Ông Moon Jae-in chỉ đề cập đến mục tiêu là đạt "hoà bình và thống nhất vào năm 2045" đã bị Triều Tiên phê phán và tuyên bố ngừng đàm phán. (Biếm họa của trang shoah.org.uk – Anh) |
Từ nghịch lý ứng xử…
Việc Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tập trận chung khiến Triều Tiên không hài lòng và không thể không thể hiện phản ứng, nhưng phản ứng của Triều Tiên với Mỹ khác so với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại viết thư riêng gửi tổng thống Mỹ Donald Trump khiến ông Trump hết sức phấn khởi và hài lòng trong khi tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ đề cập đến mục tiêu là đạt "hoà bình và thống nhất vào năm 2045" thì đã bị Triều Tiên phê phán nặng nề và tuyên bố ngừng đàm phán.
Trong thời gian ngắn, Triều Tiên lại đã 6 lần phóng tên lửa, trong đó có cả những loại được Triều Tiên ngợi ca là vũ khí hiện đại thế hệ mới, nhưng phía Mỹ không hề tỏ ra lo ngại và cả Hàn Quốc cũng chỉ bận tâm ở mức độ vừa phải. Cả ba đối tác này hành động và phản ứng theo mô thức đã được thể hiện đi thể hiện lại nên không còn gây bất ngờ nữa và diễn biến tình hình vì thế cứ hết dần kịch tính.
Ở thời trước, mỗi lần Triều Tiên phóng tên lửa hay thử hạt nhân hoặc mỗi lần Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung, bất kể tập trận chung đột xuất hay theo kế hoạch đã có từ trước, thì các bên liên quan đều sôi sùng sục. Các bên phê trách lẫn nhau, đe doạ nhau và luôn tỏ ra sẵn sàng leo thang căng thẳng với nhau. Bây giờ, Mỹ và Hàn Quốc tuy vẫn tiến hành tập trận chung nhưng quy mô được giảm đi đáng kể và cách thức tập trận chung được thay đổi để Triều Tiên không còn cảm nhận thấy là bị đe doạ về an ninh nữa. Bây giờ, Triều Tiên vẫn phóng tên lửa nhưng chỉ là những loại tên lửa mà Mỹ không cảm nhận thấy có thể đe doạ an ninh của Mỹ. Kịch này đã được hai bên diễn nhiều lần và sẽ còn được hai bên tiếp tục diễn trong tương lai.
Ở thời trước, Mỹ và Triều Tiên chưa hình thành khuôn khổ và tiến trình đàm phán trực tiếp với nhau nên chỉ có cục diện đối địch giữa Mỹ và Hàn Quốc ở bên này và Triều Tiên ở bên kia. Bây giờ đã định hình một tam giác quan hệ giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, có sự đồng hành của tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và giữa Triều Tiên với Mỹ.
Hai tiến trình này liên quan chặt chẽ với nhau và tương tác lẫn nhau nhưng cũng lại độc lập với nhau ở mức độ nhất định. Mỹ khích lệ Triều Tiên và Hàn Quốc cải thiện quan hệ song phương nhưng xử lý quan hệ với Triều Tiên theo cách riêng và kiểm soát để chuyển biến trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc phục vụ cho việc Mỹ xử lý quan hệ với Triều Tiên chứ không gây tổn hại hoặc cản trở.
Hàn Quốc khích lệ Mỹ và Triều Tiên hoà bình và hoà giải nhưng đồng thời thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Triều Tiên và làm cho tiến triển trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đóng vai trò quan trọng và quyết định trong tiến trình đàm phán hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên.
Còn Triều Tiên chủ trương phân hoá Mỹ với Hàn Quốc để có thể giữ thế chủ động trong vận hành hai tiến trình hoà bình và hoà giải với Mỹ và Hàn Quốc, để dùng tiến trình này tác động tới tiến trình kia sao cho được lợi nhất. Cả ba hiện đều chẳng khác gì chơi bài ngửa với nhau. Mô thức hành xử cũ được vận dụng lại chính vì thế. Kịch cũ diễn đi diễn lại cứ mất dần kịch tính cũng chính vì thế.
… đến ý đồ các bên
Triều Tiên tỏ ra găng với Hàn Quốc nhưng lại không vì cùng lý do ấy mà găng với Mỹ bởi cho rằng, mắc mớ mấu chốt bây giờ đối với Triều Tiên là quan hệ với Mỹ chứ không phải với Hàn Quốc.
Hồi đầu năm 2018, nhờ có sự xích lại gần nhau bất ngờ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên mà tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên mới được khởi động. Bây giờ, điều được Triều Tiên coi trọng và ưu tiên hàng đầu xem ra không phải là đẩy mạnh hơn nữa việc xích lại gần nhau kia giữa Hàn Quốc và Triều Tiên mà là đạt được thoả thuận với Mỹ mà cốt lõi là chuyện phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Cho nên, khi làm găng với Hàn Quốc vừa rồi, Triều Tiên ngầm nhằm vào Mỹ nhiều hơn là Hàn Quốc.
Mục đích của Triều Tiên không chỉ đơn thuần là buộc Mỹ phải quan tâm nhiều hơn đến chuyện trên bán đảo Triều Tiên và nơi đây lại trở thành tâm điểm của chính trị thế giới mà còn không để cho Mỹ và Hàn Quốc duy trì tình trạng nhì nhằng hiện tại trong quan hệ của họ với Triều Tiên. Trong thực chất, tình trạng hiện tại ấy có lợi cho Mỹ và Hàn Quốc nhiều hơn là cho Triều Tiên bởi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn chưa được gỡ bỏ hay nới lỏng. Tình trạng này càng kéo dài thì mức độ bất lợi cho Triều Tiên càng tăng.
Cũng vì thế, Mỹ và Hàn Quốc có thể chủ ý tiếp tục diễn sâu kịch cũ nhưng Triều Tiên thì không thể nếu muốn nhanh chóng khắc phục tình thế bất lợi hiện tại. Kịch cũ cứ diễn mãi không chỉ rồi sẽ nhàm mà còn dễ dàng bị bóc vở. Chỉ có kịch mới thì mới đưa lại kịch tính mới và nhiều khả năng Triều Tiên đã bắt đầu tính đến việc soạn kịch mới này.