📞

Bảo tàng Lịch sử quốc gia chuyển mình cùng ứng dụng công nghệ số

An Lê 17:03 | 15/09/2021
Ngày 15/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức cuộc họp báo trực tuyến giới thiệu ứng dụng công nghệ số nhằm đa dạng hóa hoạt động trưng bày, thu hút khách tham quan.

Phát biểu tại Họp báo, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tham quan và trải nghiệm của du khách, việc thay đổi cũng góp phần đa dạng hóa các hoạt động, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt.

Đây cũng là chủ đề mà Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) nêu ra trong Ngày quốc tế bảo tàng 18/5 vừa qua về Tương lai của các bảo tàng: Phục hồi và đổi mới.

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ tại buổi họp báo. (Ảnh: An Lê)

Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua, hướng tới xây dựng di sản số (E- Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam và đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Thời gian gần đây, Bảo tàng đã nỗ lực thực hiện một số công việc số hóa, mang lại những tiện ích quan trọng trong việc phát triển, giúp công chúng có những trải nghiệm mới mẻ hơn,

Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề, tiếp theo đó (năm 2016) là một số phần nội dung trưng bày thường trực được giới thiệu trên website của Bảo tàng. Việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.

Tại sự kiện, đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã giới thiệu tới giới truyền thông các trưng bày ứng dụng công nghệ số mới.

Điển hình là trưng bày tương tác ảo 3D với chuyên đề Bảo vật quốc gia được Bảo tàng phối hợp với Công ty Vietsotfpro triển khai từ năm 2020. Với nội dung giới thiệu được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng. Dự án trưng bày đã mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc.

Đáp ứng nhu cầu của khách tham quan trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tham quan bảo tàng trực tuyến với chủ đề Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý- Trần vào ngày 12/9. Chương trình đã thu hút gần 100 khách tham dự, được phân vào 2 phòng zoom.

Có thể nói, hình thức tham quan online được kết hợp giữa thuyết minh với ứng dụng công nghệ 3D trên website Bảo tàng, cùng các phần mềm PowerPoint, Menti, trình chiếu video... đem tới nhiều góc nhìn và trải nghiệm mới. Ngoài ra, bằng các câu hỏi giao lưu và mini game, chương trình đã bổ sung thêm kiến thức, sự hiểu biết về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc.

Bảo vật Trống Ngọc Lũ được giới thiệu qua tương tác ảo 3D. (Ảnh: An Lê)

Đặc biệt, chương trình Giờ học lịch sửCâu lạc bộ Em yêu lịch sử là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia. Bảo tàng đang từng bước chuyển hướng các chương trình giáo dục sang hình thức online, thông qua ứng dụng Zoom..

Tính đến nay, Bảo tàng đã tổ chức được hàng trăm buổi học miễn phí với hơn 5.000 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2,3, 4, 5, 6 ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An... . Trong đó, có một số trẻ em người Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng đã đăng ký tham dự các lớp học.

Trên cơ sở kinh nghiệm và thành công của các chương trình trên, TS. Nguyễn Văn Đoàn khẳng định, thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và bước đầu hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng.

Thông qua việc từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, Bảo tàng mong muốn tiếp cận rộng rãi công chúng hơn, đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng, phù hợp với điều kiện thực tiễn, cũng như xu thế phát triển công nghệ hiện nay.