PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng bạo lực học đường ngày càng trẻ hóa. |
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc.
Nhìn chung, diễn biến của bạo lực học đường khá phức tạp, số vụ có nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ tham gia, xảy ra cả trong và ngoài trường học, khiến ngành giáo dục lo lắng, tìm mọi cách để cùng các địa phương xử lý. Nhiều vụ bạo lực ở tuổi vị thành niên khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, vậy căn nguyên từ đâu?
Nỗi lo bạo lực ngày càng "trẻ hóa"
Gen Z và Gen Alpha đang sống trong một thế giới VUCA với nhiều căng thẳng và hoang mang. Có thể nói, sống trong thế giới kết nối Internet 24/7 đang bào mòn sức khỏe tâm thần của các em. Một thế giới mà ai cũng bận rộn và quá tải bởi rất nhiều thông tin, trong đó phần nhiều lại là những thông tin tiêu cực, những hình ảnh bạo lực làm “mồi” kích động cho những hành vi bạo lực.
Những đứa trẻ Gen Z, Alpha là thế hệ chìm đắm trong thế giới ảo, hy sinh những mối quan hệ trong đời thực để ưu tiên cho các tương tác trên mạng. Từ đó dẫn đến thiếu hụt những kỹ năng xã hội, thiếu sự thấu cảm, kỹ năng giải quyết vấn đề thân thiện và hiệu quả.
Thói quen giao tiếp của những đứa trẻ giờ đây cũng ưu tiên về tốc độ, giao tiếp bằng biểu tượng, loại bỏ những câu từ lịch sự do hạn chế việc gõ chữ nên rất dễ hiểu lầm nhau. Vì thế, chỉ cần những xích mích va chạm nhỏ cũng có thể trở thành mâu thuẫn lớn.
Trong khi đó, cha mẹ ngày càng thiếu thời gian cho con, mối quan hệ trong gia đình gãy vỡ… Đồng thời, nhiều bậc cha mẹ vẫn sử dụng bạo lực với con cái và trở nên xa cách hơn với con về cảm xúc. Đứa trẻ gánh trách nhiệm phải trở nên giỏi giang, thành công theo cách mà cha mẹ muốn.
Từ những nghiên cứu cho thấy, bản thân những trẻ đi bắt nạt và bạo lực cũng có những khó khăn tâm lý, có nhiều nhu cầu về cảm xúc không được đáp ứng trong gia đình và cuộc sống. Ví dụ, chúng có nhu cầu muốn bản thân phải nổi bật, muốn đứng lên trên những người khác và cảm thấy bản thân được chấp nhận và khen ngợi hành vi. Đó là nhu cầu về quyền lực, muốn cảm thấy mạnh mẽ hơn so với bạn bè của mình. Các em luôn tìm kiếm cách thức để tạo ra một bản sắc riêng và danh tiếng đặc biệt trong nhóm đồng trang lứa. Các em không ngừng tìm kiếm những cảm giác cũng như trải nghiệm mới.
Nói đúng hơn, những đứa trẻ có xu hướng bạo lực thường thiếu hụt các kỹ năng nhận diện và diễn giải vấn đề một cách khách quan; giải quyết vấn đề linh hoạt mềm dẻo, thường nhận diện cảm xúc người khác và xu hướng quy gán hành vi của người khác mang tính thù địch và đổ lỗi do tiếp xúc quá nhiều với những chất liệu bạo lực. Về cơ bản, trẻ liên tục nhận những ứng xử bạo lực từ môi trường sẽ chú ý nhiều hơn, trở nên nhạy cảm quá mức với những tình huống nguy cơ.
Và quan trọng hơn, cha mẹ hiện nay ngày càng bận rộn và chịu nhiều áp lực tài chính. Sự gãy vỡ trong cấu trúc gia đình truyền thống diễn ra nhiều hơn, sự yếu kém trong giao tiếp giáo dục trong gia đình do cha mẹ thiếu kỹ năng làm cha mẹ, thiếu hiểu biết về kỷ luật tích cực đã tạo ra một thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng ứng xử bạo lực hơn.
Đặc biệt, quan điểm giáo dục coi trọng dạy chữ hơn dạy người, chạy đua thành tích học tập mà quên củng cố các giá trị đạo đức, sự yêu thương, chia sẻ, thông cảm thấu hiểu lẫn nhau. Nó tạo ra một thế hệ sống chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân, có xu hướng thỏa mãn ham muốn ngay lập tức và vô cảm hơn với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.
Sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nhà trường, trong xã hội và cộng đồng cũng khiến cho những học sinh có vấn đề tâm lý không được nhận diện và hỗ trợ kịp thời có thể dẫn đến những hành vi bạo lực nghiêm trọng hơn.
Từ những nghiên cứu cho thấy, bản thân những trẻ đi bắt nạt và bạo lực cũng có những khó khăn tâm lý, có nhiều nhu cầu về cảm xúc không được đáp ứng. (Ảnh minh họa) |
Đánh giá những nguy cơ
Cũng có một số cha mẹ đang xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bắt nạt từ khi mới chớm. Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bắt nạt tinh thần, bắt nạt bằng lời thường tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, nghịch ngợm trêu chọc nhau để lớn lên. Vì vậy, họ bỏ mặc con trước những nguy cơ bạo lực.
Một nhóm khác lại quá bao bọc, bảo vệ con. Họ trở nên hung hăng và mất kiểm soát khi thấy con mình chịu ấm ức, bắt nạt nên xúi giục con đáp trả bằng bạo lực. Tệ hơn là trực tiếp tham gia vào quá trình này. Hãy nhớ, cha mẹ dạy con bằng tấm gương nhân cách, hành vi ứng xử của mình.
Vậy nên, khi con em mâu thuẫn với bạn bè mà phụ huynh “ra tay” bênh vực con em mình bằng hành vi bạo lực, cổ xúy, hoặc xúi giục con dùng bạo lực để giải quyết vấn đề sẽ không chỉ làm tổn hại đến những trẻ khác mà còn "đầu độc" chính con em mình.
Trước thực trạng đó, về tổng thể, cần giáo dục nhân cách cho các em. Làm sao giúp các em trở thành người tự tin, biết tự định hướng trong ứng xử, biết quan tâm đến mọi người và vấn đề xã hội, có tinh thần khát khao cống hiến.
Phát triển các chương trình giáo dục phòng ngừa bạo lực và bắt nạt, năng lực giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc, giảm thành kiến định kiến về sự khác biệt cá nhân hay các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần. Giáo dục thanh thiếu niên về nguy cơ và cách phòng tránh bạo lực trong các buổi hẹn hò, bạo lực trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, đề cao việc giáo dục kỹ năng cho cha mẹ, kỷ luật tích cực cho giáo viên. Cải thiện văn hóa học đường, thiết lập quy tắc ứng xử dựa trên yêu thương, tôn trọng và an toàn. Kiểm tra việc ra vào trường để đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh.
Rà soát điều kiện chiếu sáng, các góc khuất, duy trì trật tự phòng ốc. Triển khai triệt để vai trò của Phòng tham vấn tâm lý học đường một cách hiệu quả với các chương trình phòng ngừa, các chương trình sàng lọc nguy cơ và chương trình can thiệp theo nhóm, cá nhân tùy theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Hơn thế, cần đẩy mạnh tập huấn cha mẹ kỹ năng dạy con cái, nêu gương cho con cái. Phụ huynh tham gia vào các quyết định quản trị và ủng hộ nhà trường phòng chống bạo lực học đường. Ngoài ra, nâng cao chất lượng giáo dục gia đình bằng cách truyền thông về phương pháp làm cha mẹ tích cực. Giáo viên cũng được học kỹ năng quản lý lớp học hiệu quả và chiến lược kỷ luật tích cực.
Về phía nhà trường, cần cải thiện văn hóa học đường, xây dựng nội quy, quy tắc ứng xử rõ ràng, khen thưởng nhất quán; huấn luyện kỷ luật tích cực và quản lý hành vi lớp học tích cực, đảm bảo an toàn trường học. Cần có các chế tài đưa việc dạy người trở lại đúng vị thế của nó. Đơn cử là cần có những hành động cụ thể để lấy lại vị thế của môn Giáo dục công dân, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, chương trình trải nghiệm hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông để nhân lên cái đẹp dẹp đi cái xấu.
Để xây dựng môi trường học đường an toàn, cần huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực theo các bằng chứng khoa học. Triển khai chương trình hòa giải ngang hàng, để giúp học sinh tự tham gia vào giải quyết bất đồng từ khi mới chớm thay cho những xung đột và đối đầu. Tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên. Triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt cho mọi đối tượng trong toàn trường.
Đặc biệt, xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ bạo lực cao. Thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ mất an toàn và sàng lọc toàn trường. Lập quy trình xử lý các mối đe dọa với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ. Hướng dẫn và tư vấn cho cá nhân, phản ứng nhanh, hiệu quả với các khủng hoảng truyền thông.
Tăng cường phối hợp các bên để quản lý các nội dung độc hại trên không gian mạng. Cần thiết đưa các khóa học về kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng để tạo nên một "hệ vaccine số" phòng chống bắt nạt, quấy rối, lừa đảo và các mối nguy trực tuyến.