Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Ngoại trưởng William Hague trong một cuộc họp nội các tại Số10, Phố Downing hôm 7/9/2010. |
Quyết tâm này của người đứng đầu Chính phủ liên minh của Anh cũng dễ lý giải trong bối cảnh nước Anh đang bị khủng hoảng nợ công, thất nghiệp ở mức cao và nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Anh trong bang giao quốc tế hiện nay là tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Ngay sau khi nhậm chức tháng 5/2010, Ngoại trưởng Anh William Hague đã kêu gọi giới ngoại giao nước này thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế để tăng buôn bán, đầu tư và củng cố sự phục hồi kinh tế còn chưa ổn định của nước này. Trong bức thư gửi cho tất cả 15.000 nhân viên Bộ Ngoại giao Anh, ông đề nghị họ nỗ lực hơn nữa để góp phần thúc đẩy kinh tế Anh, trong đó có việc tăng cường tiếp cận các thị trường mới, các nguồn lực mới để thu hút đầu tư, tìm kiếm các cơ hội buôn bán, xóa bỏ những rào cản đối với các doanh nghiệp Anh... Ông cho rằng Anh cần hợp tác chặt chẽ với các nước khác để cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thực thi khuôn khổ về tái cân bằng tăng trưởng kinh tế được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) phát động hồi tháng 9/2009 ở Mỹ. Mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn, song năm ngoái Anh vẫn thu hút được số dự án đầu tư cao kỷ lục là 850 dự án, tạo 53.000 việc làm mới.
Việc Thứ trưởng thường trực Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng Simon Fraser đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cũng cho thấy Thủ tướng Anh David Cameron đang quyết tâm cải tổ ngành ngoại giao theo hướng tăng cường phục vụ lợi ích thương mại của nước này.
Mặc dù ông Fraser trước đây làm việc tại Bộ Ngoại giao, song việc bổ nhiệm này vẫn là một động thái bất thường vì từ trước đến nay, để có thể đảm nhận ghế Thứ trưởng thường trực, một quan chức thường phải trưởng thành từ ngành ngoại giao. Với vai trò là chuyên gia trong lĩnh vực thương mại quốc tế, ông Fraser đã từng được Lord Mandelson - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng trong thời gian ông này giữ chức Ủy viên Thương mại châu Âu. Một số nguồn tin cho biết Bộ Ngoại giao Anh cũng đang tuyển một vị trí cấp cao phụ trách các vấn đề thương mại, và tới đây có thể bổ nhiệm các giám đốc điều hành doanh nghiệp làm đại sứ tại nước ngoài.
Những động thái trên cho thấy chính phủ liên minh mới giữa hai đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do đang quyết tâm thay đổi chính sách “ngoại giao thuần túy”, được cố Ngoại trưởng Robin Cook khởi xướng, theo hướng thực dụng hơn về mặt kinh tế. Mỗi nhân viên ngoại giao “phải luôn luôn có một danh sách rõ ràng, ưu tiên các mục đích thương mại để cố gắng thực hiện. Đó có thể là thúc đẩy các đơn đặt hàng cho các công ty của Anh, thu hút đầu tư nước ngoài, hoặc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương lẫn đa phương”, như lời của Thủ tướng Cameron. Ông cũng hy vọng tinh thần này sẽ được triển khai tại Bộ Phát triển Quốc tế Anh, nơi một số văn phòng ở nước ngoài còn có nhiều nhân viên hơn cả nhân viên Bộ Ngoại giao.
Điệp Hoa