NEPAD là chương trình phát triển chung của châu Phi, được thành lập năm 2001 với bốn mục tiêu chính, gồm: (1) xóa đói; (2) thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững; (3) hội nhập châu Phi vào nền kinh tế thế giới và (4) tăng cường trao quyền cho phụ nữ. NEPAD xác định 8 lĩnh vực ưu tiên, gồm: (1) năng lực quản trị chính trị, kinh tế, tập đoàn; (2) nông nghiệp; (3) cơ sở hạ tầng; (4) giáo dục; (5) y tế; (6) khoa học và công nghệ; (7) tiếp cận thị trường và du lịch và (8) môi trường.
Phát biểu thay mặt cho ASEAN tại phiên họp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh ASEAN ủng hộ hoàn toàn việc thực hiện NEPAD, cam kết đoàn kết với các nước châu Phi nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 cho Phát triển bền vững của LHQ cũng như Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi với mục tiêu chung nhằm đem lại tăng trưởng, thịnh vượng và phát triển cho các nước.
ASEAN ủng hộ nỗ lực của châu lục này trong thực hiện NEPAD. (Nguồn: Twitter) |
ASEAN đánh giá cao các kết quả cũng như nhiều tiến triển tích cực mà các nước châu Phi đã đạt được trong thực hiện NEPAD, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục và quản trị quốc gia. Tuy nhiên, ASEAN cũng ghi nhận những thách thức dài hạn mà châu Phi đang đối mặt, như vấn đề nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đa dạng hóa nền kinh tế, tiếp cận thị trường, thiếu hụt các nguồn tài chính và hạn chế năng lực quản trị trong thực hiện NEPAD.
Về hợp tác giữa ASEAN và châu Phi, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ, hai khu vực có các chương trình nghị sự phát triển có nhiều điểm tương đồng và có thể tham khảo kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là giữa Chương trình nghị sự 2063 của châu Phi với Tầm nhìn Cộng đồng chung ASEAN 2025, gắn liền với Chương trình nghị sự 2030 của LHQ.
ASEAN và châu Phi có nhiều tiềm năng để hợp tác, tăng cường liên kết, chia sẻ bí quyết với nhau trong nhiều lĩnh vực, như nông nghiệp, giáo dục, công nghệ thông tin, thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm cả thông qua các cơ chế Hợp tác Tam giác và Nam - Nam.
ASEAN cam kết tiếp tục cùng các quốc gia bạn bè, các đối tác, bao gồm cả châu Phi bảo vệ các giá trị của chủ nghĩa đa phương, coi đó là trách nhiệm chung của toàn nhân loại.
ASEAN cũng kêu gọi các đối tác phát triển, các thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục ủng hộ các nước châu Phi theo đuổi mục tiêu hòa bình và phát triển bền vững, cũng như ủng hộ nỗ lực của châu lục này trong thực hiện NEPAD.