Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trực diện với cựu Phó Tổng thống Joe Biden hoặc Thượng nghị sỹ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 tới ở Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Tại 15 bang đồng thời có cuộc bầu cử sơ bộ để chọn lựa người của đảng Dân chủ sẽ được đề cử làm ứng cử viên chính thức tại đại hội đảng cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ. Trước đấy, mà chỉ sau các cuộc bầu cử sơ bộ ở 4 bang, các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã giảm từ 8 xuống còn 6. Cựu thị trưởng một đô thị Pete Buttigieg và thượng nghị sỹ Amy Klobuchar đã buông bỏ ước mộng quyền lực.
Sau ngày Siêu thứ Ba, tỷ phú Michael Bloomberg cũng đã bỏ cuộc. Ba người nữa chắc rồi đây cũng sẽ cài số lùi và còn làm việc này sớm chứ không muộn. Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trực diện với cựu Phó Tổng thống Joe Biden hoặc Thượng nghị sỹ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11 tới ở Mỹ.
Vừa thắng lại vừa thua
Đúng 8 tháng trước cuộc đấu tay đôi ấy, ông Biden đã có cuộc xoay chuyển tình thế rất ngoạn mục và ông Sanders chiến thắng cũng rất ấn tượng. Chỉ có điều là cục diện sau ngày Siêu thứ Ba bắt đầu trở nên có lợi cho ông Biden nhiều hơn là cho ông Sanders.
Ông Biden tận lợi được từ sự rút lui của ông Buttigieg và của bà Klobuchar, từ quyết định theo lý trí của người trong phe đảng Dân chủ muốn có ứng cử viên tổng thống với triển vọng và khả năng cao hơn đánh bại được ông Trump. Họ ủng hộ ông Biden vì người này có quan điểm ôn hoà chứ không thái quá như ông Sanders. Họ chấp nhận ông Biden cho dù người này vẫn chưa có được cương lĩnh tranh cử rõ ràng và cụ thể trong khi ông Sanders lại có bởi không thật sự tin tưởng vào tính khả thi của cương lĩnh tranh cử của ông Sanders.
Chiều hướng diễn biến ở phía đảng Dân chủ là như thế. Nhưng phần thắng cũng rất ấn tượng của ông Sanders cho thấy phe này hiện không có sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ và đồng thuận nhất trí trong quan điểm chính sách.
Trong ngày Siêu thứ Ba vừa qua, phe này cho thấy đã nhận thức được là phải khắc phục tình trạng phân rẽ và bất hoà nói trên, nhưng lại hành động chưa đủ mức quyết liệt. Vì thế, cả ông Biden lẫn ông Sanders đều vừa thắng lại vừa thua và chỉ có ông Trump có lý do xác đáng để vui mừng thật sự.
Phe đảng Dân chủ hiện mới chỉ đã thức chứ chưa thực sự tỉnh mà nếu cứ tiếp tục đắm mình trong tình trạng này thì ông Trump không chỉ chắc chắn tái đắc cử mà còn đắc cử dễ dàng hơn hồi năm 2016.
Phân hóa trầm trọng
Phe này còn tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ cho tới khi tổ chức đại hội đảng vào tháng 6 tới. Nếu từ nay cho tới khi ấy, các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này tiếp tục diễn biến như đã thấy trong ngày Siêu Thứ Ba vừa qua thì khả năng dễ xảy ra nhất là cả ông Biden lẫn ông Sanders đều không giành về đủ ít nhất 1991 đại biểu dự đại hội để được đảng đề cử chính thức.
Nếu đại hội này phải quyết định lựa chọn giữa một trong hai người thì ông Sanders sẽ gặp khó khăn nhiều hơn là ông Biden bởi ông Biden được giới chức sắc trong đảng Dân chủ ủng hộ và bởi đa phần trong diện Siêu đại biểu không ủng hộ ông Sanders.
Không có cái gì bộc lộ rõ ràng hơn sự phân hoá trầm trọng trong nội bộ phe đảng Dân chủ bằng cuộc đấu tay đôi giữa ông Biden và ông Sanders tại đại hội đảng. Ở những tháng ngày vận động tranh cử tiếp sau đấy, người được phe đảng Dân chủ chính thức đề cử làm ứng cử viên tổng thống rồi sẽ bận bịu với việc tìm cách khắc phục sự phân rẽ kia nên không thể tập trung được mọi trí lực của cá nhân và huy động được trí lực của toàn đảng cho cuộc ganh đấu với ông Trump.
Cơ hội đảng Dân chủ đẩy ông Trump ra khỏi Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống mới bây giờ là sự hợp tác và đồng hành chứ không phải cuộc huynh đệ tương tàn giữa ông Biden và ông Sanders, mà lại còn phải càng thành thật và càng nhanh chóng càng tốt. Nói theo cách khác, một trong hai người không chỉ phải chấp nhận nhường chỗ cho người còn lại mà đồng thời phải kêu gọi, vận động và thuyết phục những người ủng hộ mình chuyển sang ủng hộ người kia.