📞

“Bà mối” cho thương mại Mỹ - Phi

19:00 | 20/05/2016
Xuất thân Kenya của Tổng thống Mỹ Barack Obama khiến nhiều người châu Phi  vui mừng và kỳ vọng đây sẽ là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - châu Phi. Và họ đã đúng.

Sau khi giành chiến thắng lịch sử tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, ông Barack Obama trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ vị trí cao nhất trên chính trường nước Mỹ.

Thách thức và cơ hội

Mặc dù đã có một bài phát biểu đầy hứa hẹn ở Ghana vào năm 2009 nhưng sự tham gia có phần khiêm nhường của Tổng thống Obama với châu lục này trong nhiệm kỳ đầu tiên đã để lại ít nhiều nuối tiếc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm gần cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông Obama đã mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong chính sách Mỹ - Phi. Đặc biệt trong số đó phải kể đến kế hoạch “Power Africa” đầy tham vọng của chính quyền Mỹ nhằm tăng gấp đôi sản lượng điện tại vùng châu Phi hạ Sahara, đổi mới Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội Châu Phi (AGOA) và lần đầu tiên tổ chức Hội nghị lãnh đạo Mỹ - châu Phi.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Diễn đàn các doanh nghiệp Mỹ và châu Phi. (Nguồn: AP)

Tất cả những thành tựu này đều có một điểm chung, đó là sử dụng ngoại giao thương mại để làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các nước châu Phi, đồng thời gửi một tín hiệu rõ ràng cho các nhà đầu tư Mỹ rằng châu Phi đang mở cửa đón chào các khoản đầu tư.

Trong 45 quốc gia của lục địa này, mỗi nước có các mục tiêu phát triển hoàn toàn khác nhau. Thậm chí, một số thị trường có tỷ lệ rủi ro đầu tư tương đối cao. Theo nghiên cứu của hai chuyên gia J. Peter Pham và Aubrey Hruby thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, tham nhũng và yếu kém trong quản lý, điều kiện môi trường thất thường và chính trị bất ổn  là những vấn đề cản trở sự phát triển kinh tế châu Phi và khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Tuy nhiên, châu lục này lại có tới 6 trong số 12 nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu. Kinh tế của các quốc gia này có triển vọng sáng sủa là nhờ lực lượng lao động đô thị đông đảo và thương hiệu địa phương vững mạnh.

Rõ ràng đang tồn tại một khoảng cách trong nhận thức giữa các doanh nghiệp nước ngoài về rủi ro đầu tư tại châu Phi. Phần lớn họ còn e ngại trong khi các doanh nghiệp đã có chi nhánh tại đây có cái nhìn lạc quan hơn nhiều. Đối với các công ty Mỹ mới có ý định đầu tư vào châu Phi nhưng chưa tìm ra cách thức thì chính phủ Mỹ chính là “bà mối” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường.

“Nên duyên” thương mại

Năm 2012 với “Chiến lược Mỹ hướng tới châu Phi hạ Sahara”, Tổng thống Obama đã đặt ra cho chính quyền các mục tiêu ưu tiên, trong đó bao gồm việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững ở châu Phi thông qua gia tăng thương mại và đầu tư. Chiến lược này bao gồm cuộc vận động “Kinh doanh tại châu Phi” với phương pháp tiếp cận liên ngành nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại đầu tư song phương và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Chính phủ Mỹ - Phi.

Đến năm 2014, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần thứ nhất do Mỹ đăng cai là cuộc gặp lớn chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với nguyên thủ các quốc gia châu Phi, thu hút sự tham gia của gần 50 nguyên thủ các quốc gia từ châu lục này. Hội nghị đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm bắt kịp Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc đua ở châu Phi.

“Mỹ quyết tâm trở thành một đối tác trong thành công của châu Phi, một đối tác tốt, công bằng và lâu dài,” đó là lời phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh, Diễn đàn kinh doanh Mỹ - châu Phi lần thứ nhất cũng được tổ chức. Tại đây, gần 100 công ty của Mỹ cùng với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và Chính phủ châu Phi đã tụ họp để bàn cách tăng cường quan hệ thương mại. Mặc dù chưa rõ về số lượng các thỏa thuận đạt được ngay tại diễn đàn nhưng Mỹ đã công bố các cam kết đầu tư và hỗ trợ tài chính lên tới 37 tỷ USD, trong đó 14 tỷ USD là số tiền đầu tư, kinh doanh của các công ty Mỹ, 12 tỷ USD đầu tư mới cho lĩnh vực điện, 7 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang châu Phi và 4 tỷ USD là các khoản chi khác cho y tế, triển khai các lực lượng gìn giữ hòa bình, tăng cường khả năng thực thi luật pháp…. Diễn đàn kinh doanh Mỹ - châu Phi lần thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức tại New York vào tháng 9 năm nay.

Ngay sau diễn đàn, Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh thành lập Hội đồng tư vấn Tổng thống về Môi trường kinh doanh ở châu Phi. Nhóm này bao gồm 15 thành viên là những người dẫn đầu các doanh nghiệp tư nhân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu là giúp các công ty Mỹ tìm kiếm, cấp vốn và triển khai các mục tiêu kinh doanh tại châu Phi. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker cũng từng dẫn đầu nhiều đoàn doanh nghiệp tới Rwanda, Nigeria, Ghana và Ethiopia với mục đích đưa ra tín hiệu tới các nhà kinh doanh Mỹ rằng chính quyền đã sẵn sàng và mong muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư vào châu Phi.

Điều làm nên thành công của “Power Africa”, kế hoạch tham vọng tăng gấp đôi sản lượng điện tại vùng hạ Sahara châu Phi, là quan hệ hợp tác giữa khu vực công và tư nhân. Sáng kiến này được chính quyền Obama hỗ trợ và hiện tại đã đạt hơn 43 tỷ USD cam kết, trong đó số tiền cam kết từ khu vực tư nhân tăng gấp ba lần kể từ khi kế hoạch ra đời.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ đối với mối quan hệ thương mại Mỹ - Phi bằng cách thông qua “Luật thắp sáng châu Phi” hồi đầu năm nay nhằm thực thi chỉ đạo của ông Obama về việc hỗ trợ các chính phủ châu Phi trong việc triển khai kế hoạch năng lượng quốc gia của họ.

Việc tiếp tục chiến lược “Ngoại giao thương mại” giữa Mỹ và châu Phi của chính quyền Obama cũng trùng với tỷ lệ gia tăng đầu tư từ Mỹ vào châu Phi. Hiện Mỹ và Pháp là hai quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào châu Phi, khoảng 31 tỷ USD mỗi nước. Từ 2009 tới 2013, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ tới châu Phi tăng 40% đạt tổng giá trị 50,2 tỷ USD.

Với các cơ quan như Bộ Thương mại tới các Văn phòng Đại diện Đầu tư, nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn dư sức để tư vấn cho các chính phủ châu Phi khả năng thu hút nhiều hơn đầu tư từ Mỹ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là sự khích lệ, hỗ trợ và bảo đảm lợi ích cho các nhà kinh doanh Mỹ tại châu lục này từ phía chính phủ các nước châu Phi. Và chính quyền của Tổng thống Obama có lẽ đã làm tốt vai trò “se duyên” cho thương mại Mỹ - Phi của mình.