📞

Ba thông điệp từ cuộc không kích bất ngờ của Mỹ tại Syria

Phan Quân 15:00 | 03/03/2021
TGVN. Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn nhắn gửi ba thông điệp tới nước Mỹ, đồng minh và đối thủ qua hành động quân sự táo bạo vừa qua tại Syria. Bình luận của TG&VN.

Tối ngày 25/2 (theo giờ địa phương), quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch không kích các vị trí do nhóm Kataib Hezbollah kiểm soát tại phía Đông Syria, gần biên giới với Iraq.

Theo tổ chức giám sát nhân quyền Syria, cuộc tấn công đã khiến 22 tay súng thuộc lực lượng do Iran hậu thuẫn đã thiệt mạng. Báo chí Arab đưa tin, mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là cơ sở của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Syria.

Ngay sau đó, lực lượng Mỹ đóng tại căn cứ không quân Balad, Iraq đã được đặt trong tình trạng đáng báo động cao độ.

Động thái bất ngờ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến thế giới “dậy sóng”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến thế giới “dậy sóng” sau hành động quân sự đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình - Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Phản ứng trái chiều

Tại Mỹ, nhiều nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự đầu tiên được ông phê duyệt kể từ khi lên nắm quyền. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Virginia, Tim Kaine cho rằng các cuộc tấn công được tiến hành mà không có sự cho phép của các nhà lập pháp. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Connecticut, Chris Murphy khẳng định chính quyền đương nhiệm cần tuân thủ các quy định.

Thậm chí, một bộ phận trong đảng Dân chủ cho rằng ông Biden đang lạm dụng quyền lực về chiến tranh. Thượng nghị sỹ bang Vermont, Bernie Sanders nhấn mạnh: “Cuộc tấn công của Mỹ tại Syria sẽ đặt đất nước chúng ta vào con đường tiếp tục cuộc chiến tranh vô tận thay vì kết thúc nó”.

Song thú vị thay, nhiều nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Jim Inhofe từ Oklahoma, thành viên Ủy ban Vũ trang của Thượng viện lại cho rằng đây là “phản ứng phù hợp, đúng đắn để bảo vệ sinh mạng người Mỹ”.

Cộng đồng quốc tế cũng nhanh chóng có phản ứng. Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết Tổng Thư ký “đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về cuộc không kích của Mỹ... bày tỏ lo ngại về biến động trong khu vực, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng”.

Bộ Ngoại giao Syria khẳng định “hành động gây hấn của Mỹ sẽ có thể làm leo thang tình hình trong khu vực”. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gọi các cuộc tấn công của Mỹ là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Syria, gây bất ổn cho khu vực.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã chỉ trích cuộc không kích của Mỹ vào Syria vi phạm luật pháp quốc tế, kêu gọi tất cả các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời tránh làm phức tạp tình hình ở quốc gia Trung Đông này.

Sự ủng hộ hiếm hoi dành cho chiến dịch táo bạo của Mỹ đến từ Israel. Một quan chức nước này nhận định cuộc không kích là tín hiệu tốt cho thấy lập trường của chính quyền Mỹ về Iran, đi kèm với thông điệp của Washington rằng đã đến lúc Tehran cần kiềm chế hành động của mình và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.

Rõ ràng, hành động táo bạo của Mỹ tại Syria đã gây nên nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế. Vậy đâu là lý do đằng sau quyết định này?

Hình ảnh vệ tinh khu vực chịu đợt không kích của Mỹ. (Nguồn: Maxar)

Ba thông điệp lớn

Ngay sau động thái gây tranh cãi, Tổng thống Joe Biden đã chính thức lên tiếng thông qua một bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ. Theo đó, ông cho biết đã chỉ đạo quân đội hành động để “bảo vệ” các lực lượng Mỹ và đối tác của nước này trước các cuộc tấn công đang diễn ra và các cuộc tấn công trong tương lai. Ông khẳng định rằng muốn Iran không thể hành động mà không bị trừng phạt và cảnh báo nước này nên cẩn thận.

Trước đó, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, các thành viên Quốc hội Mỹ đã được thông báo trước trước khi hai tiêm kích F-15E bắn 7 quả tên lửa, phá hủy 9 căn cứ của quân nổi dậy ở Syria và gây tổn thất nghiêm trọng cho 2 cơ sở khác. Như vậy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden mong muốn truyền tải ba thông điệp lớn thông qua cuộc tấn công bất ngờ lần này.

Thứ nhất, Washington sẵn sàng có các bước đi cần thiết, bao gồm hành động quân sự, để bảo vệ lợi ích, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực. Theo Lầu Năm Góc, cuộc không kích tại Syria là nhằm trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa ở Iraq ngày 15/2, khiến một nhà thầu dân sự thiệt mạng, một quân nhân Mỹ và các binh sỹ liên minh khác bị thương.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby khẳng định: “Phản ứng quân sự tương xứng này được tiến hành cùng với các biện pháp ngoại giao, bao gồm tham vấn với các đối tác liên minh”. Lầu Năm Góc cũng cho biết đây là một phần trong kế hoạch nhằm suy yếu tình hình chung ở miền Đông Syria và Iraq.

Thứ hai, Mỹ muốn khẳng định cam kết đối với đồng minh Trung Đông, đặc biệt là Israel cùng Saudi Arabia, về vấn đề Iran và xóa tan nghi ngờ cho rằng Washington, dưới thời ông Joe Biden, sẽ mềm mỏng hơn để đưa Tehran trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Thêm vào đó, The Conversation cho rằng hành động này đã tách biệt ông Joe Biden khỏi hai người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump. Một mặt, ông đang cố gắng xây dựng một chính sách Trung Đông được tính toán kỹ càng hơn so với ông Trump.

Mặt khác, Washington sẵn sàng cứng rắn với các nước “gây rắc rối” khi công bố báo cáo cho thấy sự liên quan của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, hay ra lệnh không kích lực lượng do Iran bảo trợ tại Syria, thay vì mềm mỏng như ông Obama.

Chính sách Trung Đông của ông Joe Biden được cho là sẽ khác biệt so với hai người tiền nhiệm. (Nguồn: CNN)

Thứ ba, đó là cách ông Joe Biden gửi thông điệp mạnh tới Iran nói riêng và các đối thủ của Mỹ nói chung. Với Iran, Mỹ sẽ không dung thứ với các hành động gây tổn hại lợi ích của nước này và đồng minh tại Trung Đông, đồng thời buộc Tehran trở lại bàn đàm phán.

Với Nga và Trung Quốc, Mỹ thể hiện cam kết sẵn sàng có hành động quân sự để bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh.

Dễ thấy, thông điệp của ông Joe Biden ít nhiều tương đồng với điều người tiền nhiệm Donald Trump muốn truyền tải qua chiến dịch không kích Syria năm 2017. Có chăng, khác biệt nằm ở chỗ ông Biden không ra quyết định giữa cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà thôi.