Khi các Đại sứ được cử ra nước ngoài công tác, không phải lúc nào họ cũng trở nên nổi bật và được truyền thông quan tâm. Chính vì vậy mà các phu nhân, phu quân của các Đại sứ lại càng ít có cơ hội nói về mình, đặc biệt là vai trò của họ trong công tác ngoại giao.
Từ nhà thuyết minh nghiệp dư…
Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm, Bộ Ngoại giao đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các phu nhân, phu quân của cán bộ ngoại giao trước một nhiệm kỳ công tác nước ngoài. Nhưng, không phải điều gì cũng có trong giáo án của các khóa đào tạo này. Điển hình trong số đó có thể đến kỹ năng… thuyết minh phim.
Lãnh đạo PVEP tặng quà lưu niệm cho Đại sứ Hà Thị Ngọc Hà - người đã có nhiều công lao đối với dự án dầu khí của PVEP tại Amazon (4/2014) |
Thoạt nghe, có lẽ độc giả sẽ bật cười bởi làm ngoại giao, kể cả ngoại giao văn hóa thì có liên quan gì đến phim ảnh mà phải cần biết thuyết minh phim. Ấy thế mà bà Hà Thị Ngọc Hà - phu nhân Đại sứ Đào Thành Chung lại từng hai lần trở thành nhà thuyết minh phim “bất đắc dĩ” ở Saudi Arabia và Ai Cập.
Nhớ lại nhiệm kỳ công tác của Đại sứ Đào Thành Chung tại Saudi Arabia, dù không đi nhiệm kỳ theo chồng vì còn phải đảm nhiệm công tác ở trong nước, nhưng mỗi năm bà Ngọc Hà đều thu xếp sang Riyadh ít nhất một lần. “Có thể nói, Saudi Arabia là quốc gia hà khắc nhất trong số những quốc gia đạo Hồi. Ở đó có cảnh sát tôn giáo, thậm chí nam nữ đi cùng nhau ra đường mà không phải vợ chồng cũng bị bắt, nếu là người nước ngoài thì bị trục xuất… Chính vì vậy mà các hoạt động văn hóa tập thể gần như không có gì, xem phim lại càng không” - bà Hà kể lại.
Thế rồi, một ý định táo bạo nảy ra trong đầu vị nguyên Đại sứ Việt Nam tại Chile, kiêm nhiệm Peru và Ecuador này. Nhân dịp hội các phu nhân đại sứ ở Riyadh tổ chức sinh hoạt thường kỳ và đúng đến lượt phu nhân Đại sứ Việt Nam đứng ra tổ chức, bà Ngọc Hà quyết định tổ chức chiếu phim tại Đại sứ quán. Bộ phim được chọn để trình chiếu là Áo lụa Hà Đông.
Nghĩ là làm. Bà Ngọc Hà liên hệ về Việt Nam để có được bản sao của bộ phim, rồi bỏ thời gian ngồi dịch từng câu thoại trong phim sang tiếng Anh. Cẩn thận hơn, bà chuyển nội dung cho con gái đang học ở Mỹ để nhờ hiệu đính. Bà Ngọc Hà nhớ lại: “Thời gian khá gấp gáp nên có bản dịch rồi, tôi bắt tay ngay vào việc tập thuyết minh cho khớp với lời các nhân vật trong phim. Tôi đứng trước tivi, tập đọc từng câu thoại bằng tiếng Anh sao cho khớp với khẩu hình của nhân vật. Khi đã đọc khớp rồi, tôi tập diễn đạt sao cho truyền cảm nhất”.
Hai tuần làm việc miệt mài nhanh chóng trôi qua và ngày chiếu phim đã đến. Bà Ngọc Hà chia sẻ: “Bộ phim dài khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ, cũng là 1 tiếng rưỡi tôi sống cùng từng khoảnh khắc, từng tình tiết trong phim. Chưa có bộ phim nào mà tôi xem nhiều lần đến thế. Đến giờ, tôi vẫn thuộc lời thoại của phim”.
Phim chiếu xong, đèn phòng chiếu bật sáng. Thật bất ngờ và xúc động khi sự ồn ào, náo nhiệt lại thay bằng sự im lặng đến sững sờ khi mắt ai nấy đều đỏ hoe. Phu nhân đại sứ các nước chia sẻ rằng, chưa bao giờ họ được biết thân phận người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh lại cơ cực đến vậy. Sau buổi chiếu phim, các phu nhân đều đề nghị được xin bản sao bộ phim có phần thuyết minh tiếng Anh để họ chiếu tại sứ quán của mình.
Đó không phải lần duy nhất bà Ngọc Hà làm thuyết minh phim. Năm 2014, khi Đại sứ Đào Thành Chung nhận nhiệm vụ công tác tại Ai Cập, bà cũng thu xếp tới Cairo 1 năm. Trong thời gian đó, bà có dịp tham gia các hoạt động vô cùng sôi nổi của hội phu nhân đại sứ tại đây. “Thật không ngờ, tôi lại có ý định tổ chức chiếu phim và lần này là bộ phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh” – bà nói. Và, phần thưởng lớn nhất cho bà sau những nỗ lực vất vả chính là thông điệp của bộ phim, giúp các bạn quốc tế hiểu hơn về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
…đến đầu bếp trên truyền hình
Ở các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, khi tổ chức tiệc chiêu đãi, việc các phu nhân trổ tài bếp núc là điều rất bình thường. Thế nhưng, làm đầu bếp truyền hình trước hàng triệu khán giả, có lẽ bà Lương Lệ Hiền – phu nhân Đại sứ Nguyễn Văn Kiền là một trong số ít.
Tôi gặp bà Hiền khi ông bà vừa trở về nước sau khi hoàn thành nhiệm kỳ công tác tại Brazil. Với bà, những kỷ niệm trong hơn 3 năm hoạt động vô cùng sôi nổi như vừa diễn ra ngày hôm qua. Bà Hiền kể: “Người dân ở đó có thể hình to béo nên họ rất ngạc nhiên khi thấy đa số người Việt đều có vóc dáng thanh mảnh. Khi được giới thiệu về các món ăn truyền thống của Việt Nam như nem, phở… họ rất thích thú và hiểu lý do để có vóc dáng nhỏ gọn, khỏe mạnh chính là khẩu phần ăn. Chính vì thế, kênh truyền hình TV Supren đã quyết định làm chuỗi chương trình giới thiệu về ẩm thực Việt Nam. Và, người được kênh truyền hình này chọn làm MC cho chương trình chính là phu nhân Đại sứ Việt Nam”.
Bà Lương Thị Hiền (hàng trên, thứ 5 từ trái qua) chụp ảnh cùng ekip chương trình Ẩm thực Việt Nam của kênh TV Supren. (Anh: T.L) |
Nhớ lại quá trình chuẩn bị “lên sóng”, bà Lệ Hiền cho biết: “Ở Brazil, việc khó khăn nhất là đi tìm các nguyên liệu tươi cho món nem. Vì thế, riêng việc đi chợ đã mất trọn một ngày. May mắn là Đại sứ quán luôn dự trữ các nguyên liệu khô như bún, phở, miến, mộc nhĩ… mang từ Việt Nam sang. Từ tối hôm trước, tôi đã sơ chế các nguyên liệu để hôm sau chúng tôi chỉ việc quay, tiết kiệm thời gian cho phía bạn”.
Theo bà Lệ Hiền, làm một chương trình truyền hình về ẩm thực, việc chuẩn bị đủ các gia vị chỉ là điều kiện cần. Bà muốn “trường quay” cũng phải truyền đi được thông điệp ấn tượng về Việt Nam. Theo ý tưởng của phu nhân Đại sứ, các bức tranh Việt Nam được treo ở các vị trí hợp lý ở phông nền phía sau và đôi chỗ được bố trí thêm những lọ hoa theo phong cách rất… Hà Nội.
Sáng hôm đó, sau khi trang điểm cẩn thận và diện áo dài, phu nhân Đại sứ Nguyễn Văn Kiền xuất hiện trước ống kính máy quay trong sự trầm trồ của cánh phóng viên. Đèn bật lên, máy quay bắt đầu chạy, người ta thấy bà vừa thoăn thoắt giới thiệu các công đoạn làm món nem, vừa giải thích ý nghĩa của các nguyên liệu đối với sức khỏe, vẻ đẹp của con người…
Phần trình bày của bà được một nhân viên của Đại sứ quán dịch trực tiếp sang tiếng Anh và được phóng viên của TV Supren chuyển ngữ sang tiếng Bồ Đào Nha – ngôn ngữ chính thức của Brazil. Bà Lệ Hiền chia sẻ: “Dù chưa bao giờ đứng nói trước ống kính máy quay, nhưng khi đó, tôi cảm thấy sứ mệnh của mình thật lớn lao khi đang giới thiệu một nét văn hóa đẹp của Việt Nam tới hàng triệu khán giả sở tại. Tôi cũng ngạc nhiên khi thấy mình đã “diễn” khá trôi chảy trong suốt 2 tiếng đồng hồ”.
Vốn rất chỉn chu trong công việc, Đại sứ Nguyễn Văn Kiền luôn nhắc nhở các nhân viên rằng, dù là ai, làm việc ở vị trí nào trong Sứ quán, mỗi người đều là đại sứ của Việt Nam trong mắt bạn bè sở tại. Tinh thần đó đã được không chỉ phu nhân Đại sứ lĩnh hội và phát huy triệt để, mà còn được tất cả các nhân viên trong cơ quan hưởng ứng.