📞

Bầu cử Mỹ 2020: Bốn yếu tố ‘thành bại’ của Tổng thống Donald Trump

Minh Vương 08:00 | 29/10/2020
TGVN. Đại dịch Covid-19, vấn đề kinh tế, rắc rối cá nhân tới cách bỏ phiếu sẽ định đoạt 'thành bại' của ông Trump trong bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới.
Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tại Las Vegas tháng 8/2019. (Nguồn: AFP)

Đại dịch Covid-19

Diễn biến và nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid-19sẽ là yếu tố hàng đầu chi phối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3 /11 tới. Một tuần trước ngày bầu cử, số liệu do Đại học John Hopkins công bố cho thấy tính đến ngày 25/10, số lượng người chết vì Covid-19 mỗi ngày toàn nước Mỹ đã tăng từ 721 lên 794 trong hai tuần. Số ca nhiễm ghi nhận mỗi ngày tăng tại 47 bang; số ca tử vong tăng tại 34 bang. Ngày 25/10, nước Mỹ chứng kiến số ca nhiễm đạt đỉnh mới là 68.767 ca.

Giải thích về thực trạng này, ông Michael Osterholm, chuyên gia về dịch tễ học tại Đại học Minnesota, cho rằng đây là kết hợp của ba yếu tố: “Sự suy kiệt” khiến nhiều người ra ngoài thường xuyên hơn sau thời gian cách ly dài hạn mệt mỏi; “Sự giận dữ” trong nhóm những người không tin rằng đại dịch tồn tại và thời tiết trở lạnh.

Theo mô hình giả định của Đại học Washington, tính đến ngày 1/2/2021, số người tử vong vì đại dịch Covid-19 tại Mỹ có thể đạt 386.000 người, trong khi vaccine Covid-19 được kiểm nghiệm sẽ xuất hiện rộng rãi sớm nhất là giữa năm 2021.

Nếu đại dịch Covid-19 không tiến triển tích cực trước khi bầu cử diễn ra, ông Trump có thể gặp rắc rối lớn. Đổ lỗi cho Trung Quốc không thể khỏa lấp sự thật rằng tình hình chưa được cải thiện. Không loại trừ khả năng trong những ngày còn lại, ông Trump có thể học ông Putin, ra “bài tẩy” khi công bố sớm vaccine Covid-19, thu hút sự ủng hộ của cử tri để giành ưu thế ngày 3/11 tới.

Nếu đại dịch Covid-19 không tiến triển tích cực trước khi bầu cử diễn ra, ông Trump có thể gặp rắc rối lớn. (Nguồn: AP)

“Nền kinh tế mạnh nhất thế giới”

Đó là điều ông Trump đã lặp lại nhiều lần, mới đây nhất là trong tranh luận Tổng thống lần thứ ba. Thực tế cho thấy đại dịch Covid-19 đã ít nhiều đảo ngược, đạp đổ di sản kinh tế mà ông dự định lấy làm “vũ khí” cho chiến dịch tái tranh cử. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, lĩnh vực mà ông Trump nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất vẫn là kinh tế. Di sản kinh tế lâu dài nhất của ông Trump không nằm ở những con số, mà ở cách ông thay đổi quan điểm của toàn nước Mỹ về nền kinh tế.

Theo ông Bruce Haines, người đã có 35 năm đảm nhiệm cương vị Giám đốc tại hãng thép US Steel, di sản lớn nhất của ông Trump trong 4 năm qua chính là sự quan tâm đặc biệt dành cho ngành sản xuất của Mỹ, vốn chỉ chiếm 11% GDP và sử dụng chưa tới 9% lực lượng lao động.

Khác với quan điểm thông thường rằng sự dịch chuyển ngành sản xuất trong xu thế toàn cầu hóa là không thể tránh khỏi, ông Trump đã dành nhiều nguồn lực, thay đổi chính sách, thậm chí “mạnh tay” với cả các đồng minh truyền thống, đối tác nước ngoài để cứu lấy ngành sản xuất của Mỹ.

Ông Trump cũng thay đổi quan điểm của đảng Cộng hòa trong vấn đề chủ chốt như nhập cư, toàn cầu hóa và nợ công, bỏ qua thâm hụt ngân sách để đầu tư nhiều vào cơ sở hạt tầng, y tế, giáo dục và tạo việc làm. Đảng này giờ đây sẵn sàng khai chiến thương mại với đồng minh, đẩy thâm hụt ngân sách thời bình cao kỷ lục và dành trọng tâm cho các chương trình an sinh xã hội quan trọng.

Sàn chứng khoán Mỹ tiếp tục có những phiên giao dịch ảm đạm trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ. (Nguồn: AP)

Quan trọng hơn, cách làm của ông Trump cũng khiến đảng Dân chủ phải thay đổi để thu hút người dân. Cựu Phó Tổng thống Biden giờ đây cũng tranh cử với khẩu hiệu “sản xuất tại Mỹ”, hứa hẹn “dùng quyền lực toàn diện của chính phủ liên bang để thúc đẩy sức mạnh công nghiệp và công nghệ của Mỹ”, đồng thời cam kết dùng ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp giữ và tạo việc làm trên đất Mỹ.

Ông Biden định vị bản thân là một người đấu tranh cho người nhập cư và đảo ngược các chính sách hạn chế gay gắt nhất của ông Trump, song vẫn ít nhiều học tập một số chính sách của đối thủ như trong vấn đề dầu khí, đặc biệt là thương mại.

Ứng cử viên Tổng thống và đảng Dân chủ đang thận trọng hơn trước các vấn đề như công nghiệp sản xuất hay cạnh tranh quốc tế, đồng thời quay ủng hộ một số quan điểm bảo hộ kinh tế từng bác bỏ. Như vậy, dù ông Biden chiến thắng hay ông Trump tái cử, đây có thể là xu hướng phát triển của nước Mỹ trong thời gian tới.

Điều này khiến ông Trump ghi điểm lớn, ngay cả với những cử tri không ủng hộ ông. Ông Walter Dealtrey Jr., chủ một công ty kinh doanh dịch vụ lốp xe ở Bethlehem cho biết dù từng bầu cho ông Trump năm 2016, song ông chưa bao giờ thích Tổng thống.

Tuy nhiên, khi ngày bầu cử đến gần, ông quyết định sẽ bỏ phiếu cho ông Trump một lần nữa, đơn giản bởi ông thích quan điểm tập trung cho ngành sản xuất và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trong nước của đương kim Tổng thống. Đây sẽ là lợi thế đáng chú ý cho ông Trump trong cuộc bầu cử vào tuần tới.


Rắc rối cá nhân

Tuy nhiên, lợi thế này sẽ được phát huy hiệu quả hơn nếu ông Trump có thể hạn chế rắc rối cá nhân hay bộc lộ điểm yếu. Người theo dõi cuộc tranh luận Tổng thống lần thứ ba hẳn đã nhìn ra cách ông Joe Biden khai thác vấn đề thuế thu nhập cá nhân và tài khoản nước ngoài của ông Trump.

Song đây không phải là lần đầu. Những lần “vạ miệng” trên Twitter và trong các phát biểu công khai; rắc rối về quá khứ với giới diễn viên người mẫu; góc tối quanh chiến dịch tranh cử năm 2016; quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với các cựu quan chức cùng nhiều hành động “lạ” trong các chuyến công du đã xuất hiện từ đầu nhiệm kỳ và được đảng Dân chủ khai thác triệt để.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (phía sau) đã công khai bày tỏ bất đồng với ông Trump thông qua cuốn sách mới xuất bản của mình. (Nguồn: AP)

Ở thời điểm đó, chừng đó chưa đủ để khiến đương kim Tổng thống gặp khó. Tuy nhiên, trong giai đoạn nhạy cảm này, có lẽ sẽ tốt hơn cả nếu ông có tránh vướng vào những rắc rối cá nhân hay bộc lộ những điểm yếu mới dễ bị khai thác, tập trung tâm trí để chiến thắng trong cuộc bầu cử tới.

Những lần “vạ miệng” trên Twitter và trong các phát biểu công khai; rắc rối về quá khứ với giới diễn viên người mẫu; góc tối quanh chiến dịch tranh cử năm 2016; quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với các cựu quan chức cùng nhiều hành động “lạ” trong các chuyến công du đã xuất hiện từ đầu nhiệm kỳ và được đảng Dân chủ khai thác triệt để.

Số liệu không là tất cả

Một yếu tố khác không thể không kể đến là cách cử tri tiến hành bỏ phiếu.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, một trong những yếu tố bất ngờ đóng góp vào thành công của ông Trump là việc các cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa ưu tiên phương thức bỏ phiếu trực tiếp vào ngày bầu cử, thay vì thực hiện quyền công dân qua đường bưu điện hay bỏ phiếu sớm. Điều này khiến khảo sát tỷ lệ ủng hộ thông qua lượng phiếu bầu sớm khó chính xác hơn.

Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện đã có chuyển biến mới. Tính đến chiều ngày 28/10 (theo giờ Mỹ), đã có 69,5 triệu cử tri thực hiện quyền công dân qua đường bưu điện hay bỏ phiếu sớm, tương đương với 50,4% số phiếu được kiểm trong toàn bộ cuộc bầu cử năm 2016.

Xét trên tỷ lệ phần trăm, mức trên sẽ tương đương với 65% số cử tri đủ điều kiện đã hoàn thành nghĩa vụ công dân, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1908. Thêm vào đó, số cử tri tham gia bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 được dự báo sẽ vượt mốc 150 triệu người, phá vỡ kỷ lục 137,5 triệu cử tri năm 2016.

Người dân New York xếp hàng bỏ phiếu sớm ngày 24/10. (Nguồn: New York Times)

Kết quả này phản ánh 2 thực tế chính.

Thứ nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ đã khuyến nghị người dân nên bỏ phiếu từ xa hoặc gửi phiếu bầu qua thư tín để phòng tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Do đó, nhiều bang đã tạo điều kiện để việc bỏ phiếu qua thư trở nên dễ tiếp cận hơn so với các năm trước.

Thứ hai, các cử tri cũng cho thấy sự háo hức và quan tâm chưa từng thấy với cuộc bầu cử, dẫn đến tỷ lệ người đi bỏ phiếu sớm đạt mức cao nhất trong lịch sử Mỹ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy “bổn cũ soạn lại” hoàn toàn có thể xảy ra. Các dữ liệu hiện tại cho thấy một lần nữa có 11,8 triệu cử tri đảng Dân chủ được xác nhận đã tham gia bầu cử sớm, gần gấp đôi so với 6,3 triệu cử tri đảng Cộng hòa. Trong khi đó, ông Trump đã nhiều lần phản đối việc bỏ phiếu qua thư, cho rằng nó dễ bị can thiệp và tác động thay đổi từ bên ngoài.

Một số cho rằng không loại trừ khả năng lượng phiếu bầu trực tiếp ngày bầu cử 3/11 có thể tạo ra bất ngờ và mang tới ưu thế về số phiếu phổ thông và đại cử tri giúp ông Trump giành chiến thắng cuối cùng.