Bộ tứ nổi bật sau Siêu thứ Bảy. (Nguồn: JTA) |
Ngày thứ Bảy (5/3) vừa qua đã diễn ra bầu cử sơ bộ tại 4 bang Kentucky, Kansas, Louisiana, Maine đối với Đảng Cộng hoà và 3 bang Kansas, Louisiana, Nebraska đối với Đảng Dân chủ. Với tổng cộng 155 phiếu đại biểu của Đảng Cộng hoà và 109 phiếu đại biểu của Đảng Dân chủ, ngày 5/3 vừa qua thường được báo chí gọi là ngày "Siêu thứ Bảy".
Trái với sự áp đảo của tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại ngày "Siêu thứ Ba", "Siêu thứ Bảy" đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Ted Cruz và ứng cử viên Đảng Dân chủ Bernie Sanders.
Sự trỗi dậy của "số hai"
Thứ Bảy vừa qua, Ted Cruz giành chiến thắng tại Maine và Kansas trong khi ông Trump giành hai chiến thắng tại Kentucky và Louisina. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thống đốc bang Ohio John Kasich đều về sau ở cả bốn bang.
Như vậy, ông Cruz thực sự đã giành được nhiều phiếu đại biểu hơn so với ông Trump hôm thứ Bảy, giúp rút ngắn khoảng cách giữa hai ứng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa với số phiếu đại biểu là 384 và 300. Trong các đợt bầu cử sơ bộ diễn ra tại 15 bang và vùng lãnh thổ trước đó, chiến thắng phần lớn thuộc về Donald Trump, đặc biệt, trong ngày “Siêu thứ Ba”, Trump chiến thắng áp đảo tại 8 bang. Với chiến thắng trong ngày “Siêu thứ Bảy” này, ông Cruz được kỳ vọng có thể đuổi kịp và cản đà chiến thắng của Donald Trump.
Theo đánh giá của báo giới, sự vươn lên của Ted Cruz là kết quả từ đợt tổng công kích Donald Trump của giới lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong thời gian qua. Trước đó, một "liên minh chống Trump" đã được hình thành sau ngày "Siêu thứ Ba" với hơn 60 cựu quan chức và chuyên gia an ninh quốc gia thuộc Đảng Cộng hoà với quan điểm cho rằng sẽ là một thảm hoạ cả về đối nội và đối ngoại nếu ông Trump trở thành Tổng thống. Một lý do nữa dẫn đến những thắng lợi của Ted Cruz là 3/4 bang bỏ phiếu ngày 5/3 có quy định chặt chẽ đối với cử tri - chỉ cho phép thành viên của đảng đi bỏ phiếu. Điều này đã hạn chế rất nhiều cử tri tự do, thành phần tại các cuộc bỏ phiếu trước thường ủng hộ ông Trump.
Tuy nhiên, những thành tích của Ted Cruz vẫn chưa thể khiến các nghị sĩ Đảng Cộng hòa yên lòng. Chiến thắng của ứng viên Trump tại Kentucky và Louisina, những bang miền Nam mà ông Ted Cruz rất quan tâm vận động, cho thấy chiến lược của tỷ phú Trump vẫn có hiệu quả. Đồng thời tại những bang tiếp theo, việc bỏ phiếu được cho phép với tất cả cử tri, do đó cơ hội giành phiếu của ông Trump sẽ cao hơn.
Trong ngày "Siêu thứ Bảy", "người được chọn" của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa - Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã có một màn trình diễn quá tệ, khiến ông chỉ còn hy vọng vào một chiến thắng lớn tại hai bang nhà Floria và Ohio. Có thể sau sự kiện này, nội bộ "đàn voi" sẽ quay sang dồn phiếu cho ông Ted Cruz - ứng viên duy nhất của Đảng Cộng hoà khả dĩ có thể đuổi kịp Trump.
Chúc mừng chiến thắng của ông Cruz hôm thứ Bảy, nhất là ở bang Maine "bởi nó gần Canada", ông Trump vẫn cho rằng thành tích ông có được là "tuyệt vời", và nói ông sẽ hạ Ted Cruz ở từng bang một như ở bang New York, Pennsylvania, và California. Ông Trump cũng kêu gọi ông Marco Rubio từ bỏ cuộc đua trong Ðảng Cộng hòa.
Chờ "điều thần kỳ" cản bước bà Hillary
Trong khi đó, về phía Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton vẫn là ứng viên dẫn đầu với số phiếu ủng hộ từ đại biểu là 1.130 phiếu, bỏ xa ứng viên còn lại là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (499 phiếu). Ông Bernie Sanders đã thắng ở hai bang Kansas và Nebraska, trong khi bà Hillary Clinton thắng lớn tại bang Louisiana. Kết quả này đánh dấu lần thứ hai bà Clinton thất bại tại bang Nebraska sau khi bị ông Barack Obama vượt lên trước hồi năm 2008.
Chiến thắng của ông Bernie Sanders tại Kansas và Nebraska không thật sự bất ngờ do đều diễn ra tại những bang có tỷ lệ người da trắng chiếm hơn 85% dân số. Đây được coi là nhóm cử tri thế mạnh của ông Sanders. Trong khi đó, tại Louisana, nơi có sự đa dạng sắc tộc hơn, bà Clinton vẫn giành chiến thắng. Nếu tình hình này tiếp diễn, ứng cử viên Sanders sẽ đủ sức kéo dài cuộc đua với bà Hillary dù rất khó để bắt kịp và vượt lên. Tuy nhiên, đối thủ duy nhất của bà Hillary vẫn sẽ giữ vững quyết tâm đi đến cùng cuộc đua. Hai ứng viên này tiếp tục đối đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang Maine ngày 6/3 trước khi chuyển sự tập trung sang 2 bang Michigan, Mississippi (ngày 8/3) và 5 bang Florida, Illinois, Ohio, Missouri, Bắc Carolina (ngày 15/3).
Nhìn chung, các cuộc bỏ phiếu thuộc “siêu thứ Bảy” đã cho thấy cuộc đua sẽ vẫn là một thách thức ngay với cả các ứng viên hàng đầu của mỗi đảng. Dù không còn nhiều các cuộc bỏ phiếu kín trong lịch của Đảng Cộng hòa, giới phân tích phân tích vẫn cho rằng cuộc đua của Đảng Cộng hòa sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ khi tỷ phú Trump vốn không được lòng trong chính đảng của mình. Trong khi đó, Đảng Dân chủ sẽ chỉ mong chờ một cuộc lội ngược dòng lịch sử từ ông Sanders, nếu không cựu Đệ nhất Phu nhân Hillary Clinton sẽ là người đại diện cho những "chú lừa" Mỹ để tiến vào Nhà Trắng trong năm nay.