Nhiều chuyên gia hàng không cho rằng máy bay vẫn là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trên thế giới. (Ảnh minh họa) |
Thảm kịch nối tiếp thảm kịch
Những tuần vừa qua có thể coi là quãng thời gian khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng không thế giới với các vụ tai nạn máy bay liên tiếp chỉ trong một thời gian ngắn, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và khiến cả thế giới bàng hoàng, sợ hãi.
Chiếc máy bay mang số hiệu AH5017 thuộc hãng hàng không Air Algerie hôm 24/7 gặp nạn làm 116 người chết. Trước đó một ngày, chiếc ATR 72 mang số hiệu GE222 của Đài Loan bị rơi khi cố gắng hạ cánh trong bão khiến 48 người chết. Và chỉ một tuần trước đó, chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malaysia bị bắn tại miền Đông Ukraine làm 298 người tử nạn.
Theo thống kê của hãng Tư vấn hàng không Ascend ở London, Anh, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014, số người chết vì tai nạn máy bay trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi số nạn nhân thiệt mạng trong năm 2013, năm được coi là an toàn kỷ lục của hàng không thế giới. Điều gì đang xảy ra với ngành hàng không thế giới khi các thảm họa liên tiếp xảy ra ở cả ba châu lục, gây ra thiệt hại to lớn về người và của? Dù hai trong ba vụ đó được cho là do điều kiện thời tiết, nhưng vẫn không ít người cảm thấy hoang mang, lo lắng về mức độ an toàn của ngành hàng không. Trên các diễn đàn mạng, nỗi sợ bay đã xuất hiện lan tràn như một cơn bão lớn.
Yoco, người sẽ bay tới Seoul, Hàn Quốc, trong tháng 8 này nói trên trang crash-aerien.aero rằng cô vốn rất yên tâm với việc đi lại bằng máy bay. Tuy nhiên các biến cố mới đã khiến “nỗi hoảng sợ trở lại” trong cô.
“Ba vụ tai nạn một tuần là quá nhiều. Nhưng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, phải không?”, Hadjera Akli, 24 tuổi, người tới Pháp từ Algeria để thăm gia đình, tự trấn an trên Twitter.
Ngay cả Tony Tyler, Giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng buộc phải thừa nhận rằng “sau ba thảm kịch diễn ra trong thời gian quá ngắn, rất nhiều người đang chất vấn về an toàn hàng không”.
Máy bay vẫn là phương tiện an toàn nhất
Điều ngạc nhiên là trước một loạt thảm kịch hàng không diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng máy bay vẫn là phương tiện vận chuyển an toàn nhất trên thế giới, gấp nhiều lần so với tàu hỏa, xe hơi hay xe máy.
Số liệu an toàn bay mới nhất của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho thấy năm 2013 có 90 vụ máy bay chở khách gặp nạn trên toàn thế giới, so với 99 vụ năm 2012 và 118 vụ năm 2011. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, cho đến nay mới chỉ có 70 vụ tai nạn máy bay chở khách xảy ra trên toàn cầu, so với 81 vụ cùng kỳ năm ngoái. Một phân tích thống kê khác cho thấy xác suất một người bị chết trong một tai nạn hàng không là 1/45.000.000. Nếu ngày nào cũng bay, một người có thể bay an toàn trong suốt 123.000 năm mà không gặp tai nạn.
Các nhà phân tích nhận định, chuỗi thảm họa hàng không thời gian qua không phản ánh an toàn hàng không đang gặp những vấn đề nghiêm trọng có tính hệ thống. Ngay cả vụ MH17 cũng không hề liên quan đến việc huấn luyện đội lái hay chất lượng thiết bị. “Dù các hãng hàng không có đào tạo được những đội bay chuyên nghiệp đến đâu, họ cũng khó lòng ngăn chặn được những tình huống như vậy”, chuyên gia về an toàn tại Hiệp hội Hàng không châu Á Thái Bình Dương Martin Eran-Tasker nói.
Còn theo chuyên gia phân tích hàng không Robert Mann, những thảm kịch máy bay gần đây sẽ không thể khiến mọi người nhụt chí khi phải đi lại bằng máy bay. “Mặc dù những sự kiện vừa qua vô cùng khủng khiếp, nhưng rồi chúng cũng sẽ nhanh chóng bị chìm lấp trong dòng chảy cuồn cuộn của thông tin. Ngoài ra, những nơi xảy ra tai nạn máy bay vừa qua đều là địa danh xa lạ đối với 99% du khách trên toàn thế giới. Bởi vậy, người ta sẽ nhanh chóng quên đi và tiếp tục sử dụng máy bay để di chuyển, bất chấp những thông tin về tai nạn máy bay trên báo chí”, ông này cho hay.
Dù khẳng định an toàn hàng không vẫn được đảm bảo, các chuyên gia cũng cảnh báo, một loạt tai nạn xảy ra trong thời gian ngắn chính là hồi chuông báo động cho thấy sự cố hàng không sẽ có thể tăng nhanh trong thời gian tới vì sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Càng nhiều chuyến bay cất cánh, nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ càng cao.
Phan Mích (tổng hợp)