên. Có người từng khóc với Đại sứ, xin tạo điều kiện hết sức để được về Việt Nam lại xin rút ra khỏi danh sách, rồi lại xin vào, xin ra (có người xin vào, ra 6 lần). ĐSQ tìm hiểu và được biết có người trong túi chưa có đến 1,5 triệu đồng Việt Nam, có người sợ di chuyển đường bộ gặp nhiều bất trắc, có người đang mang bầu sợ ở lại thì không biết nương tựa ở đâu nhưng di chuyển hàng nghìn cây số cũng là một nguy cơ không nhỏ. Công việc chỉ có thể triển khai khi chốt được con số người về cuối cùng. Ngay sau khi biết được hoàn cảnh khó khăn của bà con, Đại sứ đã mở một cuộc quyên góp trong Đại sứ quán để hỗ trợ các bà con đặc biệt khó khăn.
Khi biết tin, một số nhà hảo tâm cũng đã có đóng góp một phần cho các hoàn cảnh đang cơ nhỡ. Nhiều doanh nghiệp, người dân Ấn Độ chủ động viết thư, gửi tin nhắn đến Đại sứ quán đề nghị được đóng góp nhưng Đại sứ cảm tạ tấm lòng của họ và từ chối do đã lo liệu đủ. Nhiều người Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ chỗ ở cho các bà con cơ nhỡ trong khi chờ chuyến bay.
Bà con tập kết trước cổng vào check in tại sân bay New Delhi, Ấn Độ. |
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào…”
Người Việt Nam nào cũng hiểu lời dạy này của Bác Hồ nhất là trong tháng Năm hướng về ngày sinh nhật Bác. Tuy nhiên đã có lúc chúng tôi đều thầm nghĩ chưa bao giờ đường về Tổ quốc lại khó khăn và xa vời đến thế mặc dù chúng tôi rất yêu đồng bào.
Giờ đây, khi biết rằng 339 bà con và những người bạn nước ngoài đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ an toàn, cái cảm giác hạnh phúc lại ùa về. Mong cho bà con cách ly trong khỏe mạnh và không ai dương tính với Covid-19. Mừng cho con được gặp mẹ, bố được gặp con, vợ chồng được sum vầy, doanh nghiệp có người chèo lái…
Tạm kết
Và cũng bởi “nghĩa đồng bào”, chúng tôi lại bắt đầu một chiến dịch mới khi ở Ấn Độ vẫn còn nhiều bà con đã lỡ chuyến tàu hôm qua về quê hương. Những công dân ở các nước mà Đại sứ quán kiêm nhiệm là Bhutan và Nepal đang chờ đợi một phép màu để trở về. Rồi một thanh niên đang đi lạc đến miền Đông Bắc Ấn Độ xa xôi cần được đưa về quê sau khi anh từ Cần Thơ đi bộ xuyên Myanmar đến Ấn Độ.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Ấn Độ vừa gửi Công hàm thông báo có 12 công dân Việt Nam đã sử dụng hộ chiếu du lịch sai mục đích và đang bị tạm giữ vì vi phạm qui định về cách ly ở bang miền Nam Telangana.
Con đường phía trước còn nhiều chông gai nhưng chúng tôi không sợ, sẵn sàng đón nhận và tận tâm hết sức vì đồng bào.
Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ cùng các tăng ni sinh. |
Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng các hành khách "nhí". |
Một "cánh quân" trong chiến dịch Hồ Chí Minh phiên bản Ấn Độ. |
Tâm trạng hồi hộp khi xếp hàng vào sân bay. |
Háo hức được trở về nhà nhưng vẫn không hết lo lắng... |
Công dân Việt Nam nghiêm túc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19. |
Đưa gần 340 công dân Việt Nam từ Ấn Độ về nước an toàn TGVN. Trong hai ngày 19-20/5, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ và hãng Hàng ... |
Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trả lời về việc đưa công dân Việt Nam từ các vùng dịch Covid-19 về nước TGVN. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, rất nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại ... |
Ngày 16/5, gần 200 công dân Việt Nam từ 'tâm dịch' Covid-19 ở châu Âu trở về nước an toàn TGVN. Đây là những công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguyện vọng về nước, trong đó có trẻ ... |