Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. (Nguồn: Reuters) |
Những ngày qua, tâm điểm của truyền thông thế giới xoay quanh nỗ lực ám sát bất thành ông Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 60. Vụ việc diễn ra khi cựu Tổng thống Mỹ chuẩn bị phát biểu vận động tranh cử tại thị trấn Butler, bang Pennsylvania. May mắn thay, ông chỉ bị thương nhẹ ở tai. Mật vụ Mỹ đã bắn hạ thủ phạm Thomas Matthew Crooks tại hiện trường. Vụ tấn công khiến một người thiệt mạng và bốn người bị thương.
Hiện các cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ động cơ của thủ phạm. Tuy nhiên, chắc chắn vụ việc sẽ tác động đáng kể tới cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Vậy những tác động đó là gì?
Biến nguy thành cơ
Trước hết, ông Donald Trump đã khéo léo tận dụng vụ ám sát bất thành để xây dựng, củng cố vị thế trong nội bộ đảng Cộng hòa và hành trình trở lại Nhà Trắng. Hình ảnh chính trị gia này, bất chấp vết thương ở tai đang chảy máu và nguy cơ bị tấn công, giơ nắm đấm lên không trung và hét “Chiến đấu! Chiến đấu!” sẽ trở thành hình ảnh khó quên với cá nhân ông và người dân xứ cờ hoa, cho dù kết quả cuộc bầu cử tới thế nào.
Tờ The Conversation (Mỹ) nhận định: “Hình ảnh của ông Trump (khi bị thương) có sức tác động mạnh mẽ hơn cả chiến dịch tranh cử hàng trăm triệu USD”. Tương tự, phát biểu tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa (RNC) ngày 16/7 ở Milwaukee, cựu Thống đốc bang Wisconsin Tommy Thompson nhấn mạnh: “Đảng Cộng hòa đang có cơ hội lớn nhất mà tôi từng thấy để chiến thắng áp đảo (trong cuộc bầu cử tới)”.
Ông Trump đã không bỏ qua cơ hội này. Thay vì lùi ngày tham dự RNC như đồn đoán, ông đã xuất hiện ngay ngày đầu tiên. Khi cựu Tổng thống Mỹ, với một bên tai băng bó, xuất hiện tại RNC, các cử tri đảng Cộng hòa đã hô vang khẩu hiệu “Chiến đấu!”. Sự ủng hộ này thể hiện rõ nét khi 2.387 đại biểu tại RNC nhất trí bầu ông Trump làm ứng viên chính thức, gần gấp đôi con số ông đạt được sau vòng bầu sơ bộ tháng Ba. Họ cũng đánh giá cao việc cựu Tổng thống chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance làm phó tướng, cho rằng sức trẻ và tài năng của cựu doanh nhân này sẽ đóng góp quan trọng vào thành công của ông Trump.
Sự tương phản
Ở chiều ngược lại, vụ tấn công cũng đặt đảng Dân chủ trước một tình thế đặc biệt. Ngay sau vụ tấn công, đương kim Tổng thống Joe Biden đã gọi điện hỏi thăm sức khỏe người tiền nhiệm. Đồng thời, trong cuộc họp báo cũng như phỏng vấn sau đó với đài NBC (Mỹ), ông Biden đã chỉ trích vụ tấn công, khẳng định “không có chỗ cho bạo lực trong nền chính trị Mỹ”, dù chính trị gia này cũng đề cập vụ tấn công Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021, thời điểm ông Trump còn tại nhiệm.
Ông Joe Biden nhấn mạnh: “Dù chúng tôi có bất đồng… song chúng tôi không phải kẻ thù. Chúng tôi là những người hàng xóm”. Đội ngũ tranh cử của ông Biden tạm dừng phát quảng cáo, khẩu hiệu chỉ trích ông Trump ngay sau vụ tấn công. Tuy nhiên, nếu kéo dài, sự tiết chế này có thể khiến nhiều người cho rằng đương kim Tổng thống đang có phần “lép vế” về truyền thông so với người tiền nhiệm.
Quan trọng hơn, trong bối cảnh hiện nay, vụ tấn công tạo nên sự tương phản rõ nét giữa hai chính trị gia hàng đầu của Mỹ. Một bên là ông Donald Trump, người đã thành công thoát khỏi nỗ lực ám sát và vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ vững chắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Ở phía còn lại, ông Joe Biden đối mặt không ít hoài nghi trong nội bộ đảng về vấn đề sức khỏe và theo đó là khả năng giành chiến thắng, đặc biệt sau phát biểu họp báo tại Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tranh luận trên truyền hình hồi tháng trước.
Thêm phần gay cấn
Khảo sát từ ngày 12-14/7 của công ty Morning Consult (Mỹ) với 11.328 cử tri chỉ ra rằng 84% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ ông Biden, trong khi có tới 89% cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump. Hiện 18 hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi Tổng thống nhường lại vị trí ứng viên cho chính trị gia khác. Tuy nhiên, ông Joe Biden đã bác bỏ những thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe, đồng thời khẳng định mình sẵn sàng cho hành trình khó khăn tới.
Thực tế cho thấy, với cử tri Mỹ, ông Trump đang chiếm ưu thế, đặc biệt là sau sự kiện ngày 13/7. Khảo sát của Morning Consult cho thấy 44% ủng hộ chính trị gia này, trong khi tỷ lệ tin tưởng vào ông Joe Biden là 42%. Tuy nhiên, cách biệt này là không nhiều và hoàn toàn có thể đổi chiều trong chưa đầy bốn tháng còn lại.
Mặc dù vậy, để kịch bản đó trở thành hiện thực, ông Joe Biden và đảng Dân chủ sẽ cần hành động nhanh, quyết liệt hơn để giành lại niềm tin của các cử tri xứ cờ hoa. Ở phía bên kia, ông Trump và đảng Cộng hòa tiếp tục tận dụng ưu thế từ vụ việc ngày 13/7 để nới rộng khoảng cách.
Trong bối cảnh đó, cuộc đua vào Nhà Trắng cũng vì thế sẽ quyết liệt, hấp dẫn và có thể có những thay đổi đến tận ngày bầu cử 5/11 tới.