TIN LIÊN QUAN | |
Khai mạc Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017 | |
Khai mạc Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp của APEC 2017 |
Cùng nhau chung sức, chúng ta đã gặt hái nhiều thành quả. Chúng ta đã cắt giảm thuế quan, cải tiến thủ tục hải quan và tổ chức tốt hơn các hoạt động hậu cần, kho bãi. Chúng ta đã tăng cường hợp tác xây dựng luật lệ và thúc đẩy liên kết thương mại giữa các nền kinh tế. Trong khuôn khổ APEC, hơn 240.000 doanh nhân trong khu vực đã được miễn visa thông qua chương trình Thẻ đi lại Doanh nhân APEC.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại APEC 2016. |
Vì sao điều này lại quan trọng? Bởi vì tổng thu nhập quốc nội (GDP) của 21 nền kinh tế APEC hiện đạt 45,2 nghìn tỷ USD, chiếm 60% GDP toàn cầu, tăng ba lần kể từ khi APEC thành lập năm 1989. Các nền kinh tế APEC chiếm 47,5% thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới. Ðối với Australia, giao thương với các nền kinh tế APEC chiếm hơn 70% tổng thương mại quốc tế của chúng tôi.
Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng của thương mại toàn cầu.
Cùng với đà phục hồi kinh tế, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy tăng trưởng thương mại cũng đang khởi sắc. Tuy nhiên, chúng ta không thể coi đó là điều đương nhiên.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, điều quan trọng hơn cả là các nền kinh tế APEC cần gia tăng nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực, giải quyết những rào cản phía sau biên giới và đẩy mạnh cải cách cơ cấu. Ðiều này sẽ giúp các doanh nghiệp của chúng ta lớn mạnh và thành công.
Kinh tế Australia đã liên tục tăng trưởng ổn định trong 26 năm qua, gần như song hành với quá trình hình thành và phát triển của APEC. Ðây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Trong suốt khoảng thời gian đó, chúng tôi đã vận dụng và bảo vệ những nguyên tắc lâu dài về mở cửa kinh tế của APEC.
Quan trọng hơn cả, mở cửa thương mại và đầu tư tiếp tục là lời hiệu triệu trên toàn khu vực.
Chúng ta mong muốn thấy các nền kinh tế thành viên APEC tiếp tục ủng hộ các hoạt động cải cách vốn đã thúc đẩy tự do hóa đầu tư - thương mại và là động lực cho những thay đổi về cơ cấu.
Với tư cách Chủ nhà APEC năm nay, Việt Nam đã đề ra một số vấn đề hợp tác thiết thực giữa các nền kinh tế thành viên. Trong đó có hai ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự thế kỷ XXI là mở cửa thị trường dịch vụ và tạo khuôn khổ cho chính sách thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tất cả chúng ta đều thấy lĩnh vực dịch vụ là khởi nguồn đem lại sự giàu có, việc làm và tăng trưởng trong toàn khu vực.
Tuy nhiên từ kinh nghiệm thực tế ở Australia, chúng tôi hiểu rằng lĩnh vực dịch vụ có khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế thông qua việc tạo điều kiện nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống. Dịch vụ chiếm tới 3/4 giá trị nền kinh tế Australia và cung cấp hơn 4/5 số lượng việc làm. Trên thực tế, việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho sinh viên quốc tế là một trong những hoạt động xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi.
Tăng khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ của tất cả các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương là điều vô cùng quan trọng để cải thiện tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Chính vì vậy, Australia coi trọng Lộ trình Cạnh tranh Dịch vụ APEC mà lãnh đạo các nền kinh tế đã nhất trí thông qua vào năm ngoái.
Trong dịch vụ tài chính những năm gần đây, các thành viên APEC đã có những bước đi táo bạo thúc đẩy hội nhập thị trường tài chính khu vực, ví dụ việc xây dựng chương trình Hộ chiếu Quỹ Khu vực châu Á (Asia Region Funds Passport). Sáng kiến này do Australia khởi xướng sẽ giúp giảm rào cản luật lệ đối với việc trao đổi hàng hoá tài chính qua biên giới và gia tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các chương trình/dự án đầu tư mang tính tập thể (do các nền kinh tế tham gia đưa ra).
Nếu được thực hiện đầy đủ, chương trình sẽ giúp thị trường vốn phát triển sâu rộng và vững chắc hơn, cải thiện khả năng cạnh tranh của dịch vụ tài chính và cho phép chúng ta sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn tiết kiệm trong khu vực cho hoạt động kinh tế. Sáng kiến này dự kiến sẽ được các nền kinh tế Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand và Thái Lan thực hiện từ năm 2018.
Australia ủng hộ mạnh mẽ việc APEC đặt trọng tâm vào hội nhập công nghệ kỹ thuật số. Những công nghệ này đang làm thay đổi cuộc sống cũng như công việc của chúng ta. Người tiêu dùng đang sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng để mua những thứ họ cần. Như vậy, rất ít công ty tồn tại mà không có sự hiện diện trên mạng.
Theo Khảo sát Doanh nghiệp Quốc tế của Australia năm ngoái, 60% doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế ở Australia đang sử dụng thương mại điện tử để bán hàng hoá, 26% bán dịch vụ và 14% bán cả hàng hoá và dịch vụ. Quy mô của thị trường thương mại kỹ thuật số vẫn đang tiếp tục tăng. Năm 2016, thương mại điện tử toàn cầu, chỉ tính ở mức độ bán lẻ, trị giá tới gần 2.000 tỷ USD. Chỉ riêng thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp toàn cầu - hình thức thương mại điện tử quốc tế xuyên biên giới - đang tăng trưởng ở mức 25%/năm.
Australia cam kết hợp tác với các đối tác xây dựng niềm tin với kinh tế kỹ thuật số, tối đa hoá cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, những người làm thương mại đơn lẻ, đặc biệt là phụ nữ. Chúng tôi đang hướng những nỗ lực của APEC vào việc vượt qua những rào cản mà nữ doanh nhân gặp phải như khả năng tiếp cận tài chính, hạn chế về quyền sở hữu tài sản và thực hiện các giao dịch pháp lý. Những nỗ lực chung của chúng ta sẽ giúp họ xây dựng năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu và sẵn sàng cho các hoạt động xuất khẩu.
Chúng tôi hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc xây dựng Khuôn khổ Thuận lợi hoá thương mại điện tử xuyên biên giới APEC nhằm cung cấp chỉ dẫn cho những hợp tác trong tương lai của khu vực và hỗ trợ giải quyết những thách thức song hành với thương mại kỹ thuật số như việc bảo vệ người tiêu dùng và an ninh mạng.
Australia hoan nghênh Việt Nam đã đưa tăng trưởng bao trùm thành vấn đề trung tâm của APEC đồng thời là một ưu tiên của Việt Nam. Chúng ta cần tạo ra sự năng động mới và tăng cường khả năng chống chọi và sức bật của các nền kinh tế APEC đặc biệt trong những thời điểm có nhiều thay đổi kinh tế xã hội nhanh chóng như hiện nay. Có việc làm là vấn đề cốt lõi. Chúng ta cần có những chính sách để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân để từ đó họ có thể lớn mạnh, tuyển dụng thêm lao động và trả lương cao hơn.
Năm nay, Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) nhấn mạnh việc cần phải củng cố khu vực APEC trở thành một điển hình của sự cởi mở, đổi mới sáng tạo và toàn diện.
Ðây là những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo thành viên khi đến Ðà Nẵng.
Là một trong những thành viên sáng lập và tích cực của APEC, một đối tác và một người bạn của Việt Nam, Australia đã và đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập diễn đàn vào năm 1998. Hai nền kinh tế của chúng ta đã xây dựng được quan hệ đối tác vững mạnh.
Tôi mong đợi được hợp tác với Việt Nam và chia sẻ những kinh nghiệm của Australia với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong tháng 11 này.
Malcolm Turnbull
Thủ tướng Australia
Chính thức khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, ... |
APEC Việt Nam 2017 - Vun đắp tương lai chung trong một thế giới đang chuyển đổi Ngày 5/11, ngay trước thềm Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), GS. TS. Trần ... |
Báo nước ngoài: Việt Nam đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng bao trùm Trước thềm Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại TP. Đà ... |