Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngày 14/11 giờ địa phương (ngày 15/11 giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị Moscone, thành phố San Francisco, Hoa Kỳ đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 34 (AMM 34).
Tin liên quan |
San Francisco đã sẵn sàng cho Tuần lễ cấp cao APEC 2023 như thế nào? |
Hội nghị do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đồng chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các tổ chức quan sát viên là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Các đảo Thái Bình Dương (PIF), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC).
Phó Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) tham dự Hội nghị với tư cách khách mời. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Lãnh đạo Bộ Công Thương đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình hợp tác APEC năm 2023, đặc biệt tiến độ triển khai các mục tiêu và kế hoạch hợp tác được thông qua tại Tầm nhìn APEC Putrajaya đến năm 2040. Hội nghị cũng thảo luận các biện pháp hướng đến hai mục tiêu quan trọng của APEC là tăng trưởng bền vững, bao trùm và xây dựng khu vực tự cường và kết nối.
Các Bộ trưởng APEC nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); nâng cao năng lực của các thành viên trong thực hiện các hiệp định thương mại toàn diện và chất lượng cao; nỗ lực hơn nữa giải quyết các điểm nghẽn nhằm củng cố các chuỗi cung ứng an toàn, tự cường, bền vững và mở.
Hội nghị nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, minh bạch và bao trùm; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho mọi người dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và việc làm bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Các Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế tham dự Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Với tinh thần đó, các Bộ trưởng nhất trí thông qua Các khuyến nghị về cải cách cơ cấu APEC; kêu gọi các thành viên đẩy nhanh triển khai các cam kết của APEC, nhất là Lộ trình an ninh lương thực đến năm 2030, Lộ trình về kinh tế số/kinh tế internet, Khuôn khổ và Kế hoạch hành động giảm thiểu rủi ro thiên tai, Lộ trình chống khai thác và đánh bắt cá trái phép, không khai báo; và Lộ trình về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm.
Thúc đẩy hợp tác chuyển đổi năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với bảo đảm tự cường và an ninh năng lượng khu vực là những nội dung được quan tâm cao tại Hội nghị.
Các Bộ trưởng nhất trí sẽ báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo APEC về Các nguyên tắc về chuyển đổi năng lượng công bằng trong APEC.
Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận nhiều nội dung quan trọng đối với khu vực và thế giới như an ninh lương thực, đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật số, chuyển đổi đám mây và Hướng dẫn về các dịch vụ hạ tầng vận tải hỗ trợ vận chuyển hàng hoá thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp y tế.
Nhân dịp Hội nghị, các Bộ trưởng đã trao giải thưởng cuộc thi của APEC về ý tưởng, ứng dụng hay về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao kết quả hợp tác APEC năm 2023. Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất ba ưu tiên hợp tác APEC.
Thứ nhất, tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Các thành viên APEC cần đẩy nhanh những chương trình hợp tác về thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, mô hình kinh tế xanh - sinh học - tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng, và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Toàn cảnh Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ hai, tận dụng tiến bộ của khoa học công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm. Hợp tác APEC phải hướng đến việc hỗ trợ các nền kinh tế xây dựng kết cấu hạ tầng và lực lượng lao động số, tiếp cận và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, phòng chống thiên tai, y tế, giáo dục.
Thứ ba, lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC. Các dự án và hoạt động APEC cần góp phần xây dựng hệ thống giáo dục và y tế công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế và xã hội.
Phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao và được thể hiện trong các văn kiện và Tuyên bố của Hội nghị.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 34 là hoạt động quan trọng trong Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2023 nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị các Nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 30 sẽ diễn ra trong các ngày 16-17/11.
Chủ tịch nước đến San Francisco, Hoa Kỳ, bắt đầu tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 Khoảng 9 giờ sáng 14/11 (giờ địa phương, tức khoảng 0 giờ sáng 15/11 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và ... |
Điểm tin thế giới sáng 15/11: Ba Lan bầu lãnh đạo Quốc hội, Mỹ-Indonesia nâng cấp quan hệ, nghi án thẩm phán Brazil dùng ChatGPT viết phán quyết Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 15/11. |
Tổng thống Mỹ Biden mong ‘có thể nhấc điện thoại và nói chuyện’ với Trung Quốc nếu có khủng hoảng Ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nước này không tìm cách rời khỏi Trung Quốc mà thực tế muốn có một mối ... |
APEC 2023: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt lãnh đạo, cán bộ các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ Tối ngày 14/11 theo giờ địa phương (sáng 15/11 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân gặp gỡ lãnh ... |
Đại sứ Philippines: Việt Nam đối tác giá trị vì tinh thần gắn kết Việc Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các tổ chức đa phương thể hiện ưu tiên đối với trách nhiệm ... |