Ảnh ấn tượng tuần (8-14/6): Biểu tình rúng động Mỹ và nhiều nước, Bắc Kinh lại dậy sóng Covid-19, Brazil ‘chìm’ trong tang tóc
07:02 | 15/06/2020
TGVN. Biểu tình chống phân biệt chủng tộc tiếp tục lan rộng tại Mỹ và nhiều nước khác, làn sóng Covid-19 thứ 2 đang đe dọa thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, dịch căng thẳng ở Brazil... là những ảnh ấn tượng trong tuần được The Atlantic, NBC, The Guardian… tổng hợp.
Tượng nhà thám hiểm Christopher Columbus - người tìm ra châu Mỹ - ở Boston bị phá mất đầu trong đêm, khi người biểu tình đập phá các tượng đài liên quan đến chế độ nô lệ, ngày 10/6, tại Boston, Massachusetts, Mỹ. Bức tượng từng bị "chặt đầu" một lần vào năm 2006 và bị phun sơn đỏ vào năm 2015 cùng với dòng chữ Black Lives Matter (Mạng sống người da màu cũng đáng giá) trên đó. Tượng Columbus chỉ là một trong rất nhiều tượng đài lịch sử bị đập phá kể từ khi các cuộc biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd nổ ra khắp nước Mỹ và lan sang nhiều quốc gia khác trên thế giới. (Nguồn: Getty Images)
Hàng ngàn người diễu hành qua Cầu Cổng Vàng trong cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc ở San Francisco, California, Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Các nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ quỳ gối trong im lặng trong 8 phút 46 giây để tưởng nhớ George Floyd tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 8/6. Từ trái sang: Thượng nghị sĩ Cory, Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Charles Schumer, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Nghị sĩ Karen Bass và Lãnh đạo đa số tại Hạ viện Steny Hoyer. (Nguồn: AP)
Thi hài George Floyd được chở bằng xe ngựa đi ngang qua đường phố ở Houston, Texas, Mỹ, ngày 9/6. (Nguồn: Getty Images)
Một người biểu tình ở Hull, Anh, quê hương của William Wilberforce, nhà lãnh đạo phong trào xóa bỏ nạn buôn bán nô lệ, tham gia cuộc biểu tình Black Lives Matter, ngày 10/6. (Nguồn: Getty Images)
Bức tượng người buôn nô lệ thế kỷ XVII Edward Colston bị người biểu tình vứt xuống sông trong một cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd, ở Bristol, Anh. Các cuộc biểu tình đòi công lý cho Floyd, người bị cảnh sát ghì chết, đã lan rộng khắp 50 bang tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Những cuộc tuần hành ôn hòa trở nên bạo lực khi liên tục xảy ra tình trạng đập phá, cướp bóc. Gần đây, tình trạng phá hoại đã giảm bớt, song các cuộc biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt". (Nguồn: Reuters)
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình bên trong nhà ga trung tâm ở Sydney, Australia trong cuộc biểu tình Black Lives Matter. (Nguồn: EPA)
Alexis bế con, quỳ gối trong cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào đoàn kết với phong trào Black Lives Matter ở Dakar, Senegal, ngày 9/6. (Nguồn: Getty Images)
Bức tượng nhà Vua Bỉ Leopold II bị phá hủy sau cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Brussels, Bỉ, ngày 10/6. (Nguồn: Getty Images)
Người đàn ông đeo mặt nạ chống giọt bắn có in những dòng chữ “I can’t breathe” (Tôi không thở được), là những câu nói cuối cùng của George Floyd khi bị cảnh sát ghì đầu gối vào cổ đến chết, trong cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Montreal, Quebec, Canada. (Nguồn: Reuters)
Thiếu nữ tại Milan, Italy nắm chặt tay trong cuộc biểu tình tưởng nhớ George Floyd. (Nguồn: AP)
Các em nhỏ xem mẹ con chú voi voi đang tắm ở làng Baan Na Klang, tỉnh Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan, nơi có hơn 100 con voi trở về từ các khu du lịch kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Sau đại dịch, ngành du lịch toàn cầu nói chung và Thái Lan nói riêng bị tê liệt, những chú voi này trở nên “thất nghiệp”, bị bỏ đói và có thể chết. Trước nguy cơ đó, hơn 1.000 con voi đã được nhà chức trách Thái Lan đưa về các ngôi làng cho người dân chăm sóc. (Nguồn: Getty Images)
Nghệ sĩ biểu diễn phun lửa trong một sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh những người đã qua đời vì dịch bệnh Covid-19 ở Brasípa, Brazil, ngày 8/6. (Nguồn: Reuters)
Các tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ Rio De Paz đào 100 ngôi mộ tại bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro vào ngày 11/6 để phản đối phản ứng của chính phủ trong việc chống lại đại dịch Covid-19. (Nguồn: Getty Images)
Người dân giữ khoảng cách xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 khi tham gia cuộc biểu tình phản đối Chính phủ vì gói trợ cấp tài chính không đủ lớn đối với nền kinh tế tại Quảng trường phố cổ ở Prague, Czech, ngày 9/6. (Nguồn: Getty Images)
Người phụ nữ đeo khẩu trang trong hiệu sách ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/6. Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 7,7 triệu ca nhiễm và hơn 428.000 người chết. Tính đến ngày 14/6, Trung Quốc ghi nhận thêm 57 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 83.132 ca, mức tăng hàng ngày cao nhất từ tháng 4, chủ yếu là lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Bắc Kinh. Giới chức y tế Trung Quốc nhận định sự gia tăng các ca nhiễm liên quan đến khu chợ ở Bắc Kinh giống với giai đoạn đầu bùng phát dịch tại Vũ Hán. (Nguồn: Getty Images)
Các giáo viên cố gắng ngăn chặn 2 cô bé cùng 6 tuổi Wendy Otin và Oumou Salam Niang ôm nhau khi hai bé gặp nhau vào ngày đầu tiên trở lại trường học sau thời gian nghỉ ở nhà do dịch Covid-19 ở Barcelona, Tây Ban Nha. (Nguồn: AP)
Người đàn ông vẫy tay chào đón các bác sĩ trở về Havana, Cuba sau thời gian làm việc tại Lombardy, Italy để trợ giúp ngành y tế địa phương đối phó dịch Covid-19. (Nguồn: AP)
Nhân viên nghĩa trang đào những ngôi mộ mới tại nghĩa trang Xico ở ngoại ô thủ đô Mexico City, Mexico khi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở quốc gia Nam Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Bức ảnh chụp chân dung những người thuộc các dân tộc khác nhau, mặc trang phục truyền thống, đeo khẩu trang trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan ở Manaus, Brazil. (Nguồn: AP)
Lính cứu hỏa ở Chennai, Ấn Độ, phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, ngày 11/6. (Nguồn: Getty Images)
Chuyên gia vật lý trị liệu Amanda Horsburgh điều trị cho bệnh nhân khi cơ sở y tế vừa được mở cửa trở lại sau thời gian đóng cửa vì dịch Covid-19 ở Northwich, Anh, ngày 11/6. (Nguồn: Reuters)
Những chiếc xe đạp chia sẻ trong bãi đậu xe ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 9/6. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Á bùng nổ nền kinh tế chia sẻ, từ xe đạp, ô tô đến đồ chơi… với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên đến nay, mô hình kinh tế này không thực sự phát triển như kỳ vọng, rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản. (Nguồn: Getty Images)
Gần 100 chú rùa con được thả ra biển ở Bali, Indonesia, ngày 9/6 trong chiến dịch giải cứu loài rùa biển đang bị đe dọa tuyệt chủng của quốc gia Đông Nam Á. (Nguồn: AP)
Lửa và khói bốc ra từ giếng dầu Oil India thuộc sở hữu nhà nước ở Tinsukia, thuộc bang Assam, phía Đông Bắc Ấn Độ, ngày 10/6. Theo nhà chức trách địa phương, vụ hỏa hoạn, kéo dài 2 tuần, đã khiến 2 công nhân thiệt mạng. (Nguồn: Getty Images)
Nhân viên bán hàng đứng dựa vào bức tượng Phật tại một cửa hàng bán tượng ở Bangkok, Thái Lan, ngày 10/6. (Nguồn: Getty Images)
Các thanh niên người Iraq tắm sông Shatt Al-Arab ở thành phố cảng phía Nam Basra, ngày 9/6. (Nguồn: Getty Images)
Các chuyên gia tại học viện thú y của Đại học Pretoria, Nam Phi đưa khỉ đột Makokou, một con khỉ đột vùng thấp phía Tây 35 tuổi, vào thiết bị máy móc để khám bệnh. (Nguồn: Getty Images)
Bức tranh của Banksy, nghệ sĩ graffiti nổi tiếng người Anh tại nhà hát Bataclan ở Paris, Pháp bị đánh cắp vào năm ngoái, nay được cảnh sát Italy tìm thấy ở một trang trại miền Trung nước này. Tác phẩm được thực hiện trên cánh cửa đi vào nhà hát Bataclan mô tả hình ảnh một thiếu nữ với biểu cảm thương tiếc, nhằm tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố năm 2015 tại cơ sở này. Tháng 1/2019, một nhóm người đội mũ trùm đầu, mang theo cưa máy đã cắt phần có bức tranh ra khỏi cánh cửa. (Nguồn: Getty Images)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.