📞

Báo chí Việt Nam trong thời kỳ khoa học kỹ thuật số

16:47 | 20/06/2016
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các cơ quan báo chí Việt Nam đang phải gánh trên vai mình nhiều nhiệm vụ hơn bao giờ hết.

Phát huy truyền thống vẻ vang của mình, có thể nói, ngành Báo chí Cách mạng nước ta vẫn đang tiếp tục tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Có một “binh chủng đặc biệt”

Báo chí Cách mạng ra đời xuất phát từ yêu cầu của Cách mạng và thực tế sinh động. 91 năm qua (21/6/2015-21/6/2016), lịch sử và truyền thống phát triển cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách khác nhau do những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh … công tác báo chí vẫn luôn bám sát thực tiễn để đưa ra những phân tích, đánh giá sâu sắc, toàn diện tình hình, dự báo các khả năng, tình huống có thể xảy ra, góp phần giúp cơ quan có thẩm quyền ban hành những chính sách, giải pháp quan trọng. Nhờ đó, những hành động phù hợp được đưa ra nhằm ngăn chặn đà suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thu nhập, nhà ở, lao động, việc làm, môi trường.

Báo chí Cách mạng Việt Nam là lực lượng đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Nguồn: Tienphong)

Các cơ quan báo chí Việt Nam vừa phải chủ động, nỗ lực giải quyết những khó khăn của chính mình do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, vừa nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác tuyên truyền trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế đất nước để từ đó thể hiện vai trò của một “binh chủng đặc biệt” trên mặt trận nóng bỏng không biên giới, thực sự làm cho công tác tư tưởng đi trước một bước trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Dù trong điều kiện khó khăn, những đề cập phân tích, phản ánh từ phía báo chí tới Đảng, Chính phủ giúp các nhà lãnh đạo đất nước kịp thời nhận biết các vấn đề cần quan tâm, nhất là những bất cập liên quan quá trình thực hiện các nhóm giải pháp do Chính phủ chỉ đạo, điều hành, như: giải ngân nguồn vốn kích cầu đầu tư và tiêu dùng; khai thác tiềm năng thị trường trong nước, điều hành tỷ giá, chương trình nhà ở xã hội, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.... Không chỉ có vậy, những kiến nghị, những giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao cũng thường xuyên được cập nhật và ngày càng có tác động mạnh tới xã hội.

Động lực thúc đẩy đất nước phát triển

Nhiều sự kiện chính trị, các nội dung, chủ đề, vấn đề quan trọng như Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng, 41 năm Đại thắng mùa xuân 1975, 126 năm Ngày sinh Bác Hồ gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng … luôn được các cơ quan báo chí cũng đã tuyên truyền một cách tích cực, sáng tạo, sinh động trên cơ sở khai thác, phát huy cao độ lợi thế của các loại hình báo chí, báo giấy và báo điện tử giúp tạo nên hiệu quả, hiệu ứng tuyên truyền to lớn, nêu cao truyền thống anh hùng; làm sống lại một thời những sự kiện lịch sử hào hùng của đất nước.

Qua đó, các lý tưởng cao đẹp được bồi đắp, nuôi dưỡng, giáo dục và đến với công chúng nhất là thế hệ trẻ một cách dễ dàng nhất. Không chỉ có vậy, việc này cũng đồng thời tạo không khí phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới của đất nước...

Bên cạnh công tác chuyên môn, nhiều cơ quan báo chí tham gia tích cực và hiệu quả vào công việc từ thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, đổ mồ hôi, sôi nước mặt, cùng lăn lộn với nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng khó khăn của đất nước.

Gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo chí Cách mạng Việt Nam không chỉ góp phần rất quan trọng vào thành công của sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, mà qua đó còn tạo điều kiện và môi trường vì một nền báo chí đổi mới, phát triển mạnh mẽ và toàn diện, trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Vì lợi ích quốc gia

Đồng hành cùng đất nước trong tiến trình hội nhập, Báo chí Việt Nam ngày càng trưởng thành, vươn tầm ảnh hưởng, góp phần vào sự phát triển toàn diện của đất nước và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các quốc gia trên thế giới.

Không chỉ coi trọng việc phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương người tốt việc tốt… các cơ quan báo chí Việt Nam còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, hủ tục, mâu thuẫn xã  hội, phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại cuộc gặp gần đây với các nhà báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, báo chí cần thực hiện tốt sứ mệnh của mình, bảo đảm thông tin nhanh nhạy, khách quan, trung thực, luôn theo sát từng biến động trong dòng chảy đời sống xã hội, nhất là đời sống kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn báo chí làm tốt hơn vai trò là diễn đàn chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh, động viên các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy sáng tạo, đổi mới cách làm, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt, đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Việt Nam đang đứng trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi những người làm báo không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới, nâng tầm sử dụng công cụ kỹ thuật số, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin.

Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, khách quan, vô tư của nhà báo vì lợi ích của quốc gia, công bằng, lẽ phải, khơi dậy tinh thần đoàn kết, sẻ chia, phản biện xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, văn hóa ngày càng phát triển, văn minh.