Phe phản đối bà Park Geun-hye đã tiến hành cuộc biểu tình lần thứ 20 và cũng là cuối cùng tại Quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul, sau 5 tháng tiến hành các cuộc biểu tình hàng tuần.
Những người biểu tình kêu gọi bắt giữ bà Park Geun-hye, đồng thời kêu gọi phế truất quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn - người đóng vai trò trung tâm trong chính quyền tổng thống vừa bị phế truất và từ chối kéo dài cuộc điều tra độc lập đối với vụ bê bối chính trị.
Những người biểu tình đã tuần hành hòa bình hướng tới Văn phòng Tổng thống, nơi bà Park Geun-hye vẫn đang ở bất chấp việc bị phế truất.
Nhà tổ chức biểu tình thông báo khoảng 650.000 người đã tham gia hoạt động phản đối bà Park Geun-hye ở Seoul, đồng thời cho biết phe này sẽ tiến hành biểu tình vào ngày 25/3 và 15/4 để tưởng niệm 3 năm xảy ra vụ chìm phà hồi năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng.
“Tôi tin rằng một thời đại mới sẽ mở ra khi bà Park Geun-hye ra đi. Chúng tôi mong muốn đất nước sẽ tốt đẹp hơn khi những nỗ lực của chúng tôi đã chứng minh được giá trị thực sự", một người biểu tình cho biết.
Trong khi đó, những người ủng hộ bà Park Geun-hye đã tiến hành biểu tình ngay tại Cung Deoksu gần đó, yêu cầu Tòa Hiến pháp bãi bỏ phán quyết.
Những người biểu tình cho biết sẽ thành lập một đảng chính trị mới nhằm khôi phục công lý, luật pháp và dân chủ. Các nhà tổ chức cho biết khoảng 700 nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình.
“Tôi tham dự cuộc diễu hành ủng hộ bà Park Geun-hye, bởi tôi tin rằng những lời buộc tội bà ấy không đúng, mà tất cả chỉ dựa trên những phán đoán và những bằng chứng không xác thực”, một người biểu tình ủng hộ bà Park cho biết.
Những người biểu tình đốt pháo ăn mừng tối 11/3. (Nguồn: AFP) |
Vài giờ trước khi diễn ra cuộc biểu tình, hàng chục người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye đã ném chất dễ cháy và xịt bình cứu hỏa vào một đồn cảnh sát nhằm phản ứng việc cảnh sát thắt chặt an ninh xung quanh khu vực biểu tình của họ. Bốn người đã bị bắt giữ để điều tra.
Phía ủng hộ tổng thống bị phế truất chủ yếu là người cao tuổi, vốn đã chứng kiến giai đoạn bùng nổ phát triển kinh tế dưới thời cha bà là tổng thống Park Chung-hee. Ngược lại, phe phản đối phần lớn là thanh niên và giới trung lưu, những người đã âm ỉ bất mãn từ lâu vì những vấn đề kinh tế và xã hội.
Liên quan đến tình hình tại Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Hàn Quốc ngày 11/3 thông báo, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc nhằm chọn ra người kế nhiệm nhà lãnh đạo bị phế truất Park Geun-hye sẽ được tổ chức muộn nhất vào 9/5 tới.
Quyết định này đưa ra chỉ một ngày sau khi Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết về việc phế truất bà Park Geun-hye.
Chủ tịch Uỷ ban bầu cử Quốc gia Hàn Quốc Kim Yong Deok khẳng định: “Uỷ ban bầu cử Quốc gia thừa nhận tầm quan trọng của cuộc bầu cử sắp tới, bởi cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị. Chính vì thế chúng tôi cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử nghiêm ngặt, tự do và công bằng.”
Theo hiến pháp của Hàn Quốc, trong vòng 60 ngày, Hàn Quốc phải bầu Tổng thống mới và theo các nhà phân tích, bất cứ ai thắng cử cũng sẽ phải thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhằm đoàn kết đất nước đã chia rẽ sâu sắc sau bê bối lịch sử này, cũng như giải quyết các mối quan hệ ngày càng phức tạp tại khu vực.