APEC đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp hơn 60% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu. (Nguồn: CGTN) |
Tròn 35 năm qua, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm cả hai khu vực kinh tế mạnh và năng động nhất là Đông Á và Bắc Mỹ (gồm Mỹ, Canada và Mexico) với những nét đặc thù và vô cùng đa dạng về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa đã duy trì vai trò là cơ chế hợp tác và liên kết kinh tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Đan xen và chặt chẽ
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Peru Elmer Schialer cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Peru tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024, cùng một phái đoàn 400 doanh nhân, đẩy mạnh các hợp tác đầu tư từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ; đồng thời ký một thỏa thuận thương mại tự do phiên bản nâng cấp, nhằm thúc đẩy hiệu quả thương mại giữa hai nước.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Peru, thương mại song phương Trung Quốc - Peru đạt gần 36 tỷ USD vào năm 2023. Bắc Kinh là đối tác thương mại chính của nước chủ nhà APEC 2024, vì vậy, họ tin rằng, “phiên bản nâng cấp” sẽ tối ưu hóa thỏa thuận cũ (ký năm 2009) thúc đẩy động lực giao thương ít nhất 50%.
Tự do hóa thương mại và đầu tư vì mục đích tăng trưởng bền vững, hợp tác toàn diện và trân trọng các lợi ích chung giữa các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vốn là trọng tâm chính trong các chương trình nghị sự của APEC ngay từ khi chính thức “khai sinh” vào năm 1989, tiếp tục kế thừa đến APEC Peru 2024 và còn xa hơn nữa…
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc tế, xét trên khía cạnh là một diễn đàn rộng lớn nhằm thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế, hợp tác kinh tế APEC khó hiệu quả khi hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện và không có bất kỳ thỏa thuận ràng buộc pháp lý nào.
Trên thực tế, có thể mục tiêu tự do hóa thương mại của Tuyên bố Bogor, cũng như việc triển khai Hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) vào năm 2025 chưa đạt tiến độ như kỳ vọng, nhưng cũng giống như “cặp” Trung Quốc - Peru nói trên, những năm qua “sợi dây ràng buộc” giữa các thành viên APEC vẫn ngày càng chặt chẽ, dựa trên đa dạng các mối quan hệ kinh tế đan xen lẫn nhau, giao thoa và tự điều chỉnh trên con đường tự do hóa thương mại.
Và không chỉ tồn tại hợp tác song phương, hàng loạt hiệp định thương mại đa phương (RCEP, CPTPP, AFTA…) giữa các thành viên APEC cũng đã và đang giữ vai trò rất lớn, củng cố và phát triển các mối quan hệ kinh tế trong khu vực. Các con đường thương mại có thể giao thoa, cũng có thể là song song nhưng đều tiến tới tự do hóa thương mại khu vực và đang cho thấy là hướng đi đúng đắn cho hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã có các hiệp định thương mại tự do với 15 nền kinh tế APEC. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất đối với 13 nền kinh tế APEC. Tám trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc là các nền kinh tế APEC...
“Xốc lại" tiến trình hợp tác
Trở lại Hội nghị thượng đỉnh năm 1994, APEC đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt được chế độ thương mại và đầu tư tự do tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010 đối với các thành viên có nền kinh tế phát triển và vào năm 2020 đối với các thành viên có nền kinh tế đang phát triển.
Năm tiếp sau, APEC đã quyết tâm thông qua Chương trình nghị sự hành động Osaka - một kế hoạch thực hiện các mục tiêu của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh và thúc đẩy hợp tác kinh tế và kỹ thuật... Nhưng kể cả từ khi có những cam kết này, hiệu quả hợp tác APEC vẫn bị đánh giá hạn chế. Đến nay, APEC vẫn chỉ được đánh giá cao về thành công trong việc đề ra các “chương trình hành động”, còn việc thực hiện vẫn khó khăn.
Một trong những thách thức lớn nhất là sự nổi lên của xu hướng bảo hộ mậu dịch và các biện pháp phi thuế quan có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở thành rào cản đối với quá trình tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực, đi ngược với tinh thần cốt lõi của APEC là giương cao ngọn cờ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dù kinh tế toàn cầu và khu vực APEC vẫn có xu hướng tăng trưởng nhưng trong dài hạn sẽ thấp hơn các thập kỷ trước đây, xuất phát từ những cản trở do năng suất thấp và bất bình đẳng tăng lên, khi nhiều đối tượng bị bỏ lại phía sau, như một số nền kinh tế đang phát triển, khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hay lao động nữ…
Bất bình đẳng gia tăng cũng là mối đe dọa tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực. Tính đa dạng và phức tạp của khu vực với các nền kinh tế có cơ cấu, cũng như trình độ phát triển rất khác nhau, kéo theo những ưu tiên phát triển kinh tế, cách đề cập đối với các lĩnh vực hợp tác của các thành viên cũng khác nhau. Do tính chất không bắt buộc của các cam kết nên trong quá trình thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư, hợp tác kỹ thuật, sẽ nảy sinh những khó khăn và bất đồng.
Các yếu tố phi kinh tế như văn hóa, lịch sử, môi trường, an ninh... cũng sẽ có những tác động nhất định đến hợp tác kinh tế giữa các thành viên, cũng như tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực.
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 (9-16/11) tại thủ đô Lima của Peru được đánh giá “mang tính bước ngoặt” - cơ hội để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên “xốc lại” tiến trình hợp tác nhằm đạt được hiệu quả và hiệu lực cao hơn trong tự do hóa hơn nữa thương mại, đầu tư.
Trong bối cảnh mới, chủ nhà APEC Peru tiếp tục đặt mục tiêu thông qua Lộ trình Lima 2024 về quá trình chuyển đổi kinh tế và giới thiệu Tuyên bố Ichma mới nhằm thúc đẩy FTAAP, trong đó, gửi thông điệp mạnh mẽ về sự tận tâm của APEC trong giải quyết các thách thức toàn cầu và thúc đẩy Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 về xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.