Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi cho toàn bộ nước Mỹ. (Nguồn: IP) |
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 diễn ra trong bối cảnh không mấy thuận lợi cho toàn bộ nước Mỹ. Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tác động rất lớn tới cuộc bầu cử. Tính tới thời điểm điểm hiện tại, có khoảng hơn 9 triệu người Mỹ mắc bệnh với hơn 290.000 thiệt mạng.
Bối cảnh không mấy thuận lợi
Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội với các chỉ số khá ảm đạm. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có lối thoát càng khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm trầm trọng.
Nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2019 đạt khoảng 2,33% thì dự báo trong năm 2020 đặt tăng trưởng âm khoảng -5,91%, trong đó quý I là 0,5% và quý II là -31,4%.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã tăng ở mức cao khoảng 620 tỷ USD, trong đó thâm hụt với Trung Quốc vào khoảng 346 tỷ USD.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng tăng mạnh khoảng 10,2% với hơn 12 triệu người mất việc làm, trong đó tiểu bang Massachusetts có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tới 16,1%.
Hệ thống chính trị Mỹ tiếp tục bị phân cực bởi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, các chính sách của chính quyền đương nhiệm tiếp tục khắc sâu thêm những mâu thuẫn đã tồn tại trong lòng nước Mỹ.
Từ chương trình chăm sóc sức khỏe, an ninh xã hội cho đến tình trạng phân biệt chủng tộc sau cái chết của người Mỹ da màu George Floyd bị chết vào tháng 5/2020 đưa đến phong trào “Black Live Matters” thổi bùng lên làn sóng bạo lực tại nhiều bang của nước Mỹ trong đó có sự tham gia của phong trào cực tả Antifa bị liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Với việc mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018, chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục bị thách thức trong việc đề xuất các gói tài khóa. Các sắc lệnh hành chính khiến chính phủ Mỹ phải tạm thời đóng cửa ít nhất ba lần trong 2 năm 2018 - 2019.
Việc Tổng thống Trump bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội do lạm quyền vào tháng 12/2019 đã khắc sâu thêm sự mâu thuẫn giữa hai chính đảng. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm thẩm phán Brett Kavanaugh vào tháng 10/2018 và Amy Coney Barrett vào tháng 10/2020 cũng gây ra sự phản ứng kịch liệt từ phía đảng Dân chủ.
Về chính sách đối ngoại, trong suốt 4 năm qua, với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, chính quyền Donald Trump đã chủ trương rút ra khỏi các thỏa thuận quốc tế như TPP; thỏa thuận hạt nhân với Iran; hiệp ước các lực lượng tầm trung (INF), Hiệp định Paris về khí hậu… cũng như các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…
Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại của chính quyền Trump với tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng gây ra nhiều hoài nghi cho các đồng minh, đối tác trong khu vực.
Việc coi Trung Quốc, Nga là đối thủ đe dọa tới các lợi ích của Mỹ đã đẩy thể giới vào một tình trạng căng thẳng, khó đoán định. Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump thậm chí bị đảng Dân chủ và nhiều chính khách trong đảng Cộng hòa cho rằng đã làm suy yếu vị thế quốc tế của Mỹ.
Ai có lợi thế?
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020, ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm cũng có nhiều lợi thế. Phần lớn thành quả kinh tế mà ông Trump đạt được đã thể hiện phần nào thành công trong chính sách về kinh tế, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử, số công ăn việc làm tạo ra nhiều nhất cho người dân Mỹ.
Trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, điều mà cử tri Mỹ quan tâm hơn đó là công ăn việc làm và khả năng khôi phục nền kinh tế của chính quyền đương nhiệm. Bên cạnh đó, chính sách chủ trương giảm thuế của ông Trump cũng tạo ra nhiều tín hiệu tích cực đối với cử tri khi nền kinh tế đang phải đóng cửa vì giãn cách xã hội.
Trong khi đó, chính sách và cương lĩnh tranh cử của ứng viên Joe Biden cũng khá toàn diện tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước.
Tuy nhiên, các mục tiêu này còn khá chung chung, chưa có nhiều các kế hoạch chi tiết, đặc biệt là chủ trương thay thế Obamacare bằng Bidencare khiến cho các chính sách này không có gì mới hơn so với thời Tổng thống Obama.
Mặt khác, uy tín của ứng cử viên Biden đang bị sứt mẻ nghiêm trọng do Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra các hoạt động kinh doanh của người con trai Hunter Biden trước đây tại Ukraine, Nga và Trung Quốc.
Với chính sách tăng thuế thu nhập, chính sách của ứng viên Biden có lẽ chưa nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Mỹ. Ngoài ra, “thỏa thuận xanh” của ông Biden trong đó chủ trương đảm bảo cho việc toàn nước Mỹ sẽ sử dụng nguồn năng lượng sạch và tái tạo vào năm 2050 xem ra khá dài hơi, cần phải có thời gian để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc ứng cử viên Biden tuyên bố hạn chế khai thác nguồn năng lượng dầu mỏ vì cho rằng tạo ra ô nhiễm môi trường không được ủng hộ tại nhiều bang của nước Mỹ do kế hoạch có nguy cơ làm mất việc làm cho người lao động.
Lợi thế của ông Biden trong cuộc bầu cử lần này có lẽ là tận dụng sự thất bại trong các chính sách của Tổng thống Trump như đối phó với đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và chính sách đơn phương rút ra khỏi các thỏa thuận quốc tế.
Tuy nhiên, việc quá tập trung vào vấn đề Covid-19 bằng cách công kích chính quyền Trump không có kế hoạch cụ thể để đối phó, bày tỏ lập trường không sử dụng vaccine đang trong quá trình thử nghiệm hiện nay có vẻ như không phải là một biện pháp hay.
Các chiến dịch tranh cử của ứng viên Joe Biden cũng chưa thực sự tạo ra được âm hưởng lớn đối với các cử tri, đặc biệt là những điểm nhấn cần thiết so với các nội dung hay chính sách của chính quyền đương nhiệm.
Tính đến sát ngày bầu cử 3/11/2020, ước tính khoảng 9 triệu cử tri người Mỹ đi bỏ phiếu sớm. (Nguồn: AP) |
Thay đổi hay không thay đổi
Các số liệu khảo sát trước bầu cử cho thấy, ứng viên Joe Biden luôn dẫn trước ứng viên Donald Trump với tỷ lệ cách biệt tương đối, thậm chí tại các bang chiến trường. Việc các cử tri đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu thông qua hình thức gửi thư đã cho thấy tâm lý lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19 đối với kết quả của cuộc bầu cử.
Tính đến sát ngày bầu cử 3/11, ước tính có khoảng 9 triệu cử tri người Mỹ đi bỏ phiếu sớm, trong đó các cử tri của đảng Dân chủ phần lớn chiếm tỷ lệ lớn và cách biệt so với đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 phần lớn lại phụ thuộc rất nhiều vào lá phiếu của các đại cử tri thuộc các bang chiến địa với số phiếu đại cử tri tương ứng như: Florida (29); North Carolina (15); Virginia (13); Iowa (6); Wisconsin (10); Ohio (18).
Phần thắng hay thua đối với hai ứng cử viên sẽ phụ thuộc nhiều vào việc ai sẽ kiểm soát được số phiếu đại cử tri trong các bang chiến địa này.
Để bảo toàn được thắng lợi như cuộc bầu cử năm 2016, ngoài việc đảm bảo các bang luôn ủng hộ đảng Cộng hòa, ứng cử viên Donald Trump buộc phải duy trì thắng lợi tại Texas (38), Arizona (11), Iowa (6), North Carolina (15). Các bang Wisconsin (10); Michigan (16); Indiana (11); Ohio (18); Pennsylvania (20); North Carolina (15); Virginia (13) sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cuộc đua lần này.
Nếu ông Donald Trump giành thắng lợi ít nhất 2 bang chiến địa này, kết quả sẽ nghiêng về đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong trường hợp ông Trump thắng cuộc, chính sách đối ngoại của chính quyền Trump có lẽ sẽ không thay đổi. Chính quyền đương nhiệm tiếp tục sẽ triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở như nhiệm kỳ đầu. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn với Trung Quốc, trong cuộc chiến thương mại và trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, chính quyền Trump có thể sẽ tìm cách khai thông quan hệ với Nga và EU để củng cố lợi ích của mình.
Trong trường hợp ứng cử viên Joe Biden thắng cử, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể có những thay đổi. Chính quyền Biden sẽ tìm cách trở lại các thỏa thuận đa phương và các tổ chức quốc tế mà chính quyền Trump đã rút ra trước đây.
Chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc vẫn sẽ cứng rắn, nhưng cách tiếp cận của Mỹ trong các vấn đề với Trung Quốc sẽ mềm mỏng hơn.
Điểm nổi bật trong chính sách của đối ngoại của ông Biden sẽ là vấn đề dân chủ, nhân quyền và chính sách đối ngoại sẽ kết hợp với chính sách đối nội mang nội dung khá mới đó là chính sách đối ngoại phục vụ cho tầng lớp trung lưu của nước Mỹ.