Các quan chức của VFF và một bộ phận dư luận dường như đang quay lưng với những nỗ lực của HLV Miura. |
Sau khi bầu Đức công khai đưa ra nhận xét “với tư cách cá nhân” về HLV Miura và đòi sa thải nhà cầm quân người Nhật thì một bộ phận dư luận đã tán thành quan điểm này. Điều đó vô hình trung tạo ra áp lực lên đội tuyển U23 đang tập trung tại Hà Nội.
Phiên bản Falko Goetz thứ hai
Dưới thời HLV Miura, đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia đã thi đấu khởi sắc hơn hẳn. Về mặt thành tích và thông số, vị chiến lược gia này cũng chẳng đến nỗi kém. Ông đã đưa ĐT U23 Việt Nam vào vòng chung kết U23 châu Á; giúp đội tuyển Olympic vào vòng knock-out ASIAD; giành huy chương đồng SEA Games 28 và vào bán kết AFF Cup. Thái độ thi đấu và thể lực của các cầu thủ được cải thiện đáng kể.
Nhưng có một điều khá lạ là VFF dường như không quan tâm nhiều đến việc tạo điều kiện cho các HLV làm việc. Sau khi đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi bán kết AFF Cup 2014, HLV Miura đã về Nhật nghỉ phép. Trong thời gian ấy, hàng loạt thông tin (như thể có một chiến dịch hẳn hoi) theo hướng bất lợi cho ông thầy người Nhật Bản đã xuất hiện.
Đầu tiên là việc ông Chủ tịch VFF nói thẳng đến chuyện phải sử dụng cầu thủ như thế nào của đội tuyển U23 ở SEA Games. Tiếp đến là chuyện HLV Miura có thể không được làm việc tại SEA Games 28.
Đã từng có tin đồn rằng danh sách các cầu thủ tham dự SEA Games 28 được lập khi HLV Miura vẫn còn nghỉ phép tại Nhật. Danh sách ấy bê nguyên thành phần của đội tuyển U19 năm 2014 (cộng thêm mấy cầu thủ khác cho thêm gia vị). May mà Hoàng Anh Gia Lai của lứa “U19+” đã thua dễ Đồng Tâm Long An. Có mặt trên khán đài hôm đó có đủ mặt, từ HLV Miura, cho đến Chủ tịch và Phó Chủ tịch của VFF đang nhỏ to với nhau về chuyện đưa “gà nòi” lên tuyển? Họ đã ngồi đó để chứng kiến tận mắt khả năng cầm quân của HLV Graechen.
Còn nhớ, HLV Falko Goetz từng được đánh giá là không có lỗi trong thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 26. Tuy nhiên, khi đang nghỉ phép tại quê nhà thì ông đột ngột nhận được tin (qua điện thoại!) rằng mình bị sa thải vì không hoàn thành nhiệm vụ.
Dĩ nhiên, khó có chuyện sa thải ông Miura vào lúc này vì ông vẫn đang được lòng dư luận. Song, việc tung tin liên tiếp theo kiểu thăm dò dư luận không phải là không có chủ đích.
Những áp lực vô lý
HLV Miura có thể chưa thể làm chúng ta hài lòng, thậm chí nói như bầu Đức hay chuyên gia Lê Thụy Hải là HLV kém cỏi cần phải thay thế. Nhưng xét về lý, bầu Đức và ông thầy người Nhật đang ngồi trên cùng một con thuyền. Hơn nữa HLV Miura là người VFF đã “đặt hàng”, nhờ Liên đoàn bóng đá Nhật Bản hỗ trợ.
Hợp đồng với Miura không có các điều khoản liên quan đến thành tích. Vì thế, không thể có chuyện một lãnh đạo của VFF lại công khai đòi sa thải HLV chỉ để đáp ứng đòi hỏi của một bộ phận dư luận, đòi hỏi đưa phần lớn các cầu thủ của một đội bóng đứng rất thấp trên bảng xếp hạng V-League vào đội tuyển. Hẳn là ông ta biết rằng, việc cư xử thiếu công bằng với người được chính mình mời đến và giao phó hy vọng là điều không phải cả về lý lẫn tình.
Đó là chưa kể, việc công khai chê bai một cách “vỗ mặt” và gay gắt như thế trong lúc HLV Miura đang cùng học trò miệt mài chuẩn bị cho giải đấu lớn sắp tới còn ảnh hưởng đến vấn đề ngoại giao giữa các nền bóng đá với nhau. Nếu muốn đội tuyển thay đổi, muốn “người làm thuê” thay đổi, các ông chủ hoàn toàn có thể trao đổi, góp ý thẳng thắn để tìm ra tiếng nói chung và hướng giải quyết, chứ không nên gây áp lực bằng dư luận như vậy.
N.X.H