Luật Kinh doanh bất động sản có khá nhiều nội dung mới, sẽ tác động mạnh đến thị trường trong thời gian tới. (Nguồn: Báo XD) |
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có cơ hội mua nhà trong nước
Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025.
Các chuyên gia cho rằng Luật Kinh doanh BĐS có khá nhiều nội dung mới, sẽ tác động mạnh đến thị trường trong thời gian tới. Một trong những điểm mới được ghi nhận là việc bỏ phân biệt với Việt kiều khi mua BĐS trong nước.
Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (còn giữ quốc tịch Việt Nam) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam trong nước. Người gốc Việt định cư ở nước ngoài (không còn quốc tịch Việt Nam) được áp dụng theo chính sách hiện hành.
Chuyên gia pháp lý - BĐS Nguyễn Văn Đỉnh nhận xét, quy định này đã đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn giữ quốc tịch có quyền kinh doanh BĐS, được mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng như công dân Việt Nam ở trong nước.
Điều này sẽ giúp người Việt Nam định cư ở nước ngoài dễ dàng hơn trong việc sở hữu BĐS trong nước, góp phần giúp thị trường BĐS phát triển, có thêm nguồn cầu, ông Đỉnh phân tích.
Trước đây, để mua được BĐS trong nước, nhiều Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên, dẫn đến những hệ lụy như kiện cáo, tranh chấp vì pháp lý thiếu minh bạch. Sửa đổi lần này ở Luật Kinh doanh BĐS đã tạo sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc mua BĐS.
Luật sư Lê Minh Phiếu, Giám đốc Công ty luật LMP, cho biết, trước đây đã tư vấn cho nhiều Việt kiều về Việt Nam mua BĐS nhưng phải theo kiểu sang nhượng hợp đồng, không được đứng tên trên sổ hồng. Những rào cản, khó khăn đó xuất phát từ nhiều vấn đề, đặc biệt là pháp lý.
Theo ông Peter Hồng, Việt kiều Canada, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: “Nếu làm được điều này có thể giải cứu BĐS bằng nguồn vốn kiều hối khi năm 2023 dự kiến có khoảng 19,2 tỷ USD vốn kiều bào về Việt Nam”.
Nhiều người trong số này cũng cùng quan điểm, họ làm mấy chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không lãi, thậm chí còn phải đóng phí nên muốn về Việt Nam đầu tư, mua BĐS và xem đó như tài sản để dành cho thế hệ sau. Bởi vậy, điểm mới tại Luật Kinh doanh BĐS vừa được thông qua sẽ góp phần khuyến khích để thu hút dòng vốn này.
Phân khúc chung cư cao cấp áp đảo, tiếp đà tăng giá
Ghi nhận thị trường chung cư Hà Nội trong quý III vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, giá bán căn hộ chung cư mở bán trên thị trường sơ cấp trung bình tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc giá bán có sự điều chỉnh theo xu hướng tăng do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (trên 90%). Cùng với đó, một số chủ đầu tư có sự điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ chung cư trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm.
Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp trong quý III tăng so với quý II, trong đó các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và huyện Gia Lâm tăng trên 3%.
Ông Phúc Anh, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Hà Đông (Hà Nội), cho rằng, chung cư liên tục tăng giá bất chấp thị trường BĐS khó khăn. Do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu ở thật ngày càng cao nên giá chung cư dù tăng cao sẽ vẫn tiếp đà tăng giá trong thời gian tới.
“Trong tương lai, các chung cư sơ cấp cũng sẽ ghi nhận mặt bằng giá cao vì các chủ đầu tư phải tối ưu lợi nhuận khi các chi phí đều bị đẩy lên. Việc mua chung cư đang ngày càng khó khăn khi dự án mới vẫn rất ít và mức thu nhập của người dân hạn chế, mức tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà”- ông Phúc Anh nói.
Cũng theo ông Anh, tại thời điểm này, bên cạnh các yếu tố tiện ích, người mua quan tâm nhiều hơn cả chính là giá và chính sách thanh toán. Do đó, những dự án giảm giá, chính sách thanh toán tốt thì tốc độ bán nhanh. Tuy nhiên, hiện nhiều người mua nhà vẫn chưa tiến hành vay mua vì họ vẫn quan ngại về lãi suất.
Khu "đất vàng" ở Thanh Hóa được chốt giá khởi điểm hơn 451 tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khu đất thương mại dịch vụ thuộc Khu đô thị nam thành phố Thanh Hóa, tại phường Quảng Thành.
Khu đất đấu giá có diện tích gần 105.000m2, đã được UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Khu đất được nhà nước cho thuê đất thời hạn 50 năm, tiền thuê được thu một lần. Mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ.
Về hạ tầng kỹ thuật, khu đất đấu giá có một mặt giáp với đại lộ Hùng Vương (Đại lộ Bắc Nam) và một mặt giáp với tuyến đường phía Đông đã được hoàn thiện, đảm bảo cho người trúng đấu giá có thể triển khai thi công đầu tư xây dựng.
Nhằm giảm thiểu, hạn chế phát sinh ảnh hưởng hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, một số tuyến đường cạnh khu đất đấu giá đang được giao cho UBND thành phố Thanh Hóa có trách nhiệm thi công, đấu nối, triển khai song song với việc xây dựng các công trình thuộc khu đất đấu giá.
Mức giá khởi điểm để đấu giá là hơn 451 tỷ đồng. Giá khởi điểm này được xác định trong điều kiện người trúng đấu giá phải đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, các công trình trên đất theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại phương án đấu giá quyền sử dụng đất.
Giá khởi điểm để đấu giá có hiệu lực trong thời gian 6 tháng kể từ ngày phê duyệt và được xác định cho mục đích, chỉ tiêu sử dụng đất theo quy định.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đơn vị là thành viên của Hội đồng thẩm định giá đất chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật.
UBND thành phố Thanh Hóa có trách nhiệm triển khai các bước công việc tiếp theo để đấu giá quyền sử dụng đất nêu trên, đảm bảo tuân thủ quy định.
Trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công
Tại Điều 127 Luật Nhà ở sửa đổi quy định rõ các trường hợp thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công.
Theo đó, việc thu hồi nhà ở thuộc tài sản công được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở.
Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua.
Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở theo quy định của Luật này.
Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; người đang thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án.
Bên thuê, thuê mua nhà ở không trả đủ tiền thuê nhà ở theo hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng.
Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc trường hợp phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nhà ở thuộc trường hợp không bảo đảm an toàn trong sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua.
Bên thuê nhà ở công vụ được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại địa phương khác.
Chiếm dụng nhà ở trái pháp luật.
Người đang thuê, thuê mua, mua nhà ở hoặc người đang sử dụng nhà ở thuộc trường hợp bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở sửa đổi phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc tài sản công quyết định cưỡng chế thu hồi. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở hoặc giao cho UBND cấp huyện nơi có nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi nhà ở trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế thu hồi được ban hành.
Sau khi thu hồi nhà ở thì căn cứ từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền thực hiện chuyển đổi công năng hoặc tiếp tục quản lý, bố trí cho thuê, cho thuê mua, bán theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thu hồi, cưỡng chế thu hồi nhà ở thuộc tài sản công.