Vào 4 năm về trước, chẳng mấy ai biết đến cái tên Haider al-Abadi, cho đến khi cựu kỹ sư thang máy tại London được lựa chọn để dẫn dắt một Iraq đầy hỗn loạn. Tháng 9/2014, thời điểm ông Abadi nhậm chức Thủ tướng, đánh dấu một giai đoạn khó khăn trong lịch sử quốc gia Trung Đông: Người tiền nhiệm Nuri al-Maliki từ chức sau những bê bối, trong khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoành hành tại lãnh thổ Iraq. Ít người kỳ vọng vào một chính trị gia không mấy tên tuổi, với năng lực quản lý và điều hành chưa được kiểm chứng. Nhưng chỉ sau 4 năm cầm quyền, Thủ tướng Abadi đã xóa bỏ mọi ngờ vực, thuyết phục ngay cả những chuyên gia khó tính nhất rằng ông đã và đang thành công trên con đường phục hưng Iraq.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Baghdad đã tuyên bố chiến thắng trước IS, xoa dịu những căng thẳng tôn giáo từ phe của ông Maliki, phá băng quan hệ với các nước Sunni Arab láng giềng và bảo toàn tính thống nhất mong manh của Iraq trước làn sóng ly khai của người Kurd. Thủ tướng Haider al-Abadi cũng khéo léo cân bằng những cạnh tranh, xung đột về lợi ích giữa hai phe ủng hộ ông, Iran và Mỹ.
Tuy nhiên, những thành tựu kể trên chỉ giúp nhà lãnh đạo này giành lợi thế trong cuộc chạy đua vào ngày 12/5 sắp tới, chứ chưa thể đảm bảo chiến thắng tuyệt đối của ông.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chưa thể đảm bảo chiến thắng cho cuộc bầu cử ngày 12/5 tới. (Nguồn: Getty) |
Xóa bỏ khác biệt
Giống như mọi Tổng thống Iraq thời hậu ông Saddam Hussein, ông Abadi, 66 tuổi, thuộc về nhóm những người Hồi giáo theo đạo Shi’ite. Song khác với mọi lần, số phiếu của những người Shi’ite giờ đã “chia năm, xẻ bảy” và không còn giúp ông đảm bảo chiến thắng như thường lệ.
Thêm vào đó, những đối thủ mà ông Abadi phải đối mặt trong cuộc bầu cử sắp tới cũng chẳng phải “tay mơ”. Một trong số đó là người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, với kế hoạch tham vọng về chia sẻ quyền lực giữa người Shi’ite, thiểu số Sunni và Kurd. Ứng cử viên còn lại, ông Hadi al-Amiri, giành được nhiều sự ủng hộ, với vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến chống IS.
Biết rằng mình không thể chỉ dựa vào số phiếu của người Shi’ite, Thủ tướng Abadi đã mở rộng việc tìm kiếm sự ủng hộ từ cả những bộ phận cử tri còn lại. Chiến dịch tranh cử mang tên “Liên minh chiến thắng” của ông được phổ biến tại khắp 18 tỉnh, thu hút cử tri không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo, điều chưa từng có từ trước tới nay tại Iraq.
Một trong số những cử tri bị chiến dịch của ông Abaid “quyến rũ” là Badr al-Fahl, một nhà lập pháp người Sunni của tỉnh Salahuddin tranh cử vào Quốc hội khóa tới. Ông Fahl cho rằng, Thủ tướng Abadi là một trong những chính trị gia hiếm hoi không sử dụng chiêu bài tôn giáo tại Iraq, thay vào đó tập trung tái thiết đất nước, trọng dụng nhân tài từ mọi tôn giáo sắc tộc. Với ông Fahl, tương lai của đất nước Iraq hiện giờ do chính người dân Iraq, mà đại diện là Thủ tướng Haider al-Abadi, nắm giữ.
Phần đông người Kurd vẫn chưa quên được chiến dịch trấn áp phong trào ly khai của họ do chính quyền Thủ tướng Haider al-Abadi khởi xướng. (Nguồn: The New York Times) |
Nhưng không phải ai cũng nghĩ như ông Fahl. Một bộ phận người Sunni tiếp tục có thái độ tiêu cực với Thủ tướng Abadi và cho rằng chính quyền Shi’ite cần phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra sau cuộc chiến với IS. Tương tự, trong chiến dịch vận động tranh cử hiếm hoi tại các tỉnh của người Kurd hồi tháng Tư, ông Abadi cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ, khi phần lớn cư dân vẫn chưa quên được chiến dịch trấn áp phong trào độc lập của người Kurd sau cuộc trưng cầu dân ý độc lập hồi tháng 9/2017. Bởi vậy, mặc dù nhiều người nghiêng về lựa chọn ông Abadi, với đường lối ôn hòa, hơn là các chính trị gia người Shi’ite khác, điều này không đồng nghĩa với việc họ sẽ bỏ phiếu cho ông.
Khe cửa hẹp
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thường xuyên phải đối mặt với cáo buộc về tham nhũng tràn lan trong Chính phủ, tình trạng kinh tế khó khăn do chiến tranh, cùng chính sách thắt lưng buộc bụng, khiến một bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”.
Nhận thức được điều này, chiến dịch tranh cử của ông Abadi đã tập trung vào thành tựu mà ông đạt được trong 4 năm cầm quyền, nổi bật là việc đánh bật IS ra khỏi Iraq, tận dụng khôn khéo trợ lực từ Mỹ và Iran. Khả năng điều phối mối quan hệ tay ba giữa Baghdad, Tehran và Washington của nhà lãnh đạo này, ngay cả khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang, được các nước phương Tây đánh giá cao. Việc chính quyền của ông Abadi tiếp tục duy trì mối bang giao với các nước Sunni Arab láng giềng, cũng nhận được nhiều lời tán dương. Tuy nhiên, bên cạnh nhận định tích cực từ nhiều quan chức ngoại giao phương Tây ở Baghdad, một số quan chức Iraq lại cho rằng ông Abadi, với tính cách “dễ dãi” của mình, có thể bị lung lạc bởi áp lực đến từ Mỹ và Iran.
Cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki sẽ là đối thủ đáng gờm của ông Haider al-Abadi trong cuộc bầu cử ngày 12/5 sắp tới. (Nguồn: Getty) |
Điều này khiến ông phần nào lạc lõng trong cuộc đua với hai ứng cử viên còn lại. Ngay cả khi chịu nhiều chỉ trích vì đã để IS lộng hành và tình trạng tham nhũng tràn lan trong thời gian cầm quyền, song ông Nuri al-Maliki vẫn được xem như là một ứng cử viên sáng giá, nhà lãnh đạo mạnh mẽ thân phương Tây và bảo vệ lợi ích của người Shi’ite. Trong khi đó, thủ lĩnh tổ chức Badr của người Shi’ite được Iran bảo trợ, ông Hadi al-Amiri là người nổi tiếng quyết đoán, cùng năng lực “điều quân khiển tướng” đã phần nào được kiểm chứng trong cuộc chiến với IS.
Do đó, chiến thắng trước hai ứng cử viên nặng ký này vào ngày 12/5 tới sẽ là minh chứng rõ nét nhất về sự ủng hộ của người dân Iraq dành cho Thủ tướng Haider al-Abadi sau 4 năm cầm quyền.