Bên cạnh đó, việc giành ngôi vương Euro 2016 của đội tuyển Bồ Đào Nha trở thành một cú huých đối với ngành du lịch của quốc gia này.
Bồ Đào Nha hưởng lợi từ Euro 2016
Chiến thắng của Cristiano Ronaldo và đồng đội của danh thủ này có thể không trực tiếp đưa kinh tế Bồ Đào Nha qua “cơn bĩ cực” song khoản tiền thưởng lên đến 25,5 triệu USD của UEFA và những lợi thế về du lịch sẽ là những điểm cộng lớn.
Daniel Sa, Giám đốc Viện Quản lý chiến lược Marketing (IPAM) Bồ Đào Nha, nhận định cái tên Bồ Đào Nha cùng các thương hiệu của nước này đã được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, vượt xa những nỗ lực trước đó của chính phủ nhằm quảng bá và tiếp thị về hình ảnh đất nước.
Bồ Đào Nha hiện đang phải đối mặt với án phạt của Liên minh châu Âu (EU) lên đến 400 triệu USD vì không đạt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách dưới mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quy định của EU, cũng như không có các biện pháp đối phó phù hợp.
Theo ước tính của IPAM, chiến thắng lịch sử của Bồ Đào Nha có thể mang về cho nền kinh tế nước này 609 triệu Euro. Trong đó, những lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, quán café, các hãng du lịch, quảng cáo, truyền thông, siêu thị và thể thao đã phần nào cảm nhận được “sức nóng” khi hoạt động kinh doanh trở nên nhộn nhịp hơn.
Nhiều du khách tìm đến Bồ Đào Nha như là một điểm đến an toàn. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, Giám đốc Sa vẫn thận trọng cảnh báo rằng chức vô địch bóng đá châu Âu, mặc dù có thể giúp cải thiện niềm tin của giới đầu tư, song không phải là một phép màu giúp giải quyết các vấn đề về tài chính của nền kinh tế nước này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Bồ Đào Nha sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay.
Lợi thế thuộc về Italy và Tây Ban Nha
Ngành du lịch Italy và Tây Ban Nha đang đứng trước những cơ hội lớn khi nhiều quốc gia trong khu vực đang trải qua những bất ổn an ninh trầm trọng.
Các địa danh vốn được ưa chuộng như Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và cả khu vực Bắc Phi nói chung giờ đây đã nằm ngoài kế hoạch tham quan, nghỉ dưỡng của hầu hết các du khách. Vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 vừa qua đã làm nhiều công ty lữ hành phải chuyển khách hàng qua các đường bay khác, cho dù đây chỉ là điểm quá cảnh. Tính đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 80-90% lượng du khách so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, vụ khủng bố hôm 14/7 tại Nice (Pháp) cũng đang khiến ngành du lịch nước này lao đao. Hy Lạp, đất nước của những vị thần trong huyền thoại, dường như đang bận bịu với việc tiếp nhận người nhập cư hơn là thu hút du khách. Theo các công ty du lịch, tại châu Âu, cơ hội trong mùa Hè này đang thuộc về Italy và Tây Ban Nha. Theo số liệu thống kê, ngay sau ngày 14/7 vừa qua, lượng khách đặt tour đến Pháp vào tháng 11 tới đã giảm hơn 50%. Rất nhiều chương trình đến khu vực Côte d'Azur mà Nice là trung tâm đã bị hủy bỏ ngay sau ngày xảy ra tấn công khủng bố.
Trong khi đó, nhu cầu đến Tây Ban Nha, Italy, quần đảo Canari đã tăng từ 30-35%. Giới kinh doanh du lịch Italy đang hy vọng rằng nước này sớm sẽ trở lại trong top 5 điểm đến hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Assoviaggi-Confesercenti, Italy, Gianni Rebecchi cho biết thị trường Bắc Phi giờ đây đã kém hấp dẫn, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn là một điểm trung chuyển sang các điểm đến ở châu Á và Ấn Độ Dương.
Theo ông Pier Ezhaya, Phó Chủ tịch Hiệp hội giới chủ ngành du lịch Italy, với những bất ổn về chính trị, ngay từ năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã nằm ngoài danh sách điểm đến của du khách, mặc dù có những địa danh rất hấp dẫn như Antalya hay Bodrum.