Lý Hiển Long
Thủ tướng Singapore
APEC bắt đầu là một cuộc họp không chính thức bao gồm 12 nền kinh tế cùng chung quan điểm, cùng chia sẻ tầm nhìn về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hội nhập, sôi động và thịnh vượng. Khi Australia đưa ra đề xuất khởi động diễn đàn APEC, Vòng đàm phán thương mại đa phương Uruguay đang rơi vào bế tắc. Diễn đàn mới này hướng tới mục tiêu tự do hóa thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu..
Thủ tướng Lý Hiển Long. (Nguồn: AP) |
Ngay từ đầu, Singapore hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Tôi hân hạnh được tham dự lễ khai mạc hội nghị APEC tại Canberra với tư cách Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore. Sau đó, Singapore đăng cai hội nghị APEC lần thứ hai cũng ở cấp Bộ trưởng. Năm 1993, hội nghị được nâng tầm lên cấp Lãnh đạo cấp cao. Singapore một lần nữa đăng cai hội nghị APEC vào năm 2009.
Tham gia APEC ngay từ đầu, tôi rất vui mừng nhận thấy APEC đã lớn mạnh không ngừng cả về quy mô cũng như vị thế quốc tế. Giờ đây APEC có 21 thành viên, với nhiều nền kinh tế và khối thương mại khác cũng đang tìm cách gia nhập gia đình APEC. APEC đã trở thành một diễn đàn hiệu quả cho các nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về các thách thức toàn cầu. Chương trình nghị sự ban đầu của APEC về tự do hóa thương mại đã được mở rộng thêm các lĩnh vực mới như nguồn nhân lực, an ninh lương thực, phát triển bền vững và chống tham nhũng. Tuy nhiên, thúc đẩy thương mại và hội nhập kinh tế vẫn là sứ mệnh hàng đầu.
Bản chất không ràng buộc lẫn nhau trong các cuộc thảo luận của diễn đàn APEC tạo điều kiện cho các nền kinh tế thành viên đối thoại cởi mở hơn và khát vọng nhiều hơn. Kết quả là, chúng ta đã có những bước chậm mà chắc hướng tới các Mục tiêu Bogor về thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư cho cả các nền kinh tế đã phát triển và đang phát triển. Trong APEC hiện nay, nhiều mức thuế quan đã giảm chỉ còn bằng 1/3 so với thời điểm khi APEC được thành lập. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực năng động nhất trên thế giới với các nền kinh tế thành viên của APEC chiếm tới 60% GDP toàn cầu và khoảng một nửa thương mại của toàn thế giới.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt đến ý tưởng thương mại mở hoàn toàn ở khu vực. Hiện thực hóa được điều này là việc phức tạp, liên quan đến nhiều bên và khu vực với các mối quan tâm khác nhau và thường mang tính cạnh tranh. Các thành viên APEC đang theo đuổi nhiều cách khác nhau để hướng tới một Khu vực tự do thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương. Nếu thực hiện được, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (The Regional Comprehensive Economic Partnership) có thể đóng góp đáng kể cho cả các thành viên của APEC và rộng hơn là cho cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, miễn là các thành viên đạt đồng thuận cao. Mười một nền kinh tế thành viên còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang thảo luận các lựa chọn để thực hiện Hiệp định. Trong tương lai, có khả năng các sáng kiến khác sẽ được đề xuất. Trong bối cảnh này, chúng ta hy vọng đưa được các nền kinh tế sát lại gần nhau hơn, làm hội nhập trở nên sâu sắc hơn, đưa phát triển tới tất cả các thành viên và sự bền vững cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ đề Việt Nam đưa ra trong vai trò chủ nhà APEC 2017 - “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” - là đúng lúc và là lựa chọn phù hợp. Chủ đề tái khẳng định mong muốn của các thành viên APEC về hợp tác bền vững, toàn diện và nhiều mặt. Nhiều nền kinh tế quan tâm tới các vấn đề nảy sinh từ toàn cầu hóa như sự phá vỡ các ngành công nghiệp và việc làm, sự phân bổ không đều về lợi ích và thu nhập. Những vấn đề này cần được giải quyết. Nhưng suy cho cùng, các nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn nhiều nếu cùng nhau phối hợp và kết nối. Nỗ lực đơn lẻ chỉ có thể dẫn tới trì trệ và nghèo đói, cùng nguy cơ lớn dẫn tới sự kình địch và xung đột.
Việt Nam cũng đã bắt đầu quá trình phát triển tầm nhìn của APEC xa hơn các Mục tiêu Bogor 2020 và xác định các cơ hội hợp tác mới. Thành công nối tiếp của APEC sẽ thúc đẩy các nền kinh tế thành viên sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và khám phá những ý tưởng mới. Tôi mong muốn được làm việc với các nhà Lãnh đạo APEC khác để thúc đẩy sự phồn vinh và hòa bình trong khu vực những năm tới đây.