Bầu cử Mỹ năm nay được đánh giá có ý nghĩa lịch sử. (Nguồn: BBC) |
Cuộc tranh luận ồn ào và hỗn loạn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden là cơ hội đầu tiên để người dân Mỹ cân nhắc về lựa chọn của họ giữa hai ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng này.
Tổng thống Trump bỏ lỡ cơ hội
Ông Trump đã bỏ lỡ một trong ba cơ hội ông có trong các cuộc tranh luận tổng thống năm nay để điều chỉnh đường đua mà ông rõ ràng đang bị tụt lại phía sau (căn cứ vào các cuộc thăm dò trên cả nước và tại các bang chiến trường). Những lần ngắt lời ứng cử viên Biden và người dẫn chương trình Chris Wallace của Trump trở thành những lời công kích rời rạc và không tập trung, và không thể làm “tổn thương” đối thủ. Ông Trump đã không thể hiện hình mẫu truyền thống của một tổng thống như những người tiền nhiệm. Những người ủng hộ nòng cốt nhất của ông đánh giá cao việc ông sẵn sàng thổi bùng chính trường. Tuy nhiên, khó có khả năng các cử tri mà ông Trump cần lôi kéo cảm thấy thuyết phục bởi sự thể hiện hùng hổ này của ông.
Các nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người đang chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử vào tháng 11 tới đã rất tức giận trước sự tập trung gần như duy nhất của ông Trump vào các cử tri nòng cốt.
Trước lượng khán giả đông nhất mà ông từng xuất hiện kể từ khi nhậm chức năm 2016, ông Trump lại một lần nữa nhắm vào mục tiêu hẹp đó. Aaron Kall, giám đốc phụ trách các cuộc thảo luận tại trường Đại học Michigan, nói: “Tổng thống Trump cần lôi kéo các cử tri ôn hòa và ở khu vực ngoại ô với việc thúc đẩy chủ nghĩa lạc quan và một chương trình nghị sự tiên tiến cho nhiệm kỳ hai. Thay vào đó, bức tranh ảm đạm về tội phạm và căng thẳng sắc tộc lại bao trùm khắp cả nước”.
Tổng thống đã không có sự chuẩn bị tranh luận bao quát về các vấn đề trước ngày 29/9, nhưng ông đã chuẩn bị trước kế hoạch mà ông vẫn thường thực hiện: ngắt lời ứng cử viên Biden để công kích ông ta, gia đình ông ta và những gì ông Biden đã thể hiện tại Thượng viện và Nhà Trắng.
Ông Trump nói rằng có thể có tới thêm hàng trăm nghìn người Mỹ khác tử vong do Covid-19 nếu ông Biden giữ vị trí tổng thống. Tuy nhiên, không hề có gì chứng minh cho điều đó.
Ông Trump cũng công kích ứng cử viên Biden vì không lớn tiếng hơn trong việc ủng hộ thực thi pháp luật, cho rằng ông Biden không muốn nói ra vì lo sợ mất đi sự ủng hộ của các cử tri cánh tả cấp tiến. Để công kích tuổi tác và trí nhớ của ông Biden, Tổng thống Trump thậm chí còn nói rằng ông Biden, một người hơn ông chưa đầy 4 tuổi không thể nhớ được ông đang nói những gì.
Ứng cử viên Biden thể hiện sự điềm tĩnh
Trong nhiều tháng qua, các chiến lược gia đảng Dân chủ lo ngại rằng ông Biden có thể mất bình tĩnh và “mắc bẫy” của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, ông Biden, một người đã quen với hai cuộc tranh luận cho chức phó tổng thống và hàng chục cuộc tranh luận với các ứng cử viên khác trong đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2008 và 2020, chủ yếu tỏ ra điềm tĩnh và chỉ thể hiện sự tức giận trước phát biểu của ông Trump xem thường các cựu chiến binh và các thành viên trong quân đội.
Khi con trai út của ông bị công kích, ông Biden đã nói ra những lời tâm huyết nhất: “Con trai của tôi, giống như nhiều người khác, giống như nhiều người mà chúng ta biết, có vấn đề về ma túy”. Ông McKinney nhận xét: “ông Joe Biden đã né tránh những câu nói hớ và sai lầm trong tối 29/9 mà có thể có lợi cho lập luận của Tổng thống Trump rằng ông Biden đã quá già và không phù hợp để trở thành tổng thống”.
Cuộc tranh luận tối 29/9 sẽ giúp thu hẹp tỷ lệ cử tri đang do dự, nhưng không hẳn ở mức độ đáng kể. Trên thực tế, nó có thể dẫn tới hậu quả hiếm thấy đó là làm thu hẹp tổng số cử tri.
Frank Luntz, chuyên gia thăm dò ý kiến của đảng Cộng hòa, người tiến hành cuộc điều tra về cuộc tranh luận này, cho biết một số cử tri chưa quyết định nói rằng họ đã quyết định không đi bỏ phiếu nữa.
Ngay cả trước cuộc tranh luận, các cuộc thăm dò cho thấy chỉ một tỷ lệ nhỏ người dân Mỹ vẫn chưa quyết định về lựa chọn của họ. Michael Bitzer, nhà chính trị học tại trường Đại học Catawba, nói: “Đối với một số ít cử tri đang do dự, nếu họ có thể ngồi lại xem hết 1 giờ 15 phút cuộc tranh luận ngắt quãng đó, họ hẳn vẫn chưa biết chắc được họ sẽ đưa ra lựa chọn nào. Đối với đa phần những người Mỹ đã đưa ra lựa chọn, tôi hoài nghi về việc họ đã nhận thấy được điều gì khiến họ thay đổi quan điểm”.
Cuộc bầu cử mang ý nghĩa lịch sử
Hãy xem xét một tiền lệ bất kỳ trong lịch sử bầu cử Mỹ, kết quả của mỗi cuộc bầu cử trong số này đều tác động tới đường hướng và chính sự tồn tại của nền cộng hòa Mỹ. Cuộc bầu cử có kết quả sít sao năm 1800 giữa ông Aaron Burr, một nhân vật vô nguyên tắc với xu hướng độc tài (có thể được ví với Tổng thống Donald Trump thời đó) và cựu Tổng thống Thomas Jefferson là một ví dụ đáng chú ý.
Hay cuộc cạnh tranh năm 1860 mà trong đó cựu Tổng thống Abraham Lincoln đối đầu với ông Stephen Douglas, trong bối cảnh cuộc nội chiến Mỹ sắp nổ ra. Hoặc cuộc bầu cử năm 1932 trong thời kỳ Đại suy thoái, mà những rủi ro khi đó lớn đến nỗi khi có người cảnh báo cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt rằng người ta sẽ coi ông là vị tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ nếu kế hoạch khôi phục kinh tế của ông thất bại, ông Roosevelt đã trả lời: “Nếu chương trình này thất bại, thì tôi sẽ là vị tổng thống cuối cùng của nước Mỹ”.
Các nhà sử học, nhà khoa học chính trị, nhà ngoại giao, quan chức an ninh quốc gia và các chuyên gia khác có sự đồng thuận rất đáng chú ý khi họ đều cho rằng cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cựu Phó tổng thống Joe Biden tháng 11 tới đây cũng có tác động to lớn không kém gì những tiền lệ lịch sử nói trên. Quả thật, tác động của nó rất có thể còn lớn hơn thế, khi xét tới vai trò trung tâm hiện nay của Mỹ trong hệ thống toàn cầu.