Đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donal Trump giành thắng lợi áp đảo trong ngày Siêu thứ Ba. (Nguồn: abc7.com) |
Điều dễ thấy và những kỷ lục
Ngày bầu cử Siêu thứ Ba đã hoàn thành trọng trách. Kết quả đúng như dự báo, không xảy ra cơn địa chấn, không có bước ngoặt. Đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donal Trump giành thắng lợi áp đảo. Mỗi ứng viên cũng gặp thất bại, nhưng kết quả chung cao hơn cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020. Thời điểm này có thể khẳng định, Tổng thống Joe Biden không có đối thủ. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley sẽ phải từ bỏ cuộc đua với ông Trump.
Tháng 11/2024 sẽ tái lặp cuộc đua “song mã” giữa đương kim và cựu Tổng thống nhiệm kỳ trước. Hai đảng, hai ứng viên sẽ dốc mọi nỗ lực cho chiến dịch vận động tranh cử, thu hút tài chính, khắc phục những rắc rối, để chiến thắng trong cuộc đấu một mất một còn. Đây là cuộc bầu cử sơ bộ ít tính cạnh tranh nhất và chiến dịch vận động tranh cử tổng thống dài nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.
Còn khoảng tám tháng nữa mới đến ngày bầu cử chính thức. Không nghi ngờ cuộc bầu cử Mỹ năm nay xác lập kỷ lục về Tổng thống già nhất (ông Biden 81 tuổi và ông Trump 77 tuổi). Nếu ông Trump thắng cử, lịch sử lặp lại lần thứ hai, sự kiện một ứng cử viên tổng thống thất bại giành chiến thắng ở nhiệm kỳ tiếp theo.
Quá trình bầu cử năm 2024 ẩn chứa không ít vấn đề đáng chú ý, không chỉ với người Mỹ mà còn với thế giới.
Tiếp theo thế nào và có thể trông đợi gì?
Đến thời điểm này, quá trình bầu cử sơ bộ diễn ra êm đềm, theo đúng dự báo. Ai sẽ thắng và xảy ra sự cố, tương tự như năm 2020, tranh cãi về gian lận phiếu bầu không? Cử tri Mỹ và cộng đồng quốc tế chờ đợi gì ở cuộc bầu cử này? Có thể đưa ra một vài bàn luận sau:
Một, cử tri Mỹ quan tâm những gì? Bầu cử sơ bộ cho thấy, mối quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ là các vấn đề đối nội như kinh tế, chính sách nhập cư, an sinh xã hội. Kinh tế là số một. Sau đó mới đến các vấn đề liên quan đến toàn cầu như đối ngoại, biến đổi khí hậu...
Trước đây, người Mỹ quan tâm có mức độ đối với chính sách đối ngoại. Các cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Dải Gaza, eo biển Đài Loan… dẫn đến sự thay đổi. Khoảng 50% số người được khảo sát coi đối ngoại là một trong năm vấn đề ưu tiên. Ngoài ra còn những vấn đề cụ thể như kiểm soát súng đạn, chi phí y tế, chăm sóc sức khỏe, quyền nạo phá thai, tỷ lệ tội phạm, cơ hội làm việc và khủng bố… Quan điểm của đảng Dân chủ, Cộng hòa và hai ứng cử viên về các vấn đề trên sẽ chi phối lớn đến kết quả bầu cử.
Hai, ai sẽ thắng? Số liệu sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên khá sít sao. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 46-48%, ông Biden là 43-44%. Mức dẫn của ông Trump có xu hướng thu hẹp. Trong ngày bầu cử Siêu thứ Ba, hai ứng cử viên cơ bản vượt qua các rắc rối. Ông Trump được Tòa án tối cao chấp nhận không vi phạm tư cách ứng cử viên tổng thống; các vụ kiện liên quan không ảnh hưởng nhiều. Phản ứng của một bộ phận cử tri đảng Dân chủ đối với chính sách đối ngoại liên quan đến khủng hoảng Dải Gaza tác động có mức độ với ông Biden.
Tuy nhiên, “đêm dài lắm mộng”, cách nhìn của cử tri về các vướng mắc không hẳn đồng nhất với thành viên của hai đảng. Gần chục phần trăm người được khảo sát chưa có ý kiến, cũng là nhân tố quan trọng. Kết quả cuối cùng có thể thay đổi; không loại trừ đột biến liên quan đến vướng mắc pháp lý của ông Trump hoặc xảy ra tranh cãi kết quả bầu cử như năm 2020.
Ba, thế giới trông đợi gì? Quan điểm, chính sách của hai đảng có những nội dung cụ th khác nhau, nhưng cơ bản vẫn là duy trì thế giới đơn cực, vị trí siêu cường số một; tranh giành và bảo vệ lợi ích chiến lược của Mỹ trên phạm vi toàn cầu...
Sau bầu cử, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể có điều chỉnh. Chính sách của Mỹ sẽ tác động đến các điểm nóng, quan hệ quốc tế và đối thủ, đối tác, đồng minh... Nhưng ở mức điều chỉnh cụ thể về sách lược, cách tiếp cận..., bản chất không thay đổi. Các quốc gia cần chủ động thích ứng, tránh chờ đợi, phụ thuộc vào bên ngoài.
Bốn, không nên áp đặt. Một số cử tri Mỹ nhận xét các ứng viên tổng thống đều “có tuổi”, khó bảo đảm sức khỏe cho nhiệm kỳ tiếp theo, nhất là với vai trò của cường quốc hàng đầu. Rút cục, cử tri Mỹ chỉ có thể lựa chọn một trong hai ứng viên của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ. Không một ứng viên đảng phái khác hoặc tự do nào có thể chen chân vào. Nhiệm kỳ 2025-2030, xu hướng già hóa vẫn tiếp diễn.
Quy trình bầu cử Tổng thống Mỹ có nhiều giai đoạn, với các quy định đặc biệt, lựa chọn kỹ càng, phù hợp với lịch sử, truyền thống xứ cờ hoa. Tuy vậy, lịch sử bầu cử Mỹ từng chứng kiến không ít sự cố hi hữu và thừa nhận có những tổng thống “bình thường”! Các vấn đề liên quan đến mô hình, thể chế cũng vậy. Lấy tiêu chí của mình áp vào quốc gia khác là điều không nên, không phù hợp.
| Bầu cử Mỹ: Siêu thứ Ba gay cấn, cuộc đua vào Nhà Trắng đang định hình rõ nét Siêu thứ Ba lần này liệu có phải là ngày 'bội thu' để các ứng cử viên Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump và ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Trước thềm Siêu thứ Ba, ông Donald Trump tuyên bố giành 'chiến thắng lớn' Ngày 4/3, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết rằng, cựu Tổng thống Donald Trump có thể tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ ... |
| Bầu cử Mỹ Siêu thứ Ba: Những thắng lợi đầu tiên của ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump - kẻ 8 lạng người nửa cân Các cử tri của 15 bang và một vùng lãnh thổ đồng loạt tiến hành bỏ phiếu trong ngày Siêu thứ Ba (5/3), chọn ra ... |
| Bầu cử Mỹ Siêu thứ Ba: Thất bại đầu tiên của hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden, ai sắp cán đích? Rạng sáng 6/3 (theo giờ Bờ Đông, tức trưa cùng ngày giờ Việt Nam), có thêm các kết quả bầu cử của cả đảng Cộng ... |
| Bầu cử Mỹ 2024: Đối thủ đáng gờm bỏ cuộc, ông Donald Trump ung dung tới trận 'tái đấu' Tổng thống Biden, lập tức đề cập xung đột Ukraine, Gaza Sáng 6/3 (giờ Mỹ), ứng cử viên của đảng Cộng hòa Nikki Haley tuyên bố ngừng chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, ... |