📞

Ba thách thức của Thủ tướng Imran Khan

15:18 | 23/08/2018
Vực dậy nền kinh tế, thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là nhiệm vụ đầy khó khăn dành cho nhà lãnh đạo mới của Pakistan Thủ tướng Imran Khan.

Ngày 18/8, trong bài phát biểu dài 70 phút khi chính thức nhậm chức, Thủ tướng Imran Khan cho rằng đất nước ông đang ở trong một giai đoạn khó khăn, với nền kinh tế trì trệ trong nhiều lĩnh vực, nợ công tiếp tục tăng vượt trần.

Trong bối cảnh đó, ông cho rằng thay vì “cầu xin các nước khác để vay nợ”, người dân cần “hy sinh một số quyền lợi để đứng trên đôi chân của chính mình”. Tân Thủ tướng cũng kêu gọi kiều bào Pakistan tiếp tục hỗ trợ đất nước qua hệ thống ngân hàng. Quan trọng hơn, ông đã chia sẻ tầm nhìn về một “Pakistan Mới” với trọng tâm là tiêu diệt tham nhũng, chấn hưng nền kinh tế và tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, điều này sẽ đòi hỏi ông tìm câu trả lời cho ba vấn đề cốt lõi mà Pakistan đang phải đối mặt.

Đầu tiên, Pakistan cần tìm kiếm giải pháp chấn hưng nền kinh tế và vạch ra mục tiêu phát triển bền vững. Kể từ tháng 12/2017, Ngân hàng Trung ương Pakistan đã bốn lần điều chỉnh giảm giá trị đồng Rupee, nhưng mức thâm hụt ngân sách của nước này vẫn ở mức rất cao, tương đương với 6,8% Tổng Sản phẩm trong nước (GDP). Thực trạng này có thể khiến nền kinh tế rơi vào giai đoạn giảm tốc, bất chấp mức tăng trưởng lên tới gần 6% trong năm 2017.

Ông Imran Khan (trái) trong lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng ngày 18/8. (Nguồn: Reuters)

Thêm vào đó, thiếu sót trong khâu quản lý tiền tệ, thâm hụt thương mại, phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu cùng tình trạng bất bình đẳng thu nhập cao tiếp tục đẩy Pakistan vào tình thế khó khăn, liên tục phải nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài. Trong vòng bảy thập kỷ qua, Islamabad đã tham gia tới 21 chương trình vay nợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song hầu hết đều thất bại trong việc thanh toán đúng hạn và tuân thủ các điều khoản được đặt ra.

Cải thiện tình trạng này sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng dành cho ông Imran Khan. 64% dân số Pakistan có độ tuổi dưới 30 và chính phủ cần tạo ít nhất một triệu việc làm/năm trong vòng 30 năm tới, nếu muốn đạt mức tăng trưởng 7%/năm. Song nó sẽ đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, điều mà Pakistan chỉ có thể tìm kiếm ở Trung Quốc, khi các khoản vay từ IMF luôn đi kèm với chính sách “thắt lưng buộc bụng” vô cùng khắt khe.

Thứ hai, Bắc Kinh hiểu rõ khó khăn mà Islamabad phải đối mặt và đã ngay lập tức tuyên bố cho Islamabad vay ít nhất 10 tỷ USD để tăng cường dự trữ ngoại tệ, chỉ hai tháng sau khi ký khoản cho vay 5 tỷ USD. Năm 2013, hai nước đã triển khai dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan, mạng lưới đường, nhà máy điện, cảng và các khu kinh tế đặc biệt trị giá 62 tỷ USD. Đây được cho là bước đi của Bắc Kinh nhằm kích thích phát triển tại tỉnh Tân Cương, kết nối khu vực này với biển Ả rập thông qua cảng Gwadar, giảm sự phụ thuộc vào Eo biển Malacca.

Là mắt xích then chốt trong kế hoạch này, Pakistan ít nhiều nhận được sự đầu tư từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các khoản vay của Bắc Kinh có thể khiến Islamabad tiếp tục “lún sâu” trong nợ nần, nếu không tìm ra giải pháp triệt để, bền vững nhằm vực dậy nền kinh tế. Quan trọng hơn, sự phụ thuộc về kinh tế có thể ảnh hướng tới chính sách đối ngoại của Pakistan, khi nước này dường như đang bị kẹt trong cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á.

Cuối cùng, Thủ tướng Imran Khan sẽ phải nỗ lực để thoát khỏi ảnh hưởng của giới quân đội nếu muốn cải thiện quan hệ với New Delhi. Tại Pakistan, nhiều tướng lĩnh quân đội có ảnh hưởng trong chính quyền vẫn giữ quan điểm tiêu cực về quốc gia láng giềng. Đây là rào cản không nhỏ trong hành trình cải thiện quan hệ Pakistan - Ấn Độ của ông Khan, ít nhất cho đến khi ông nhận được sự đồng thuận của Tướng Qamar Javed Bajwa, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Pakistan.

Khó khăn là vậy, song với bản lĩnh được trui rèn của vị tân Thủ tướng, người dân Pakistan đang rất kỳ vọng rằng ông Imran Khan sẽ một lần nữa đưa họ đến với chiến thắng như ông đã từng làm với trái bóng và cây gậy trên tay.

Minh Vương