📞

Bầu cử Mỹ 2024: Không phải tội phạm hay nhập cư, đây mới là vấn đề sẽ 'đốt nóng' cuộc đua giữa ông Trump và bà Harris

Hồng Chuyên 18:14 | 25/08/2024
Vấn đề tiền điện tử được dự báo sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 này do tác động tiềm tàng của ngành công nghiệp này đến nguồn tài chính của các chiến dịch và sự tham gia của các cử tri.

Việc ông Donald Trump công khai chấp nhận và khẳng định Bitcoin sẽ vươn tới tầm cao mới, mong muốn Mỹ dẫn đầu cuộc chơi tại Hội nghị Bitcoin 2024 ở TP. Nashville, bang Tennessee mới đây đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với thái độ hoài nghi trước đó của cựu Tổng thống Mỹ.

"Nếu tiền điện tử định nghĩa tương lai, tôi muốn nó được đào, đúc và làm ra tại Mỹ. Và nếu bitcoin tăng vọt… tôi muốn nước Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu", đài CNN dẫn lời ông Trump.

Động thái chuyển hướng của ông Trump nhanh chóng thu hút được sự chú ý đáng kể của dư luận, phần nào cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tiền điện tử sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của các cử tri Mỹ trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.

Vấn đề tiền điện tử được dự báo sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc đua tranh cử giữa hai ứng cử viên - ông Donald Trump và bà Kamala Harris tháng 11 này. (Nguồn: X Screengrab)

Lập trường của đảng Dân chủ đang thay đổi

Theo truyền thống, lập trường của chính quyền Tổng thống Joe Biden và những đảng viên Dân chủ có tiếng nói, bao gồm Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đều bày tỏ sự quan ngại về tiền điện tử và tập trung vào các rủi ro liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, ổn định tài chính và nguy cơ rửa tiền.

Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ đóng vai trò quan trọng trong lập trường này. Ông ủng hộ việc coi nhiều tài sản tiền điện tử là chứng khoán, vì vậy cần áp dụng các quy định nghiêm ngặt tương tự như các quy định về quản lý cổ phiếu và trái phiếu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vai trò và ảnh hưởng của tiền điện tử ngày càng tăng đã đẫn đến sự thay đổi đáng kể về lập trường trong nội bộ đảng Dân chủ.

Tháng 5/2024, việc thông qua Đạo luật Đổi mới tài chính và công nghệ cho thế kỷ 21 (FIT21) – với sự ủng hộ đáng kể từ đảng Dân chủ - đã cho thấy sự công nhận ngày càng gia tăng của giới chính trị Mỹ về tầm quan trọng của tài sản kỹ thuật số.

Bất chấp sự phản đối ban đầu của chính quyền Tổng thống Biden đối với FIT21, đảng Dân chủ đã sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng để phát triển một khuôn khổ quản lý cân bằng cho tiền điện tử.

Trên thực tế, quan điểm về tiền điện tử trong nội bộ đảng Dân chủ đang có sự chia rẽ đáng kể. Trong khi những Thượng nghị sĩ như bà Warren tiếp tục nhấn mạnh về mối nguy hiểm của tài sản kỹ thuật số, nhiều người khác trong đảng lại thúc đẩy Phó Tổng thống Kamala Harris nhận ra tiềm năng của tài sản kỹ thuật số và tham gia vào ngành công nghiệp này theo cách xây dựng hơn.

Cuộc tranh luận nội bộ trong đảng Dân chủ cũng phản ánh sự căng thẳng giữa đổi mới và quy định. Khi tiền điện tử ngày càng được ưa chuộng, thách thức đối với đảng là cân bằng các lợi ích cạnh tranh này trong khi vẫn bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống tài chính.

Hiện tại, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Kamala Harris vẫn chưa đưa ra lập trường chắc chắn về tiền điện tử. Nhưng chiến dịch của bà đã hợp tác với các cá nhân có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp này trước sức ép từ phía những đảng viên ủng hộ tiền điện tử yêu cầu bà Harris cần áp dụng cách tiếp cận có lợi hơn trong cuộc đua tranh cử.

Theo tờ Politico, tỷ phú Mỹ Mark Cuban đã nhận “nhiều câu hỏi” về tiền điện tử từ chiến dịch của bà Harris, mà ông coi đó là dấu hiệu tích cực. Ông Cuban cho biết, phản hồi cho thấy bà Harris có thể sẽ cởi mở hơn với kinh doanh số, trí tuệ nhân tạo (AI), tiền điện tử… Tuy nhiên, chính bà Harris vẫn chưa xác nhận điều này.

Quan điểm của bà Harris về quy định tiền điện tử có thể quyết định liệu các nhà lãnh đạo giàu có trong ngành có đóng góp cho chiến dịch của bà hay không và có thể giúp huy động các cử tri trẻ tuổi, am hiểu công nghệ - những người ngày càng tham gia nhiều hơn vào tài sản kỹ thuật số.

Việc thành lập Crypto4Harris, một nhóm phụ trách về vấn đề tiền điện tử nhằm giúp nâng cao sức hấp dẫn và giúp bà Harris giành lợi thế trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ đề này trong chặng đua nước rút sắp tới.

Những nỗ lực của nhóm này, bao gồm một loạt các sự kiện, nhằm mục đích đối phó với ảnh hưởng của ông Trump đối với vấn đề tiền điện tử và củng cố mối quan hệ giữa bà Harris và cộng đồng sở hữu tài sản kỹ thuật số.

Ông Tim Walz, ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ - người đồng hành tranh cử của bà Kamala Harris, vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về tiền điện tử, mặc dù những tương tác trước đây của ông với ngành này, bao gồm cả việc trả lại tiền quyên góp từ các giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng FTX, cho thấy ông có cách tiếp cận thận trọng.

Thời điểm then chốt về tương lai tiền điện tử

Từ một người phê bình, chỉ trích gay gắt tiền điện tử, sự thay đổi lập trường của ông Donald Trump với đồng tiền này diễn ra vào đúng thời điểm ông đang tìm cách thu hút các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử của mình từ các nhà lãnh đạo ngành giàu có vốn đầu tư mạnh tay vào không gian tiền điện tử.

Ông Trump đang cố gắng định vị bản thân để giành được sự ủng hộ tài chính của cộng đồng tài sản kỹ thuật số.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý đang diễn ra và số phiếu thăm dò của ông đang có xu hướng giảm, làm dấy lên câu hỏi về tính bền vững trong chiến lược.

Dù vậy, nhiều người nhận định, việc ông tập trung vào tiền điện tử có thể thu hút những cử tri trẻ tuổi đang tham gia vào tài sản kỹ thuật số.

Có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2024 tới đấy sẽ là thời điểm then chốt đối với tương lai của tiền điện tử tại Mỹ.

Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên tiếng chấp nhận tài sản kỹ thuật số và đưa vấn đề này lên hàng đầu, thì vẫn còn những động lực chính trị rộng lớn hơn đang diễn ra.

Đương kim Tổng thống Joe Biden và ứng cử viên của đảng Dân chủ Kamala Harris và những nhân vật chủ chốt khác trong đảng lại đang “vật lộn” với cách tiếp cận ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này.

Khi ranh giới giữa công nghệ và chính trị tiếp tục mờ nhạt, các quyết định được đưa ra trong những tháng tới rất có thể sẽ có những tác động sâu rộng đến tương lai của tài sản kỹ thuật số và vai trò của loại tài sản này trong nền kinh tế toàn cầu.

(theo Asia Times)