📞

Bầu cử Mỹ hậu "Siêu thứ Ba": Phía trước là cuộc "chạm trán" nảy lửa

22:00 | 04/03/2016
Kể từ năm 1988, tất cả các ứng cử viên chiến thắng trong "Siêu thứ Ba" đều trở thành ứng cử viên Tổng thống chính thức... 
Hai "ngôi sao" của chính trường Mỹ. (Nguồn: Getty)

“Siêu thứ Ba” là ngày có nhiều bang tổ chức các cuộc bỏ phiếu sơ bộ nhằm lựa chọn ứng cử viên Tổng thống của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ngày “Siêu thứ Ba” 1/3 vừa qua đã diễn ra trên 11 bang, trải dài từ miền Đông nước Mỹ tới các vùng Texas và Minnesota. Không nằm ngoài dự đoán, hai ứng cử viên được nhiều sự chú ý của công luận là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa đã cùng giành chiến thắng vang dội tại 7/11 bang, bỏ xa các ứng cử viên đối thủ khác.

Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên "sáng giá" này vẫn chưa thể an tâm ăn mừng chiến thắng khi còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong quãng đường còn lại để đi đến cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11 tới.

Tận dụng rạn nứt Liên minh và chia rẽ trong "đàn voi"

Hiện tỷ phú Trump dành được 329 phiếu đại biểu tại các bang Alabama, Massachussetts, Tennessee, Georgia, Virginia, Arkansas và Vermont. So với 231 phiếu của người đứng thứ hai là Ted Cruz, ông Trump đang tiến những bước dài trên con đường dành đủ 1.237 phiếu đại biểu cần thiết để trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống. Nhưng con đường này lại đang trở nên khó khăn hơn khi có quá nhiều người sẵn sàng tham gia vào liên minh"chống Trump".

Kể từ sau chiến thắng ngày 1/3, ông Trump đã liên tiếp bị công kích bởi các thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa như Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Mitt Romney, người từng đại diện Đảng Cộng hoà tranh cử Tổng thống năm 2012.

Tờ New York Times (Mỹ) ngày 3/3 đưa tin về việc khoảng 60 cựu quan chức và chuyên gia an ninh quốc gia thuộc Đảng Cộng hoà đã công bố một bức thư khẳng định sẽ không ủng hộ Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ do những chính sách đối ngoại nguy hiểm mà ông Trump có thể đề ra.

Theo bức thư này, tầm nhìn về ảnh hưởng và sức mạnh Mỹ của ông Trump hoàn toàn không phù hợp với những quy chuẩn và ông Trump dễ dàng thay đổi lập trường chỉ trong một câu nói. Do đó, nếu trở thành Tổng thống, ông Trump sẽ sử dụng quyền lực của mình khiến Mỹ trở nên kém an toàn và tạo ra những nguy cơ đối với quyền tự do cơ bản của công dân Mỹ. Ký tên vào bức thư có những nhân vật nổi tiếng như Robert Zoellick - cựu Chủ tịch World Bank, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ và Đại diện Thương mại Mỹ; Michael Chertoff - cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa; Eric S. Edelman - cố vấn cao cấp của Phó Tổng thống Dick Cheney...

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, khó có thể "hạ gục" được ứng cử viên này vì đảng Cộng hòa khó hình thành được một mặt trận thống nhất chống lại ông do sự ích kỷ và chủ nghĩa cơ hội của các ứng cử viên. Theo nhận định của báo Le Figaro (Pháp), chính việc quá xem thường đối thủ của các ứng cử viên khác trong đảng Cộng hòa đã mở rộng đường cho ông Trump tiến lên. Giờ đây, trong sự hoảng hốt, giới lãnh đạo đảng Cộng hòa đang muốn gạt "kẻ phá rối" bằng mọi giá. Những gì mà ông Trump gặt hái được trong ngày “Siêu thứ Ba” cho thấy những tuyên bố gây sốc hay chính sách xử lý người nhập cư gây tranh cãi của ông không những không phản tác dụng mà còn hấp dẫn cử tri. Tỷ phú Donald Trump đã tận dụng được những rạn nứt trong đảng Cộng hòa khi mà giới lãnh đạo đảng này đang tìm cách dồn sự ủng hộ cho Thượng nghị sỹ bang Florida Marco Rubio trong khi ứng cử viên này không quá nổi bật.

Những chú lừa thong thả

Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton đã vượt qua đối thủ duy nhất là ông Bernie Sanders tại 7 trong số 11 bang cùng tổ chức bầu cử vào ngày 1/3 gồm: Arkansas, Texas, Georgia, Virginia, Alabama, Tennessee và Massachusetts. Việc chiếm 1.058/2.383 phiếu đại biểu của bà Clinton càng khẳng định sự áp đảo đã được dự đoán trước của bà so với con số 431 phiếu của ông Sanders.

Tờ Los Angeles Times (Mỹ) nhận định: so với chiến thắng của ông Trump, chiến thắng vang dội trong ngày “Siêu thứ Ba” của bà Hillary đã phản ánh rõ nét hai luồng quan điểm hoàn toàn trái ngược của các cử tri ủng hộ hai đảng: Bà Clinton ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và có tính thống nhất trong đảng. Chiến thắng của bà có động lực lớn từ sự ủng hộ của đa dạng thành phần cử tri, kể cả những cử tri Latin ủng hộ bà tại Texas và các cử tri da màu tại miền Nam.

Ông Sanders tuyên bố sẽ tiếp tục cạnh tranh với bà Clinton tại các bang chưa bỏ phiếu, và khẳng định mình có đủ tiềm lực tài chính để làm điều này. Tuy nhiên, ông Sanders khó có thể giành được sự ủng hộ của các cử tri thuộc cộng đồng thiểu số, phụ nữ và người già. Ông cũng gặp phải trở lực lớn là sự ưu ái và trung thành mà nhiều người ủng hộ đảng Dân chủ dành cho Tổng thống đương nhiệm Obama, người đã tỏ rõ sự ưu ái dành cho ứng cử viên Clinton. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây được tiến hành tại bang Virginia cho thấy cứ 4/5 người ủng hộ đảng Dân chủ muốn Tổng thống tiếp theo tiếp tục các chương trình nghị sự của ông Obama và đa số họ ủng hộ bà Clinton.

Tuy nhiên, số liệu cho thấy, so với năm 2008 - lần gần nhất Đảng Dân chủ bỏ phiếu chọn người đại diện ứng cử Tổng thống - số cử tri bỏ phiếu đã giảm đáng kể. Qua 15 bang đã bỏ phiếu, so với năm 2008, số người đi bầu giảm 3 triệu. Theo New York Times (Mỹ), có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc tâm lý cử tri cho rằng chiến thắng ở Đảng Dân chủ gần như đã thuộc về bà Hillary Clinton.

Những số liệu này rất đáng lo ngại bởi nó phản ánh sức mạnh của ứng cử viên, nhất là khi bước vào cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11. Nhiều người Dân chủ bắt đầu lo ngại rằng bà Clinton không nhận được làn sóng ủng hộ mới của nhóm người da đen, Latin và trẻ như ông Obama đã có được vào năm 2008 và 2012. Ngược lại, Donald Trump đang tạo được một làn sóng ủng hộ khá lớn với số lượng tăng cao các cử tri Đảng Cộng hòa háo hức có mặt tại các điểm bầu cử.

Màn trình diễn trong ngày “Siêu thứ Ba” như một lời dự báo rằng cặp đôi bà Clinton và ông Trump sẽ là hai gương mặt sáng giá nhất cho “đêm diễn cuối cùng” của năm 2016 vào ngày 8/11 tới. Tuy nhiên, để trở thành ứng viên Tổng thống Mỹ, các ứng cử viên này vẫn phải trải qua hàng loạt cuộc bỏ phiếu sơ bộ và họp kín trong nội bộ đảng trước khi đại diện cho đảng mình tham gia tranh cử và chịu sự định đoạt của các đại cử tri. Thêm vào đó, từ trước tới nay, hai ứng cử viên này vẫn không ngừng công kích quan điểm về tương lai nước Mỹ của đối phương. Điều này có thể là tín hiệu cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ là một cuộc "chạm trán" nảy lửa và gay cấn.

(tổng hợp)