“TPP đã phải mất nhiều năm đàm phán và đi đến thống nhất. Tôi không muốn và tôi biết một số nước cũng không muốn những nỗ lực đã đạt được tuột khỏi tầm tay”, ông Ciobo nhấn mạnh.
Số phận của TPP đã trở nên mong manh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại lịch sử ngay sau lễ nhậm chức. Động thái này đồng nghĩa với việc 11 nước còn lại sẽ phải đàm phán lại hoặc “khai tử” Hiệp định. Theo thoả thuận trước đó, TPP chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2/2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật).
Không chỉ TPP, ông Trump còn chỉ trích những thỏa thuận thương mại tự do khác mà Mỹ đang tham gia, bao gồm các chính sách giao thương với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi TPP. (Nguồn: BBC) |
Dù Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe và các lãnh đạo của New Zealand, Singapore nhưng một số bên vẫn thể hiện thái độ lưỡng lự trước một TPP thiếu đi nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong các điều khoản của Hiệp định nếu TPP tiếp tục mà không có Mỹ”, Bộ trưởng Ciobo trả lời khi được hỏi về quy định đóng góp 85% GDP của TPP.
Ông Ciobo cho biết thêm, nếu các nước khác đều đồng ý về mặt nguyên tắc trong việc thúc đẩy TPP không có Mỹ thì đây đã là một bước tiến triển khá lớn. Ông tiết lộ, Australia sẽ có một cuộc họp về vấn đề này với các thành viên tiềm năng tại Chile vào tháng tới.
Trước đó, ông Ciobo đã có cuộc nói chuyện về “TPP-1” (TPP không Mỹ) với các nước như Nhật Bản, Canada, Mexico, Malaysia, Singapore và New Zealand. Một vài quốc gia đã ám chỉ khả năng sẽ đàm phán trực tiếp với Mỹ về thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo. (Nguồn: Bloomberg) |
Hiện không chỉ riêng Australia, nhiều nước khác như Hàn Quốc hay Singapore cũng đã có hiệp định thương mại song phương với Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, những khó khăn của TPP lại đang mở ra cánh cửa cho Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) – môt thỏa thuận thương mại tự do gồm 16 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ. Dự kiến, vòng đàm phán sắp tới của RCEP sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng Hai này.