Liên minh Dân sự do ông Donald Tusk (ảnh) dẫn đầu đứng trước cơ hội lớn để thành lập chính phủ mới tại Ba Lan. (Nguồn: Getty Images) |
Trước khi các điểm bỏ phiếu tại Ba Lan đóng cửa vào lúc 21h ngày 15/10, giới quan sát đã nhận định đây là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ khi Cộng hòa Ba Lan đệ tam thành lập năm 1989.
Sự thay đổi ở cấp độ chính phủ có thể mang tới nhiều điều chỉnh đáng kể trong hàng loạt vấn đề đặc biệt quan trọng của Warsaw và Liên minh châu Âu (EU), tổ chức mà quốc gia Đông Âu là thành viên. Đó là các vấn đề trong nước như trật tự hiến pháp, quyền của người LGBTQ+, quyền nạo phá thai, phát triển kinh tế… tới những câu chuyện quốc tế như lập trường về xung đột Nga-Ukraine, EU, hay quan hệ với Ukraine và Đức…
Cũng vì lẽ đó, tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu lần này lên tới 74,16%, con số cao kỷ lục trong lịch sử của Cộng hòa Ba Lan đệ tam và bỏ xa cột mốc 63% năm 1989.
Đáng chú ý, kết quả chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng đối lập. Tính đến tối ngày 16/10 (giờ địa phương), đảng Liên minh Dân sự do cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk dẫn dắt đang có ưu thế. Lực lượng này hiện giành 30,4% số phiếu và có thể chiếm 248/460 ghế Quốc hội.
Phát biểu sau bầu cử, ông Tusk nêu rõ: “Tôi đã làm chính trị nhiều năm và luôn cố gắng để trở thành người đứng đầu. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi lại cảm thấy vui tới vậy khi về nhì. Ba Lan đã chiến thắng. Dân chủ đã chiến thắng…”.
Lá phiếu của cử tri cũng bày tỏ lập trường, thái độ về chính quyền đương nhiệm. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) nhận được 35,73% số phiếu, giảm mạnh so với con số 44% (2019) và dự kiến nắm 200/460 ghế tại Quốc hội. Liên minh tiến ba Con đường thứ ba (TD) nhận được 14,42% phiếu, đảng Cánh tả mới 8,55%. Đảng liên minh với PiS, đảng Liên đoàn, chỉ vượt ngưỡng 7,15%.
Euronews cho rằng kết quả này phản ánh thái độ của cử tri trước tỷ lệ lạm phát cao của nền kinh tế, chủ nghĩa thân hữu, lập trường cứng rắn trong một số vấn đề xã hội cũng như rắc rối với EU nói chung và một số quốc gia đồng minh nói riêng.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Mateusz Morawiecki vẫn tuyên bố đảng này chiến thắng: “Chúng ta đã chiến thắng. PiS là người chiến thắng bầu cử Quốc hội năm 2023”. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cũng thừa nhận rằng nếu kết quả các cuộc thăm dò là chính xác, PiS đang rơi vào thế khó.
Dù là đảng giành được nhiều phiếu nhất, song liên minh của PiS với đảng Liên bang cực hữu chỉ có 212 ghế, chưa đủ để đứng ra thành lập chính phủ. Trong bối cảnh đó, Liên minh Dân sự do ông Donald Tusk lãnh đạo nhiều khả năng giành quyền thành lập chính phủ trước khi PiS và đảng Liên bang có cơ hội.
Việc Liên minh Dân sự lên nắm quyền sẽ mang lại thay đổi gì ở Ba Lan?
Trước hết, về đối nội, cử tri kỳ vọng rằng chính quyền mới sẽ có điều chỉnh liên quan hệ thống tư pháp, quyền của người LGBTQ+, quyền nạo phá thai, vấn đề bảo vệ môi trường. Câu chuyện về di cư, tuổi nghỉ hưu và một số vấn đề khác, vốn được trưng cầu ý dân cùng lúc với bầu cử, cũng là chủ đề được quan tâm.
Trên bình diện khu vực, trái ngược với thái độ hoài nghi EU của ông Morawiecki, ông Donald Tusk vẫn cho thấy sự tin tưởng vào tổ chức này, nơi ông từng đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, chính trị gia này ủng hộ Warsaw tiếp tục hợp tác sâu rộng với châu Âu vì lợi ích cho cả hai bên.
Ngoài ra, quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine có thể hạ nhiệt khi đảng Liên bang cực hữu, vốn chỉ trích Kiev “không trân trọng” sự giúp đỡ của Warsaw, không còn nằm trong liên minh cầm quyền.
Trong bối cảnh đó, liệu Liên minh Dân sự có thể “thay đổi cuộc chơi” tại Ba Lan như được kỳ vọng, hay PiS có cơ hội để tiếp tục giữ ghế?