Đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris tại một sự kiện vận động tranh cử ở Atlanta, Georgia, tháng 10/2024. (Nguồn: Reuters) |
Một sáng cuối Thu ngay trước ngày bầu cử trên toàn quốc 5/11, tôi lái xe rời khỏi Washington DC lúc 4 giờ sáng. Một màn sương mờ ảo trong ánh sáng đèn đường huyền ảo. Vậy mà thoát ra khỏi đường nhánh để lên đường cao tốc, xe vẫn nườm nượp.
Sở dĩ tôi phải đi sớm vì tối qua tôi có cuộc hẹn gặp ông Bill ở thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pennsylvania lúc 9 giờ sáng. Đây là một trong năm tiểu bang chiến trường của các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ trước đây. Tiểu bang Pennsylvania trong đợt tranh cử này không ngoại lệ, sẽ góp phần quyết định cuộc "so găng" chung kết định mệnh vào tối mai của bà Kamala Harris và ông Donald Trump.
Dự đoán trước "giờ G"
Cho đến thời điểm này, khảo sát của tôi theo kiểu điều tra xã hội học là hỏi trực tiếp từ những người dân Mỹ và xem truyền thông thì tôi cảm thấy cuộc đua sẽ còn rất kịch tính cho đến phút chót. Vì vậy tôi đã gọi cho ông Bill, người bạn thân thiết lâu nay của tôi tại Philadelphia. Tôi muốn gặp ông tại Philadelphia vừa để tham vấn ông vừa để mục sở thị người dân tiểu bang Pennsylvania ủng hộ cho bà Kamala như thế nào.
Khi xe vào địa phận của tiểu bang Pennsylvania, trời đã hửng sáng, từ đầu xa tôi đã nhìn thấy hàng loạt tấm biển quảng cáo dựng bên đường nói về ngày bầu cử sớm và ngày bầu cử chính thức tại bang Pennsylvania và dự báo số người đi bầu năm nay sẽ cao kỷ lục.
Ông Bill và tôi là bạn đã khá lâu. Ông gần 70 tuổi, là một người đã trải qua nhiều công việc khác nhau trong chính quyền của tiểu bang Pennsylvania mấy chục năm. Khi ông nghỉ hưu ở tuổi 67, ông mở văn phòng luật đã gần 3 năm nay ở trung tâm thành phố Philadelphia. Vì thế ông rất hiểu người dân Pennsylvania và chính quyền sở tại.
Vốn hiểu người Mỹ và không muốn mất thời gian nên tôi đi thẳng vào vấn đề, hỏi ông cảm nhận cuộc tranh cử Tổng thống lần này thế nào? Rất hấp dẫn - ông trả lời nhanh, ngắn gọn như vậy. Tôi hỏi là ông sẽ bỏ phiếu cho ai? Kamala Harris, ông cũng trả lời tôi nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát.
Tôi hỏi là tại sao ông muốn bà Kamala làm Tổng thống? Ông đáp: Như bạn biết, bà Harris 59 tuổi, là phụ nữ da màu đầu tiên được chọn làm ứng viên Tổng thống của một chính đảng tại Mỹ - đảng Dân chủ. Chắc bạn cũng biết ngày 26/8/2020, phụ nữ Mỹ đã kỷ niệm tròn 100 năm được Hiến pháp bổ sung trong tu chính số 19 rằng: Phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới.
Cũng đúng dịp kỷ niệm 100 năm sau tu chính 19 ấy, cuối năm 2020, vào ngày 3/11/2020, bà Kamala Harris được vinh danh là phụ nữ quan chức dân cử cấp cao nhất trong lịch sử Mỹ - bà được phê chuẩn làm Phó Tổng thống Mỹ và nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Ngày 8/9/2024, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Harris đã công bố cương lĩnh chính sách mới với tiêu đề “Một con đường mới tiến về phía trước” (A New Way Forward).
Tôi hỏi ông là liệu một người phụ nữ có thể gánh vác trách nhiệm của nước Mỹ - một quốc gia đứng đầu thế giới? Ông Bill nói, tôi nghĩ rằng bà ấy đã có nhiều kinh nghiệm đối ngoại và biết cách giải quyết những vấn đề của nước Mỹ. Vì bà Kamala Harris là một mẫu người phụ nữ tiêu biểu và thông minh. Còn chính sách và các điểm mấu chốt trong những mục tiêu của chính quyền Kamala Harris-Tim Waltz nếu thắng cử thì bà ấy đã nêu rõ ràng.
Kỳ vọng làn gió mới
Ông Bill cho biết, ông muốn nước Mỹ có một sự thay đổi, để phụ nữ có cơ hội trở thành Tổng thống. Từ ngày lập quốc 1776 đến nay, đã 248 năm trôi qua chưa có người phụ nữ nào đảm nhiệm vị trí này.
Lý giải về nguyên nhân tại sao ủng hộ và bỏ phiếu cho bà Kamala Harris, ông Bill bảo qua 46 đời Tổng thống Mỹ, đã chứng kiến hơn mười đời Tổng thống, giữa tranh cử và thực hiện của các ứng viên không phải lúc nào cũng đúng như lời cam kết.
Hơn nữa, một vị Tổng thống đứng đầu một siêu cường hàng đầu thế giới, cần một vị tư lệnh biết kiềm chế và ít bức xúc thái quá. Bên cạnh đó, vị tổng thống ấy cũng không nên thay thế nhân sự trong bộ máy Nhà Trắng như thay áo. Một vị Tổng thống như vậy rất khó có chung tiếng nói, có thể tập hợp để đoàn kết trong một quốc gia đa chủng tộc, đa nguyên và tam quyền phân lập như nước Mỹ. Với lập luận như thế, ông Bill cho rằng, để khắc phục và xử lý tốt các vấn đề trên thì ứng viên Kamala Harris sẽ phù hợp hơn.
Nhiều poster ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris xuất hiện ở bang chiến địa Pennsylvania. (Ảnh: Hà An) |
Khi tôi hỏi về chính sách của bà Kamala Harris sẽ như thế nào đối với trong nước. Trả lời tôi, ông Bill cho rằng, bà Kamala Harris hiểu sâu sắc về tư tưởng xã hội dân chủ. Đó chính là ý nghĩa của 2 chữ P luôn đi liền nhau trong những chính sách kinh tế của Mỹ từ những năm 1960. Hai chữ "P and P" là từ "Poverty and Priorities" trong tiếng Anh, tức là "đói nghèo và ưu tiên".
Chính sách ấy là sự vận dụng tư tưởng xã hội dân chủ của Harrington trong tác phẩm "Có một nước Mỹ khác" (The other America) được xuất bản từ những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ 20. Chính sách này qua nhiều đời tổng thống Mỹ, từ Kennedy đến Obama rồi Joe Biden đều áp dụng. Và trong chính sách tranh cử của bà Kamala Harris cũng khẳng định sẽ tiếp tục như vậy đối với người nghèo và thu nhập thấp vì bà hiểu rõ rằng, nghèo đói là nguyên nhân của mọi tệ nạn xã hội.
Về kinh tế, chính quyền của bà Harris dự kiến sẽ cắt giảm thuế cho hơn 100 triệu người dân Mỹ thuộc tầng lớp lao động và trung lưu, cắt giảm chi phí sinh hoạt hằng ngày thông qua các biện pháp như hỗ trợ thuế cho gia đình có trẻ em, người có thu nhập thấp và trung bình.
Về quyền sinh sản, bà Harris cam kết sẽ ký ban hành đạo luật khôi phục quyền nạo phá thai trên toàn liên bang nếu đạo luật này được Quốc hội thông qua. Về nhập cư, chính quyền của bà Harris sẽ khôi phục đạo luật nhập cư lưỡng đảng. Còn chính sách đối ngoại, bà Harris cũng cho biết, sẽ sẵn sàng đương đầu với các khác biệt, bảo vệ lợi ích và lực lượng Mỹ khỏi các mối đe dọa từ Iran và bảo đảm rằng nước Mỹ, sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh của thế kỷ 21.
Sau hai giờ đồng hồ, cuộc trò chuyện của chúng tôi dường như phần lớn đều tập trung vào ứng viên Kamala Harris và sự thay đổi ở nước Mỹ. Còn ngoài kia, mọi người có suy nghĩ như tôi không thì chắc chắn vào cuối ngày 5/11 giờ Mỹ bạn sẽ biết.
Để kết thúc cho câu chuyện tranh cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, tôi chợt nhớ đến câu nói của nhà Xã hội học Harington của nước Mỹ rằng: "Luôn có hai nước Mỹ trong lòng nước Mỹ". Quả thật như thế, bởi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ nếu nhìn từ hai phía thì sẽ thấy rõ ràng điều ấy.