TIN LIÊN QUAN | |
PHÂN TÍCH. Bầu cử Mỹ 2020: Trận chung kết bắt đầu | |
Bầu cử Mỹ 2020: Bà Harris chính thức tiếp nhận đề cử liên danh Phó Tổng thống với ông Biden |
Đề xuất bỏ phiếu qua thư đã dấy lên tranh cãi, bất đồng trong nội bộ Mỹ (Nguồn: USA Today) |
Cuộc đua trên con đường giành ghế chủ nhân Nhà Trắng nhiệm kỳ 2021 - 2025 đang bước vào giai đoạn nước rút, khi chỉ chưa đầy ba tháng nữa, cuộc bầu cử chính thức sẽ diễn ra. Trong thời điểm này, Tổng thống Donald Trump – đại diện Đảng Cộng hòa và Joe Biden - ứng cử viên sáng giá của Đảng Dân chủ, đang nỗ lực triển khai các chiến dịch kêu gọi bầu cử, tranh giành mọi ưu thế để vượt mặt đối thủ.
Không thể phủ nhận, nước Mỹ đang bước vào thời kỳ hết sức đặc biệt, chưa có cuộc vận động bầu cử nào diễn ra mà vướng phải nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Do tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và để đảm bảo sự an toàn cho người dân, nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ đã đưa ra đề xuất để các cử tri bỏ phiếu qua thư.
Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu hoãn bầu cử, động thái thể hiện sự phản đối với ý kiến của phe Dân Chủ. Cụ thể, ông viết trên Twitter: “Hoãn bầu cử cho đến khi người dân có thể bỏ phiếu an toàn, đúng cách và chính xác thì sao lại không?”, ông cũng cho rằng, với việc bỏ phiếu phổ thông qua thư (không phải phiếu vắng mặt), năm 2020 sẽ là cuộc bầu cử sai trái và gian lận nhất trong lịch sử và đây sẽ trở thành nỗi xấu hổ lớn của nước Mỹ.
Tranh cãi nội bộ
Đề xuất bỏ phiếu qua thư này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong nội bộ Mỹ, thậm chí gây tranh cãi giữa các đảng phái, chính quyền các bang.
Những thành viên Đảng Dân chủ cho rằng sự thay đổi hình thức bầu cử là cấp thiết và Quốc hội Mỹ phải thực hiện sự thay đổi này trước cuộc bầu cử chính thức vào tháng 11 tới đây.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của bang Minnesota, thành viên đảng Dân chủ đứng đầu của Ủy ban Luật Thượng viện cho rằng nước Mỹ phải có những hành động hiệu quả để đảm bảo mọi người dân Mỹ vẫn được bầu cử trong sự an toàn tối đa. Cụ thể, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang thúc đẩy huy động gói tài chính bổ sung 2 tỷ USD trong gói cứu trợ Covid-19 cho khả năng phải tiến hành bỏ phiếu qua thư điện tử và bỏ phiếu vắng mặt.
Ngược lại, Đảng Cộng hòa từ lâu đã phản đối hình thức bầu cử qua thư, cho rằng hình thức “lỏng lẻo” này sẽ dễ gây ra tình trạng gian lận phiếu bầu, do đó luôn ủng hộ việc thắt chặt các quy trình và luật lệ bầu cử ở Mỹ. Hơn nữa, phe Cộng hòa còn cho rằng hình thức này sẽ tạo bất lợi cho những ứng cử viên của mình, trong khi đó đảng Dân chủ sẽ được hưởng lợi.
Thượng nghị sĩ John Cornyn của bang Texas trong bài phỏng vấn với tờ New York Times nói: “Thông qua việc ủng hộ bầu cử qua thư điện tử, những thành viên đảng Dân chủ muốn chính quyền liên bang sẽ kiểm soát cuộc bầu cử lần này nhưng thực tế trong lịch sử, chính quyền các bang mới là nơi đứng ra kiểm soát”. Ông cho rằng, hệ thống bầu cử phân rải ở chính quyền các bang của đảng Cộng hòa là rất hiệu quả trong việc hạn chế tiêu cực, gian lận hay sự can thiệp vào bầu cử.
Bên cạnh đó, phát biểu trên Đài ABC, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci nói, việc bỏ phiếu trực tiếp vẫn an toàn nếu các cử tri tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Đa số người dân Mỹ ủng hộ việc chuyển sang hình thức bầu cử qua thư để đảm bảo mọi người có thể an toàn trước đại dịch. Theo NPR, một khảo sát gần đây của Pew Research Center cho thấy có hơn 70% người dân Mỹ ủng hộ hình thức này và trong số đó có 49% là những người theo đảng Cộng hòa. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, việc bầu cử qua thư cũng đã trở nên phổ biến hơn ở Mỹ. Năm 2018, trong cuộc bầu cử tín nhiệm Tổng thống, có khoảng 1/4 cử tri bỏ phiếu qua thư.
Hình thức không còn mới
Việc bầu cử qua thư hay hình thức “phiếu vắng mặt” không phải là mới ở Mỹ. Trước đó, một số bang đã bắt đầu mở rộng hình thức này từ cuối thế kỉ XIX để tạo điều kiện cho những người bỏ phiếu ở xa hay bị ốm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, đã có 46 bang cho phép bầu cử qua thư. Một số bang cho phép toàn bộ người bỏ phiếu bầu cử qua thư và một số bang khác yêu cầu người bỏ phiếu phải có lý do để sử dụng hình thức này.
Một số chuyên gia cho rằng, những chỉ trích của Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa về việc gian lận cử tri cao hơn là chưa có căn cứ rõ ràng. Theo số liệu thực tế gần đây từ Phòng nghiên cứu dữ liệu và khoa học bầu cử thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), trong 20 năm qua đã có hơn 250 triệu phiếu bầu qua thư ở Mỹ và chỉ có 143 trường hợp gian lận phiếu bầu.
Thực tế ở năm bang đi đầu về hình thức này: Colorado, Hawaii, Oregon, Utah và Washington, ghi nhận rất ít trường hợp gian lận. Trong đó, bang Utah có nhiều phiếu bầu qua thư nhất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018. Theo số liệu thu thập bởi tờ New York Times, từ năm 2000, bang tiên phong với bỏ phiếu qua thư là Oregon ghi nhận vài chục trường hợp gian lận, chiếm tỉ lệ 0.00001% trong tổng số hơn 100 triệu lá phiếu. Một số chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực bầu cử ở Mỹ cũng khẳng định rằng, gian lận bầu cử ở nước này là rất hiếm.
Chỉ còn vài tháng nữa cho đến ngày tổng bầu cử 3/11, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra, nước Mỹ đang trải qua một trong những thời kỳ biến động nhất về kinh tế lẫn chính trị, Chính phủ Mỹ cần nhanh chóng đưa ra quyết định để có sự chuẩn bị tốt nhất đảm bảo cho tiến trình bầu cử Tổng thống và quyền lợi của người dân.
| Bầu cử Mỹ 2020: Đại hội đảng Dân chủ chính thức chọn ông Biden tranh cử, cơ hội tranh thủ ủng hộ của cử tri TGVN. Sáng 19/8 (theo giờ Hà Nội), Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ đã chính thức chọn cựu Phó Tổng thống Joe Biden ... |
| Bầu cử Mỹ 2020: Đảng Dân chủ khai mạc Đại hội toàn quốc, đề cử đối thủ chính thức của Tổng thống Trump TGVN. Sáng 18/8 ( theo giờ Việt Nam), đảng Dân chủ của Mỹ đã khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 49 (DNC) tại ... |
| Lý do Tổng thống Mỹ có thể không gặp nhà lãnh đạo Nga trước bầu cử? TGVN. Ngày 16/8, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien tuyên bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không tổ chức một ... |