Bất động sản: Mặt bằng trên đất vàng Hà Nội bỏ trống hàng loạt dù giảm mạnh giá thuê. (Nguồn: Báo XD) |
Đầu cơ đẩy giá BĐS
Tại hội thảo “Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển” tổ chức hôm 5/7, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, bên cạnh những người mua ở thực có những người "không thiếu nhà" nhưng vẫn muốn mua để đầu tư. Trong khi nguồn cung thị trường ít ỏi, không đáp ứng được hết nhu cầu khiến "giá bị đẩy lên cao".
Theo lãnh đạo Vụ Đất đai, tình trạng này phổ biến với các phân khúc nhà ở bởi vừa tầm tiền, dễ mua bán với phần đông nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhìn nhận, giá chung cư tăng cao, khả năng tiếp cận nhà của người dân, đặc biệt người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ngày càng khó.
"Giá chung cư ngoại thành giờ đã lên 60-70 triệu đồng một m2, điều tôi không ngờ trong suốt 15 năm làm nghề", ông Khánh nói và cho rằng, với mức lương bình quân của người lao động hiện nay nếu mua nhà họ khó đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng.
Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, dù giá nhà tại Việt Nam đang thấp hơn một số nơi trong khu vực như Singapore, Hong Kong nhưng giá nhà lại quá cao so với thu nhập của người dân.
Ghi nhận thị trường thời gian qua, chung cư đã hạ nhiệt quan tâm nhưng giá vẫn chưa giảm như kỳ vọng của phần đông người dân.
Nhiều nghiên cứu khảo sát thị trường cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM trong 6 tháng đầu năm nay chỉ có nguồn cung căn hộ cao cấp, căn hộ siêu sang. Giá bán căn hộ ở ngưỡng 50 triệu đồng/m2 trở lên.
Hầu hết giao dịch thành công trên thị trường trong nửa đầu năm chỉ tập trung vào phân khúc chung cư cao cấp, thị trường đang lệch pha cung cầu khi chỉ có nguồn cung căn hộ cao cấp, siêu sang nhưng vắng bóng căn hộ giá vừa túi tiền.
Một số chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng, nguồn cung khan hiếm và thị trường chỉ có sản phẩm chung cư cao cấp là hai nguyên nhân đẩy giá nhà tăng vọt từ đầu năm đến nay.
Theo số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), nguồn cung BĐS giảm mạnh từ năm 2018 đến nay.
Năm 2018 nguồn cung BĐS cả nước đạt khoảng 180.000 sản phẩm, nhưng các năm tiếp theo nguồn cung BĐS liên tục giảm. Đến năm 2023, nguồn cung BĐS có sự cải thiện nhẹ, tăng lên 55.000 sản phẩm nhưng chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2018.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, tháo gỡ pháp lý, thúc đẩy nguồn cung là lời giải cho những tồn tại của thị trường nhà ở nhiều năm qua.
Để tăng nguồn cung nhà ở trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, cần rút ngắn thời gian cấp phép dự án, thủ tục cấp phép cần đơn giản hơn.
Còn theo ông Đỗ Viết Chiến, Chính phủ đã nhìn ra sự mất cân đối của thị trường và đã thông qua đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Vấn đề lúc này là tổ chức thực hiện hiệu quả, nếu hoàn thành đề án sẽ hóa giải được tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho hay, nguồn cung khan hiếm, giá nhà leo thang, thiếu nhà giá rẻ... vẫn là những khó khăn của thị trường kéo dài nhiều năm qua.
Bộ Xây dựng đã hoàn thiện tất cả nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai, sẵn sàng để trình Chính phủ, đảm bảo triển khai khi Luật có hiệu lực.
Về hai luật Nhà ở và Kinh doanh BĐS, ông Dũng cho biết, 5 nghị định do Bộ Xây dựng soạn thảo cũng đã hoàn thành, bảo đảm thực thi khi các luật cùng có hiệu lực từ ngày 1/8.
Mặt bằng trên đất vàng Hà Nội bỏ trống hàng loạt
Nằm trên những tuyến phố lớn tại Hà Nội, được xem là vị trí đắc địa để kinh doanh, song hàng loạt mặt bằng vẫn đang phải bỏ trống dù luôn treo biển tìm khách, giảm mạnh giá thuê.
Thông tin trên Báo Xây dựng, nhiều mặt bằng trên các tuyến phố: Phố Huế, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Xã Đàn, Chùa Bộc... nhiều năm trước vốn có giá cho thuê thuộc dạng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, nhưng những năm gần đây, nhiều vị trí treo biển cho thuê vài tháng vẫn không có khách đến hỏi.
Khảo sát trên phố Kim Mã, vị trí với diện tích 34m2/sàn, cho thuê 2 tầng và hiện tại được chủ nhà cho thuê giá 22 triệu đồng/tháng, giá này đã thấp hơn 6 triệu so với trước đây nhưng vẫn chưa được khách hàng nào thuê.
Chủ nhà cho biết, thời điểm trước, anh yêu cầu khách hàng phải cam kết thuê từ 1 năm trở lên và thuê cả 2 tầng. Song hiện nay, anh chỉ yêu cầu cam kết thuê từ 4-6 tháng. Thêm vào đó, anh cũng tạo điều kiện nếu khách chỉ muốn thuê 1 tầng. Mức giá thuê 1 tầng được chủ nhà đưa ra là 18 triệu đồng/tháng cho mặt bằng tầng 1.
Được biết, hơn 10 năm qua, mặt bằng này vẫn duy trì với giá cho thuê 28 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài dán biển cho thuê, nhiều chủ mặt bằng cũng đăng tải thông tin cho thuê lên các trang môi giới nhưng tình hình cũng không khả quan. Sau đại dịch Covid-19, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi, họ chuyển từ hình thức offline sang online. Đồng thời, sự lên ngôi và kích cầu của các sàn thương mại điện tử đã khiến thị trường bán lẻ bị mất dần vị thế, trong đó phân khúc thời trang, mỹ phẩm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Làn sóng trả mặt bằng ở Hà Nội đã diễn ra từ nửa cuối năm 2020 sau đợt dịch đầu tiên, kéo giá thuê giảm cục bộ tại một số khu vực. Nhà phố khu trung tâm được giới kinh doanh săn lùng trở lại từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, sự ấm nóng trên thị trường cho thuê cũng không kéo dài được lâu khi tình trạng trả nhà mặt phố lại dần tái diễn từ cuối quý III năm ngoái.
Theo các chuyên gia kinh tế, để tình trạng này được cải thiện, thành phố cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như giảm thuế, phí, gia hạn thời gian nộp thuế. Ngoài ra, các chủ nhà cần xem xét điều chỉnh mức giá thuê phù hợp với tình hình thực tế. Doanh nghiệp và chủ cửa hàng cần phải nghiên cứu và thích nghi với thị trường hiện nay đó là ứng dụng về công nghệ trong bán hàng, cùng với đó là các vấn đề biến động khác của thị trường.
Hiện nay, tình trạng trả mặt bằng hàng loạt tại nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất ở Hà Nội là một vấn đề đáng lo ngại, phản ánh những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
105 thành phố, thị xã không được phân lô, bán nền từ 1/8
Luật Kinh doanh BĐS 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8, không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng 81 địa phương so với quy định hiện hành.
Cụ thể, Luật Kinh doanh BĐS 2023 quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
Với những khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định khu vực chủ đầu tư có thể phân lô tách thửa và chuyển nhượng cho cá nhân tự xây nhà ở.
Trong khi đó, luật hiện hành chỉ ngăn chặn phân lô, bán nền tại các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V.
Như vậy, quy định mới sẽ cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã, tăng thêm 81 địa phương so với quy định hiện hành.
Ngoài 2 đô thị loại đặc biệt gồm Hà Nội và TP.HCM sẽ bị siết phân lô bán nền còn có 22 đô thị loại I.
Trong đó, có 3 thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 19 thành phố thuộc tỉnh gồm Huế, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thái Nguyên, Nam Định, Việt Trì, Vũng Tàu, Hạ Long, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Bắc Ninh, Hải Dương, Pleiku, Long Xuyên.
36 đô thị loại II bao gồm các thành phố thuộc tỉnh: Phan Thiết, Cà Mau, Tuy Hòa, Uông Bí, Thái Bình, Rạch Giá, Bạc Liêu, Ninh Bình, Đồng Hới, Phú Quốc, Vĩnh Yên, Lào Cai, Bà Rịa, Bắc Giang, Phan Rang - Tháp Chàm, Châu Đốc, Cẩm Phả, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Trà Vinh, Sa Đéc, Móng Cái, Phủ Lý, Bến Tre, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Sơn La, Tân An, Vị Thanh, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Kon Tum, Dĩ An, Yên Bái.
45 đô thị loại III với 29 thành phố và 16 thị xã.
Cụ thể, 29 thành phố là Điện Biên Phủ, Hòa Bình, Hội An, Hưng Yên, Đông Hà, Bảo Lộc, Hà Giang, Cam Ranh, Cao Bằng, Lai Châu, Tây Ninh, Bắc Kạn, Tam Điệp, Sông Công, Sầm Sơn, Phúc Yên, Hà Tiên, Đồng Xoài, Chí Linh, Long Khánh, Gia Nghĩa, Ngã Bảy, Thuận An, Hồng Ngự, Từ Sơn, Phổ Yên, Tân Uyên, Bến Cát, Gò Công.
16 thị xã gồm: Sơn Tây, Cửa Lò, Phú Thọ, Bỉm Sơn, La Gi, Sông Cầu, Long Mỹ, Tân Châu, Cai Lậy, Quảng Yên, Kỳ Anh, Bình Minh, Đông Triều, Phú Mỹ, An Nhơn, Kiến Tường.
Hệ số điều chỉnh giá đất đối với các loại đất áp dụng chung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bằng 1 - K = 1. (Nguồn: Báo Xây dựng) |
Quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 tại Hà Tĩnh
Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 12/2024/QĐ-UBND về Quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quyết định này quy định về hệ số điều chỉnh giá đất (K) năm 2024 để xác định giá đất cụ thể theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Hệ số điều chỉnh giá đất đối với các loại đất áp dụng chung trên địa bàn tỉnh bằng 1 (K = 1).
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/7/2024.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc hoặc có biến động về giá đất phổ biến trên thị trường cần điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất (K) thì các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã phản ánh kịp thời về Sở Tài chính để tổng hợp và phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất UBND xem xét, quyết định cho phù hợp.
Trường hợp cần thiết khi mức giá đất chuyển nhượng phổ biến trên thị trường tại địa phương có biến động tăng từ 20% trở lên hoặc giảm từ 20% trở lên so với hệ số điều chỉnh giá đất đã ban hành trong khoảng thời gian từ 90 ngày trở lên; ủy quyền UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
| Bất động sản mới nhất: Bảng hàng chung cư sơ cấp tại Hà Nội hết sạch sau mỗi lần mở bán, 4 phương pháp định giá đất Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án; giá chung cư Hà Nội tăng vọt, lượng tìm kiếm lớn; 4 phương pháp định giá ... |
| Hà Nội: Danh sách 22 tuyến đường, phố mới được đặt tên Ngày 2/7, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều ... |
| Giá tiêu hôm nay 5/7/2024, tiếp đà giảm, lý do người dân chưa mặn mà mở rộng diện tích dù thị trường đi lên Giá tiêu hôm nay 5/7/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 149.000 - 151.000 ... |
| Giá tiêu hôm nay 6/7/2024, bị chi phối từ nhiều yếu tố, thị trường ngày càng khó đoán, tiêu Việt đang có lợi thế Giá tiêu hôm Giá tiêu hôm nay 6/7/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (28/6-4/7): Vượt G7, tỷ trọng BRICS trong GDP toàn cầu đạt kỷ lục, Mỹ nguy cơ mất đà, đấu giá xì gà Cuba ở Anh Khoảng 1/3 thực phẩm được sản xuất bị thất thoát, tỷ trọng BRICS trong GDP toàn cầu đạt kỷ lục, đồng Ruble Nga tăng mạnh ... |