📞

Bảo hộ công dân: Chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả

08:49 | 14/08/2018
“So với những năm trước, công tác bảo hộ giai đoạn này ghi nhận những vụ việc chưa từng có tiền lệ, hết sức phức tạp, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận...”, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh trong trả lời TG&VN nhân dịp Hội nghị Ngoại giao 30.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật và những điểm mới của công tác bảo hộ công dân từ Hội nghị Ngoại giao 29 (2016) đến nay?

Hai năm kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 (HNNG) là khoảng thời gian đầy biến động với nhiều diễn biến phức tạp trên cả bình diện quốc tế và khu vực, tác động trực tiếp đến công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đáng chú ý là diễn biến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng di cư ở châu Âu, tình trạng bất ổn ở Trung Đông v.v.

Ngoài ra, tình trạng tàu cá, ngư dân thường xuyên vi phạm vùng biển các nước Đông Nam Á (ĐNA) và Nam Thái Bình Dương (TBD), sự gia tăng hoạt động của các nhóm cướp có vũ trang tại một số vùng biển, tuyến hàng hải có nhiều tàu thuyền của Việt Nam qua lại, tình trạng lao động tự do, xuất cảnh hoặc cư trú ở nước ngoài trái phép v.v. cũng là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến công tác bảo hộ công dân (BHCD) thời gian qua.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Minh Vũ trao chứng nhận Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Czech cho ông Phạm Trường. (Ảnh: Trung Hiếu)

Trước bối cảnh đó, công tác BHCD kể từ sau HNNG 29 đã đạt được một số kết quả nổi bật trên nhiều phương diện. Về lượng, hơn 16.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài (tăng khoảng 57% so với giai đoạn 2014-2016), 608 tàu/5.197 ngư dân đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo hộ; đưa về nước an toàn gần 2.000 ngư dân, số lượng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó 1.162 ngư dân được đưa về nước trong 3 đợt bằng tàu công vụ; thực hiện bảo hộ cho 26 doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế.

So với những năm trước, công tác BHCD giai đoạn này ghi nhận những vụ việc chưa từng có tiền lệ, hết sức phức tạp, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận như việc các tàu biển của ta bị cướp biển tấn công và thuyền viên bị giữ làm con tin; việc công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và xét xử tại Malaysia...

Bên cạnh đó, các Cơ quan đại diện Việt Nam (CQĐD) tại quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan đã triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó khủng hoảng, thực hiện công tác tìm kiếm, hỗ trợ công dân Việt Nam tại nước ngoài trong các vụ động đất, thiên tai, hỏa hoạn hoặc khủng bố, tai nạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra một cách bất thường ở nhiều nơi trên thế giới.

Một số vụ việc điển hình đáng ghi nhận về bảo hộ công dân tại các CQĐD

• Đưa về nước an toàn 03 thuyền viên trên tàu Naham3 bị hải tặc Somalia bắt từ năm 2012 và 03 tàu hàng Royal 16 (11/11/2016), Giang Hải (19/2/2017) và Phú An 268 (6/3/2017) bị cướp biển tấn công tại cùng khu vực Sulu thuộc vùng biển tiếp giáp giữa Philippines và Malaysia;

• Đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tàu cá/ngư dân trong vụ 02 ngư dân Việt Nam bị lực lượng Cảnh sát biển Philippines bắn chết ngày 23/9/2017, vụ tàu Cảnh sát biển Thái Lan đuổi bắn các tàu cá tỉnh Kiên Giang làm chết 01 và bị thương 02 ngư dân ngày 11/9/2015.

• Triển khai kịp thời các biện pháp bảo hộ đối với các nạn nhân người Việt Nam trong vụ cháy tòa nhà 13 tầng ở quận Ratchathewi, TP. Bangkok, Thái Lan làm 03 người chết, 61 người bị thương ngày 03/4/2018.

• Kịp thời khuyến nghị, lưu ý và hỗ trợ các cổ động viên Việt Nam tham gia các sự kiện thể thao lớn ở nước ngoài như Vòng chung kết U23 Châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc tháng 01/2018, Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2018) tại Liên bang Nga.

• Nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết trong vụ việc du học sinh Việt Nam bị tử vong tại Đức vào tháng 3 năm 2017, các cơ quan đại diện tại địa bàn có liên quan như Tổng Lãnh sự quán ta tại Frankfurt, Đại sứ quán ta tại Phần Lan, đã chủ động đề nghị Chi nhánh Hãng hàng không Vietnam Airlines tại Frankfurt, trường đại học tại Phần Lan và Đức hỗ trợ vé máy bay, tài chính và chi phí thuê khách sạn khi gia đình sang Đức giải quyết hậu sự.

• Chủ động phối hợp với công ty tiếp nhận lao động, công ty phái cử và cơ quan chức năng sở tại đưa người bị thương vào bệnh viện cứu chữa kịp thời, đưa thi hài nạn nhân bị tử vong về nước, cử cán bộ tham dự các phiên Tòa xét xử, hỗ trợ các thủ tục cho người nhà nạn nhân được nhận tiền bồi thường lên đến 137,844 USD, tương đương hơn 3 tỷ đồng, trong vụ tai nạn lao động tại Qatar vào tháng 10 năm 2016 khiến 02 người bị tử vong và 04 người bị thương.

Mặt khác, công tác BHCD cũng ghi nhận sự tăng cường, chủ động trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân, doanh nghiệp để có thể tự bảo vệ lợi ích của bản thân, tránh rơi vào tình huống bất lợi khi ở nước ngoài cũng như kịp thời thông báo, liên hệ với CQĐD Việt Nam khi gặp khó khăn.

Kể từ sau HNNG 29 đến nay, đã có 151 bản tin bảo hộ công dân, bao gồm cả các nội dung về cảnh báo, khuyến cáo đi lại đã được cung cấp cho báo chí dưới dạng tin phát của BNG cũng như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự (www.lanhsuvietnam.gov.vn) và chuyên mục Tin bảo hộ công dân trên cổng thông tin của BNG.

Ngoài ra, trang thông tin của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng cường cập nhật, đăng tải khuyến cáo đi lại cho công dân khi xảy ra tình huống khủng hoảng tại địa bàn như tại Maldives, chiến sự tại Syria, khủng bố tại Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. Theo đề nghị của BNG, từ đầu năm 2018, mạng Viettel đã gửi hơn 450.000 tin nhắn thông báo số Tổng đài bảo hộ công dân +84.981848484 đến tất cả các máy di động chuyển vùng quốc tế của Viettel (roaming) khi ra nước ngoài, qua đó, giúp số lượng tiếp nhận, giải đáp và xử lý của Tổng đài đạt hơn 2400 cuộc gọi, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2017, với hiệu quả trả lời các cuộc gọi của nhân viên tổng đài đạt gần 99%. Trong thời gian tới, BNG tiếp tục làm việc với Vinaphone và Mobiphone để triển khai biện pháp tương tự cũng như cung cấp hotline của CQĐD nơi công dân đến.

Theo ông, các CQĐD Việt Nam tại nước ngoài có những đóng góp quan trọng nào để làm tốt công tác BHCD?

Thời gian qua, với sự tích cực, chủ động của các CQĐD và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong và ngoài nước, việc thực hiện các nhiệm vụ mà Hội nghị Ngoại giao 28, 29 đặt ra đối với công tác BHCD đã được triển khai theo kế hoạch hành động dưới sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, các đồng chí Lãnh đạo Bộ và hướng dẫn kịp thời, cụ thể của Cục Lãnh sự.

Nhiều biện pháp nghiệp vụ đã được các CQĐD chủ động triển khai, góp phần tích cực, hiệu quả cho công tác BHCD, có thể kể đến như: thường xuyên trao đổi với cơ quan chức năng sở tại tạo thuận lợi cho công dân ta sinh sống, học tập, làm ăn hợp pháp, kịp thời bảo hộ công dân bị bắt, tạm giữ, tạm giam do vi phạm pháp luật sở tại; hỗ trợ, giúp đỡ đối với trường hợp gặp khó khăn; giải quyết đưa thi hài, tro cốt người bị tử vong; vận động, quyên góp hỗ trợ chi phí hỏa thiêu, vận chuyển đưa tro cốt/thi hài công dân bị tử vong về nước; hỗ trợ tối đa cho gia đình các nạn nhân trong quá trình làm thủ tục tiếp nhận; vận động hội đoàn người Việt hỗ trợ tích cực cho công tác BHCD; cử cán bộ tham dự các phiên Tòa để bảo vệ quyền lợi cho người lao động và yêu cầu phía chủ sử dụng lao động, công ty bảo hiểm bồi thường cho công dân khi gặp tai nạn lao động; đưa tin khuyến cáo công dân và cử cán bộ trực số điện thoại đường dây nóng 24/7 để kịp thời có biện pháp bảo hộ trong tình huống khủng hoảng v.v.

Các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần giải quyết nhiều vụ việc, được thân nhân, gia đình công dân Việt Nam gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao.

Trong thời gian tới công tác BHCD gặp những thách thức gì và Bộ Ngoại giao sẽ làm gì để tăng cường hơn nữa công tác này?

Về cơ bản, công tác BHCD thời gian qua đáp ứng sự quan tâm của dư luận, sự mong đợi của người dân và sự kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, với tính chất đa dạng, phức tạp, nhạy cảm của các vụ việc liên quan đến công dân, pháp nhân Việt Nam xảy ra ở nước ngoài, công tác BHCD còn nhiều thách thức trong thời gian tới.

Trung bình hàng năm có hơn 9 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau như lao động, du lịch, thăm thân... với điểm đến là nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Cùng với đó, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp đòi hỏi Nhà nước (Bộ Ngoại giao) bảo hộ công dân tốt hơn nữa khiến khối lượng công việc tăng cao. Trong khi đó, hiện ta chỉ có 94 CQĐD, nhiều cơ quan kiêm nhiệm các địa bàn khác nhau với số lượng 5-7 cán bộ, mỗi cán bộ phải thực hiện nhiều chức năng khác. Mặt khác, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khả năng phát sinh các tình huống khủng hoảng luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là các thách thức lớn đối với công tác BHCD trong thời gian tới. Do vậy, việc tiếp tục xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh sự vừa tinh thông nghiệp vụ vừa tinh gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công việc là điều hết sức cấp thiết.

Về kinh phí, Quỹ BHCD và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, tuy nhiên đây mới chỉ là nguồn hỗ trợ theo nguyên tắc tạm ứng để giải quyết các sự cố, công dân có nghĩa vụ hoàn trả chi phí Quỹ đã tạm ứng. Các khoản hỗ trợ không hoàn lại từ Quỹ thường áp dụng cho những trường hợp bảo hộ thực sự đặc biệt, chi phí thấp. Nhiều trường hợp, các CQĐD rất khó khăn trong thu xếp nơi ăn ở, chữa bệnh, xử lý hậu sự hoặc hỗ trợ pháp lý cho công dân ta trong các vụ án ở nước ngoài. Do vậy, ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, Quỹ BHCD và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài rất cần sự tài trợ, đóng góp nhiều hơn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Để làm tốt hơn nữa công tác BHCD trong thời gian tới, BNG sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong BHCD mạnh mẽ hơn, ví dụ như triển khai hệ thống đăng ký công dân điện tử, nâng cấp một số dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Cùng với đó, BNG sẽ tiếp tục nghiên cứu về khả năng xây dựng Trung tâm xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, BNG sẽ tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp một cách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả cũng như thông tin nhanh chóng về các biện pháp đã và đang thực hiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và sự quan tâm của dư luận đối với công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Nguyễn Minh Vũ

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao,

Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao

(thực hiện)