Nhỏ Bình thường Lớn

Australia dọn đường cho việc 'kết liễu' thỏa thuận Vành đai và Con đường?

TGVN. Dự thảo luật mới của chính phủ Australia, nếu được Quốc hội thông qua, có thể đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường mà chính quyền bang Victoria dự kiến ký với Trung Quốc.
TIN LIÊN QUAN
Ra dự luật kiểm soát chặt việc ký thỏa thuận với nước ngoài, Australia nói 'không nhằm vào Trung Quốc'
Đối mặt với Trung Quốc, Australia mơ về liên minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới
0929-scott-morrison
Thủ tướng Australia Scott Morisson liên tục lên tiếng chỉ trích thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường mà bang Victoria dự kiến ký kết với Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Trong bài phân tích đăng tải trên trang The Conversation, Giáo sư Michelle Grattan của Đại học Canberra cho biết Chính phủ Australia dự kiến sẽ sớm trình Quốc hội một dự thảo luật mới nhằm tạo điều kiện giám sát và quản lý, cũng như cho phép hủy bỏ các thỏa thuận do chính quyền cấp bang, vùng lãnh thổ, hội đồng địa phương và trường đại học công lập của Australia ký kết với các chính phủ nước ngoài.

Mối quan hệ trên đà 'rạn nứt'

Dự thảo luật này, nếu được thông qua, có thể dẫn đến việc thỏa thuận Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà chính quyền bang Victoria dự kiến ký với Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ, cũng như một số thỏa thuận khác giữa các trường đại học Australia và Trung Quốc.

Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Scott Morrison đã liên tục lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này của bang Victoria. Ông Morrison cho rằng BRI không phải là một chương trình mà chính phủ liên bang đã ký kết và các tiểu bang không nên hành động một cách "thiếu nhất quán" với chính sách của Canberra.

Động thái mạnh mẽ mà chính phủ Australia đưa ra lần này phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng về ảnh hưởng và sự can thiệp của Trung Quốc, mặc dù luật mới sẽ áp dụng với mọi thỏa thuận được ký kết với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào.

Theo dự thảo luật, Ngoại trưởng Australia sẽ được trao quyền dừng các thỏa thuận được đề xuất và hủy bỏ bất kỳ thỏa thuận nào hiện có với các chính phủ nước ngoài, nếu xét thấy chúng đi trái lại với lợi ích quốc gia.

Dự thảo cũng cho phép thiết lập một sổ đăng ký công khai để minh bạch các thỏa thuận. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo là khá đa dạng, trong đó bao gồm các thỏa thuận hợp tác về các vấn đề văn hóa, giáo dục, sức khỏe, khu vực công, khoa học, du lịch, quản lý môi trường, thương mại và kinh tế. Ngoài ra còn có các mối quan hệ kết nghĩa giữa những thành phố và tiểu bang.

Tác giả đánh giá động thái của Canberra sẽ càng làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc. Mới đây nhất, trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ báo chí quốc gia Australia, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Canberra Vương Tích Ninh đã cáo buộc Australia gây tổn thương tới tình cảm của người dân Trung Quốc khi thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covi.d-19.

Hiện tại, mối quan hệ Australia-Trung Quốc đã trở nên sa sút nghiêm trọng sau nhiều năm "rạn nứt". Mới đây nhất, Bắc Kinh đã ban hành một số lệnh hạn chế thương mại nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia, như lúa mạch, thịt bò, rượu vang..., cũng như cảnh báo sinh viên và khách du lịch không nên đến Australia. Động thái này được xem là "màn trả đũa" chính thức đối với lời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19 mà Canberra đã khởi xướng.

Đảm bảo lợi ích quốc gia

Trong tuyên bố về dự thảo luật nói trên, ông Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne khẳng định "chính phủ liên bang có trách nhiệm bao trùm trong việc tiến hành các hoạt động đối ngoại của Australia". Tuy nhiên, các chính quyền tiểu bang, vùng lãnh thổ và các tổ chức trực thuộc cấp địa phương hiện cũng tham gia vào việc ký kết thỏa thuận với các chính phủ nước ngoài trong nhiều lĩnh vực - từ hợp tác thương mại và kinh tế đến hợp tác văn hóa và quan hệ đối tác nghiên cứu đại học - mà không không báo cho chính phủ Liên bang.

"Luật mới sẽ hỗ trợ các chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ để đảm bảo rằng họ đang hành động nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của Australia, phù hợp với giá trị và mục tiêu chính sách đối ngoại của chúng ta", tuyên bố nêu rõ.

Dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội vào tuần tới và Canberra hy vọng rằng sẽ sớm được thông qua trong năm nay. Dự thảo cũng sẽ bao gồm cả các thỏa thuận nước ngoài bằng văn bản, có ràng buộc pháp lý theo luật pháp Australia, ràng buộc pháp lý theo luật nước ngoài hoặc không ràng buộc pháp lý (chẳng hạn như biên bản ghi nhớ). Tuy nhiên, dự thảo không áp dụng cho quan hệ thương mại giữa các tập đoàn và công ty nhà nước, cũng như không áp dụng đối với các trường đại học nước ngoài, trừ phi chúng trực thuộc chính phủ nước ngoài, chẳng hạn như đại học quân sự của chính phủ.

Trong vòng 6 tháng kể từ khi luật chính thức có hiệu lực, các tiểu bang, vùng lãnh thổ, hội đồng và trường đại học sẽ phải thông báo cho chính phủ liên bang về các thỏa thuận của họ với chính phủ nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Australia sẽ chịu trách nhiệm xem xét các thỏa thuận hiện có và các thỏa thuận đề xuất, sau đó tư vấn cho Ngoại trưởng về các tác động của những thỏa thuận này đối với chính sách đối ngoại và quan hệ đối ngoại. Nếu thỏa thuận không đáp ứng được với yêu cầu về lợi ích quốc gia, Ngoại trưởng Australia sẽ có quyền dừng các bên đàm phán, tham gia vào, tiếp tục hay gây ảnh hưởng tới thỏa thuận.

Theo quy định của luật mới, Ngoại trưởng Australia cũng có thể chấm dứt các hợp đồng tư nhân liên quan tới thỏa thuận chính - ví dụ như một liên kết xây dựng cơ sở hạ tầng hình thành từ thỏa thuận BRI mà bang Victoria dự định ký kết. Thậm chí, nếu cần, Canberra có thể xin lệnh Tòa án Liên bang hoặc Tòa án cấp cao để thực thi quyết định của Ngoại trưởng.

Bà Payne nhấn mạnh: "Điều quan trọng đối với sự thịnh vượng, an ninh và chủ quyền của Australia là chính sách đối ngoại phải được thúc đẩy bởi lợi ích quốc gia ... Những thay đổi này sẽ mang lại cho các cấp chính quyền, các tổ chức và người dân Australia sự tin tưởng rằng các thỏa thuận quốc tế được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp với lợi ích quốc gia và các giá trị của Australia".

0928-ozchina
Quan hệ Australia - Trung Quốc trở nên sa sút nghiêm trọng sau nhiều năm "rạn nứt".

Tháng 6/2020, tờ Sydney Morning Herald đưa tin bang Victoria đang "rậm rịch" triển khai ký kết một số thỏa thuận với Trung Quốc liên quan tới BRI, sau khi đạt được Biên bản ghi nhớ vào cuối năm 2018. Ngay lập tức, Thủ tướng Australia đã một lần nữa công khai lên tiếng chỉ trích Thống đốc bang Victoria Daniel Andrews và bày tỏ lo ngại rằng ông Andrews đang cố tình gây ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại chung của Australia.

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm cung cấp tài chính cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu. Sáng kiến này đã bị một số nước chỉ trích, gọi đây là một chính sách "bẫy nợ", khiến các nước đang phát triển phải chịu gánh nặng nợ nần không thể trả được.

Thỏa thuận dự kiến ký kết giữa bang Victoria và Trung Quốc sẽ cho phép Bắc Kinh đầu tư vào bang Victoria và ngược lại các công ty của địa phương này được tham gia những dự án của chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài.

Thủ tướng Morrison nhấn mạnh ông Andrews nên hủy bỏ dự định ký kết với Trung Quốc. Trong khi đó, ông Michael O’Brien, lãnh đạo đảng đối lập ở bang Victoria cũng đã bày tỏ phản đối. và nói rằng, nếu trúng cử Thống đốc bang, ông nhất định sẽ rút khỏi sáng kiến đầy tham vọng này của Trung Quốc.

Tìm kiếm hợp tác đối phó Trung Quốc, Australia sẽ 'xem xét kỹ lưỡng từng lời đề nghị' của Mỹ liên quan Biển Đông

Tìm kiếm hợp tác đối phó Trung Quốc, Australia sẽ 'xem xét kỹ lưỡng từng lời đề nghị' của Mỹ liên quan Biển Đông

TGVN. Ngày 28/7, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng, Canberra sẽ thực hiện cách tiếp cận thận trọng đối với lời kêu gọi tham gia các ...

Sáng kiến Vành đai Con đường: Khi Trung Quốc vẫn cần Mỹ

Sáng kiến Vành đai Con đường: Khi Trung Quốc vẫn cần Mỹ

TGVN. Theo tờ The Business Times, một lựa chọn khác có thể khó chấp nhận đối với Mỹ nhưng lại là lựa chọn tốt đẹp duy nhất ...

Ấn Độ quyết không tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường

Ấn Độ quyết không tham gia Sáng kiến Vành đai Con đường

TGVN. Hãng thông tấn ANI ngày 4/10 dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết New Delhi sẽ không tham gia ...