📞

Bầu cử Quốc hội khóa XV: Tinh thần mới, khí thế mới, chất lượng mới, đáp ứng thời kỳ phát triển mới của đất nước

Vũ Đăng Minh 14:00 | 16/06/2021
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV thực sự là ngày hội non sông, minh chứng sinh động, rõ nét, thuyết phục của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của lòng dân tin Đảng, hướng về Đảng...
Cụ Trần Quang Nhuận (SN 1946) và anh Nguyễn Xuân Trường (SN 2003) là người sinh vào năm bầu cử Quốc hội khóa I và người lần đầu tiên đi bầu cử tại Tổ bầu cử số 2, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Sự kiện đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt

15 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội đều là các sự kiện lớn của đất nước, dân tộc và nhân dân. Trong đó có 4 lần được xem là dấu mốc đặc biệt. Thứ nhất là Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ngày 6/1/1946 chỉ sau ngày lập nước gần 4 tháng và trước ngày toàn quốc kháng chiến hơn 11 tháng.

Thứ hai là kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam độc lập, thống nhất (25/4/1976). Thứ ba là kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội trong giai đoạn bước ngoặt của đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, thông qua Hiến pháp của thời kỳ đổi mới (19/4/1987). Thứ tư là kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tính đặc biệt của kỳ này là bầu cử đại biểu Quốc hội góp phần thực hiện lộ trình đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới trong 10 năm (2021-2030), hướng đến 100 năm ngày kỷ niệm thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2030) và 100 năm ngày kỷ niệm thành lập nước (2/9/1945-2/9/2045) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Những đóng góp to lớn của Quốc hội khóa XIV vừa qua và mục tiêu phát triển đất nước thời kỳ mới đòi hỏi phải có một Quốc hội ở tầm cao hơn. Không tính thời kỳ đất nước có chiến tranh thì kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn.

Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư xuất hiện trên gần nửa số tỉnh, thành phố, có nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly. Làm sao tổ chức bầu cử an toàn, đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật là một bài toán khó. Đó là một trong những lý do thu hút sự quan tâm của truyền thông, dư luận trong nước và quốc tế.

Càng khó khăn càng phải quyết tâm, sáng tạo

Trước hết, chúng ta đã chuẩn bị rất chu đáo, chặt chẽ từ Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị, đề án nhân sự, công tác tổ chức, bảo đảm, vận động bầu cử, tiếp xúc, lấy ý kiến cử tri đến hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.

“Cái khó ló cái khôn”, nhiều sáng kiến ra đời. Công nghệ thông tin, công nghệ số được ứng dụng trong tuyên truyền bầu cử, nắm thông tin, theo dõi tình hình, thiết lập cầu truyền hình trên các địa phương cả nước, trong ngày bầu cử. Tiếp xúc cử tri kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, phát trên hệ thống truyền thông công cộng, để đông đảo người dân được theo dõi, tìm hiểu chương trình hành động, lời hứa của người ứng cử.

Nhiều hình thức sáng tạo áp dụng trong trường hợp đặc biệt, bảo đảm cho đông đảo người dân trong và ngoài nước được tham gia bầu cử. Chỉ riêng ổ dịch Bắc Giang đã tổ chức thêm hơn 4.300 hòm phiếu phụ, khắc thêm 2.333 con dấu, phục vụ cho cử tri cách ly tại khu vực tập trung và tại nhà. Tổ chức bỏ phiếu sớm cho các đảo, các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an ninh, an toàn trong ngày bầu cử.

Quá trình chuẩn bị bầu cử, mọi đơn thư, ý kiến phát hiện, tham gia về người ứng cử đều được xử lý nghiêm túc, thấu đáo. Một số người ứng cử bị xóa tên hoặc cho rút khỏi danh sách vì vi phạm tiêu chuẩn, quy định, bất kể giữ cương vị nào. Sau bầu cử lại tiếp tục xử lý các đơn thư khiếu nại tố cáo người trúng cử.

Mọi nỗ lực đều hướng đến bảo đảm cho tất cả công dân được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình và bầu ra một Quốc hội xứng tầm.

Cử tri là người dân dộc đến làm thủ tục bỏ phiếu tại điểm bầu cử số 1, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. (Nguồn: TTXVN)

Những con số biết nói

Trong kỳ bầu cử này, số dư giữa người ứng cử và số đại biểu được bầu khá cao. Cả nước có 866 người ứng cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội; tại mỗi đơn vị bầu cử, số dư lên đến 40% (5 người ứng cử để bầu 3 đại biểu); tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn người xứng đáng nhất.

Nhân dân đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội (một người đủ số phiếu trúng cử nhưng không được xác nhận tư cách đại biểu), đạt 99,8%. Cơ cấu đại biểu Quốc hội có tính đại diện cao, phù hợp với đặc điểm, điều kiện và nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Quốc hội có 151 đại biểu nữ (30,26%), 89 đại biểu người dân tộc thiểu số (17,84%), 47 đại biểu dưới 40 tuổi (9,42%), 296 đại biểu tham gia lần đầu (59,32%), 193 đại biểu chuyên trách (38,6%)…

Tỷ lệ đại biểu trẻ, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử và trình độ chuyên môn của đại biểu đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu chuyên trách cao hơn các nhiệm kỳ trước; 2 dân tộc thiểu số lần đầu tiên có đại biểu đại diện cho cộng đồng của mình.

498/499 đại biểu có trình độ đại học và trên đại học; về học hàm có 12 giáo sư, 20 phó giáo sư. Chất lượng như vậy là cơ sở để kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ phát huy tốt nhất chức năng cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Chính phủ, Quốc hội…, tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội đều trúng cử với tỷ lệ cao, từ khoảng 80% trở lên, nhiều đồng chí đạt trên 90% số phiếu. Đặc biệt, 4 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đạt từ trên 93% đến 99,89%. Đó không chỉ là uy tín của cá nhân mà chính là lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trang web của TThông tấn xã Pathet Lào (KPL) đưa tin Việt Nam tổ chức thành công bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. (Ảnh chụp màn hình)

Tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 người, đạt tỷ lệ 99,6%, cao hơn 2 triệu so với kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV; địa phương thấp nhất cũng đạt trên 98%.

Không một mệnh lệnh hành chính nào, một sự áp đặt nào có thể buộc người dân hưởng ứng một cách hồ hởi, đông đảo như vậy.

Ở một số quốc gia phát triển, tỷ lệ người tham gia bầu cử trong điều kiện bình thường chỉ khoảng 70-80%, thậm chí còn thấp hơn.

Trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19 và so sánh với nhiều nước khác, con số đó càng đặc biệt có ý nghĩa, là một chỉ số quan trọng về ý thức chính trị, quyền làm chủ, lòng tin của nhân dân, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam.

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV được đánh giá với sự nhất trí cao là tổ chức dân chủ, đúng pháp luật, tiết kiệm, tuyệt đối an toàn, thành công rất tốt đẹp, thực sự là ngày hội non sông, ngày hội của dân tộc. Đó là minh chứng sinh động, rõ nét, thuyết phục của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của lòng dân tin Đảng, hướng về Đảng, lòng tin vào chế độ, tiền đồ tươi sáng của đất nước, dân tộc; đập tan mọi chiêu trò, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động.

Thành công trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV là kết quả của việc chuẩn bị kỹ lưỡng theo Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử, sự nỗ lực tận tâm của Hội đồng bầu cử các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của toàn dân. Từ đó có thể rút ra những bài học có giá trị cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thành công trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV thể hiện một tinh thần mới, một khí thế mới, một chất lượng mới, góp phần cho đất nước, dân tộc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vươn lên một tầm cao mới.