AUKUS không phải là ngẫu nhiên mà là một tính toán kỹ lưỡng trước đó của cả 3 nước, nhất là Mỹ. (Nguồn: australia.gov.au) |
Ông có thể phân tích những tính toán chiến lược của Mỹ cho sự ra đời của AUKUS trong thời điểm này?
Sự ra đời của AUKUS không phải là ngẫu nhiên mà là một tính toán kỹ lưỡng trước đó của cả 3 nước, nhất là Mỹ.
Thứ nhất, khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định sự quay trở lại của nước Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ra đời từ năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở chưa được triển khai quyết liệt. Tổng thống Biden nhận thấy rằng nước Mỹ cần duy trì chiến lược này, thế nhưng cách làm của ông sẽ khác so với chính quyền tiền nhiệm.
Mỹ tiếp cận vấn đề an ninh khu vực không theo hướng đơn phương, mà theo hướng hợp tác đa phương với đồng minh và đối tác trong khu vực.
GS.TS. Phạm Quang Minh. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thứ hai, cú hích cho sự ra đời của AUKUS chính là việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn tại khu vực.
Trên biển, từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng. Ví dụ, từ tháng 3/2021, Trung Quốc đã tập trung hơn 200 tàu xung quanh đá Ba Đầu tại cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đầu năm nay, ngày 20/1, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới, có nhiều điểm trái với quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Tháng 4/2020, Trung Quốc ngang ngược thành lập thành phố Tam Sa tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thứ ba, sau 20 năm can dự vào chiến trường Afghanistan, ngày 1/9 vừa qua, Tổng thống Mỹ thông báo chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh tại đây và sẽ không “mắc mưu” những đối thủ cạnh tranh với mình, vốn muốn Mỹ lún sâu vào cuộc chiến tại Afghanistan để không rảnh tay can thiệp vào các khu vực khác.
Việc bước ra khỏi cuộc chiến tranh ở Afghanistan sẽ giúp Mỹ có đủ nguồn lực để xoay trục sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thứ tư, đồng minh của Mỹ, trong đó có Australia thời gian qua đã nếm trải căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết định trừng phạt các mặt hàng nhập khẩu từ Australia.
Như vậy, rõ ràng Mỹ rất muốn củng cố mối quan hệ với các đồng minh, trấn an các đối tác, đẩy mạnh chiến lược an ninh mới nhằm xây dựng một khu vực dựa trên luật lệ.
Tại sao Mỹ lại lựa chọn Anh và Australia mà không phải là một đồng minh nào khác?
Việc Mỹ chọn Australia và Anh cho liên minh cũng rất đặc biệt và có lý do.
Anh là đồng minh lâu đời, truyền thống nhất của Mỹ, đồng minh số một trong Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Australia là đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương song lại là quốc gia có năng lực phòng thủ hạn chế, dễ bị tấn công nhất, mặc dù có đường bờ biển dài nhất. Mỹ và Anh quyết định gắn Australia vào một liên minh vừa để tăng cường năng lực phòng thủ cho Australia nhằm bảo vệ chủ quyền của nước này, vừa tạo ra một mắt xích quan trọng để bảo đảm an ninh khu vực.
Các thành viên AUKUS đều nhận thức được rằng, an ninh biển là một trong những vấn đề rất quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sau Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ và Pháp. Điều này tạo ra một sự thay đổi trong cán cân lực lượng có phần nghiêng về sức mạnh tổng lực của Mỹ.
AUKUS cho thấy một sự chuyển hướng như thế nào trong lựa chọn phương thức hợp tác mới của Mỹ, thưa ông?
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực mà Mỹ có nhiều đồng minh nhất, gồm 6 đồng minh ngoài NATO, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và New Zealand.
AUKUS là liên minh quân sự đầu tiên được thành lập trong thế kỷ XXI ở khu vực.
Các liên minh quân sự ra đời trước đó ở khu vực là Hiệp định quân sự Ngũ cường do Anh dẫn đầu với Australia, Brunei, Malaysia và Singapore, ra đời năm 1971; Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) gồm Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Pakistan, Pháp, Philippines và Thái Lan ra đời năm 1954 nhưng đã chính thức giải tán vào năm 1977.
Có thể khẳng định rằng, trên cơ sở những hiệp ước an ninh từ trong lịch sử đến nay, AUKUS là một nấc thang trên con đường thể chế hóa các liên minh đa phương trong khu vực của Mỹ.
Thời gian qua, theo mô hình “Trục bánh xe và nan hoa”, Mỹ là “trục” còn các đồng minh là “nan hoa” là các liên minh song phương chủ đạo của Mỹ tại khu vực. Giờ đây, Mỹ từ hợp tác song phương chuyển hướng sang đa phương nhiều hơn và từng bước thể chế hóa các liên minh đa phương.
AUKUS ra đời sẽ có tác động hai mặt.
Một mặt, AUKUS giúp an ninh khu vực được đảm bảo hơn nữa; xu hướng thể chế hóa các liên minh, hợp tác đa phương được thúc đẩy mạnh mẽ.
Mặt khác, AUKUS có thể làm gia tăng chạy đua vũ trang, tạo ra thế “lưỡng nan” về an ninh và khả năng các nước rơi vào thế phải “chọn bên”.
Theo ông, AUKUS ra đời là cơ hội hay thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN?
AUKUS là cơ hội hay thách thức với ASEAN phụ thuộc vào chính ASEAN. Điều quan trọng nhất là ASEAN cần đồng thuận để chủ động và có tiếng nói hơn nữa trong các vấn đề khu vực.
Nhìn chung, ASEAN vẫn có vai trò rất quan trọng bởi một số lý do. Trước hết, ASEAN án ngữ khu vực địa chính trị quan trọng, là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là ngã tư của các tuyến đường biển quan trọng.
ASEAN cũng có tiềm lực kinh tế rất lớn với hơn 600 triệu dân, là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Nguồn lực con người trong ASEAN vô cùng quý giá với dân số trẻ.
Đặc biệt, Biển Đông là nơi hội tụ lợi ích của các quốc gia, do vậy, các nước vẫn tiếp tục gia tăng can dự vào khu vực.
ASEAN vẫn sẽ có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Chuyến thăm tới Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tháng 7 và Phó Tổng thống Kamala Harris tháng 8/2021 là những minh chứng về cam kết của Washington với khu vực.
Xin cảm ơn ông!